Giống nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Cơ Ho Srê quan niệm “vạn vật hữu linh”, các sự vật, hiện tượng đều có linh hồn. Họ cho rằng, để có được cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu… là nhờ các Yàng (thần) phù hộ, cho nên họ phải biết nhớ và tạ ơn các Yàng.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người Cơ Ho Srê có kỹ thuật trồng lúa nước phát triển cao nhất so với các nhóm khác. Cây lúa nước là “sinh kế” quan trọng nhất trong đời sống của tộc người này, chuỗi nghi lễ liên quan đến quá trình phát triển cây lúa rất quan trọng và trở thành nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Ho Srê.
Người Cơ Ho Srê thường tìm đến những thung lũng, vùng trũng, ven sông, suối,… nơi nguồn nước chảy quanh năm để làm lúa nước. Tộc người này có hai loại ruộng, sự phân biệt này dựa vào địa thế của ruộng, đó là “srê lơngơn” nằm ở địa hình thấp, gần sông, suối luôn có nước và “srê đang” nằm ở vị trí cao hơn, có nước khi mưa hoặc có nước lớn tháo vào. Những kinh nghiệm xem thời tiết qua kỳ sinh trưởng của động vật được truyền lại từ thời kỳ làm rẫy; cách xem sao, kỹ thuật làm đất, thủy lợi, ngâm giống trước khi sạ, dùng phân bón… đã chứng tỏ sự thuần thục của họ trong việc trồng lúa nước ở một trình độ nhất định.
Hạt lúa với người Cơ Ho Srê đóng vai trò quan trọng, trong chu kỳ sản xuất họ thường làm các nghi lễ tế thần, như lễ gieo trồng (nhô sih srê) ngay tại chân ruộng, với hy vọng thần linh giúp cho hạt giống nảy đều, thời tiết thuận lợi. Khi cây lúa gieo trồng xong, họ làm lễ rửa chân trâu (nhô rào jơng rơpu); khi lúa tốt đầy đồng, cả buôn làng tổ chức lễ tạ ơn thần linh cho mưa thuận gió hòa, họ làm lễ uống kiêng cữ hay lễ cúng dưỡng lúa (nhô wèr). Rồi lễ mừng lúa trổ bông (nhô kèp), lễ trồng cây nêu khi lúa chín (nhô tồt dồng).
Khi cây lúa đã trổ đòng, lá lúa đã vàng khô, hạt lúa săn chắc, báo hiệu mùa thu hoạch đã đến, người nông dân bắt tay vào vụ gặt, gom chất thành đống, quây tròn, lên cao theo hình cót lúa ngay tại cánh đồng, họ làm lễ gặt lúa (nhô tơ wès kòi)… Mùa gặt kết thúc, họ tập trung tuốt lúa “đạp lúa bằng chân”, còn những đám ruộng có diện tích lớn thì dùng đàn trâu đạp lúa “prơjòt”, kéo dài đến cả tháng mới xong.
Người Cơ Ho Srê uy tín ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng, Nghệ nhân Ưu tú, già làng K’Tiếu cho biết, khi mọi việc đồng áng kết thúc, trước khi gùi lúa về kho, người Cơ Ho Srê thực hiện nghi lễ hiến tế heo cúng dâng Yàng để tạ ơn và xin phép các vị thần linh được mang lúa đổ đầy trong cót (lễ mang lúa về kho - nhô brê rơhe). Sau đó mới tiến hành tổ chức lễ hội lớn nhô lir bong - mừng lúa mới trong từng gia đình, dòng họ. Những hộ có điều kiện kinh tế khá giả, họ thường tổ chức với quy mô lớn hơn, kéo dài cả tháng, đó là lễ uống ăn trâu (nhô sa rơpu, hay còn gọi là nhô dơng). Lễ hội nhô lir bong được xem là Tết của người Cơ Ho Srê, có ý nghĩa là tạ ơn Yàng, để dân chúng hân hoan sau một mùa vụ vất vả và khi lúa đã đóng vào trong cót.
Từ xa xưa, người Cơ Ho Srê sản xuất lúa chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên và sức người. Song, qua quá trình canh tác, đúc rút kinh nghiệm, họ cũng đạt đến một trình độ canh tác có thể gọi là “văn minh lúa nước”. Cùng việc ứng xử hài hòa với thiên nhiên, họ còn dựa vào thiên văn, như căn cứ chu kỳ trăng để chọn thời điểm gieo sạ. Những người có kinh nghiệm trong các buôn làng Cơ Ho Srê cho rằng, đó là thời điểm cây lúa sẽ khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, không bị muông thú và dịch bệnh gây hại.
Theo già làng K’Tiếu, quan niệm của người Cơ Ho Srê, trong hạt thóc luôn có Yàng Kòi ngự trị. Vì vậy, họ luôn quý trọng hạt thóc, hạt gạo và thường dâng cúng thần linh những con vật hiến sinh khỏe mạnh (gà, vịt, lợn, dê và nhất là trâu). Sau khi thu hoạch, người Cơ Ho Srê tuyệt đối không lấy thóc làm mặt hàng buôn bán, vì như thế vô tình họ đã xua đuổi Thần lúa.
Với người Cơ Ho Srê, trong thời gian dài như huyền thoại, lúa gạo chỉ được phép dùng vào mục đích trao đổi với những hiện vật có giá trị ngang giá. Mãi đến đầu thế kỷ 21, khi đã tiếp cận với phương pháp sản xuất tiên tiến, họ mới bước qua sự ràng buộc lễ nghi, xem lúa gạo là thương phẩm.