Hạnh phúc sau hành trình dài đằng đẵng hiếm muộn

NDO - Sau nhiều năm hiếm muộn, nữ giảng viên Đại học Y Dược Thái Nguyên vỡ òa hạnh phúc khi chào đón đứa con đầu lòng dù bản thân mắc buồng trứng đa nang và chồng cũng gặp vấn đề về sinh sản. 
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình chị Nguyễn Vân Anh (1996) và anh Nguyễn Văn Đức (1994) hạnh phúc bên 2 thiên thần nhỏ.
Gia đình chị Nguyễn Vân Anh (1996) và anh Nguyễn Văn Đức (1994) hạnh phúc bên 2 thiên thần nhỏ.

Nỗi niềm của nhiều gia đình hiếm muộn

Chị Đoàn Nguyệt Linh và anh Nông Minh Tuấn nên duyên vợ chồng vào năm 2018 và cũng như bao cặp đôi khác, họ mong muốn sớm có tiếng cười nói trẻ thơ trong tổ ấm riêng của mình. Ngày tháng trôi đi với guồng quay cuộc sống, anh Tuấn bận rộn công việc tại trại giam Quân khu I thường xuyên phải ở lại cơ quan trực chiến làm nhiệm vụ, chị Linh là giảng viên Đại học Y Dược Thái Nguyên với lịch giảng dạy dày đặc nên hai vợ chồng không có nhiều thời gian dành cho nhau.

Sau hành trình miệt mài trên con đường y đức, khi trở về cuộc sống đời thường những nhân viên y tế như chị Linh cũng có mong ước về hạnh phúc riêng, rộn rã tiếng cười con trẻ.

Hai năm sau hôn nhân, anh chị sốt ruột kéo nhau đi khám thì phát hiện bản thân chị Linh mắc đa nang buồng trứng, chất lượng tinh trùng của chồng kém làm khả năng thụ thai tự nhiên trở nên khó khăn. Bác sĩ cũng kê thuốc cho hai vợ chồng về uống nhưng có lẽ duyên con chưa tới, đợi mãi cũng không thấy có tin vui.

Hạnh phúc sau hành trình dài đằng đẵng hiếm muộn ảnh 1

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp mổ Micro Tese cho bệnh nhân.

Là người công tác trong lĩnh vực y tế, hiểu về các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại, vợ chồng chị Linh quyết định lựa chọn IVF là giải pháp để sớm đón được con yêu. Qua lời giới thiệu của chị đồng nghiệp công tác cùng trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, đôi vợ chồng trẻ quyết định xuống Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám và thực hiện hỗ trợ sinh sản.

Khi đến Bệnh viện, hai vợ chồng chị Linh may mắn gặp được đúng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám. Hai vợ chồng được bác sĩ Hiền chỉ định thực hiện các siêu âm xét nghiệm cần thiết. Sau đó hành trình tìm con của anh Tuấn chị Linh bắt đầu bằng quá trình thực hiện IVF tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Tháng 3/2020 chị Linh bắt đầu quá trình kích trứng, chọc trứng tạo phôi tại bệnh viện. Một tháng sau, chị bắt đầu canh niêm mạc và sau đó được bác sĩ chuyển phôi vào cơ thể. Niềm vui và sự hạnh phúc đã gõ cửa gia đình chị Linh ngay lần chuyển phôi đầu tiên, bác sĩ thông báo hai mầm sống đã bắt đầu hình thành trong cơ thể mẹ.

Cũng như chị Linh, gia đình chị Nguyễn Vân Anh (1996) và anh Nguyễn Văn Đức (1994) sau thời gian tiến tới hôn nhân cũng không thấy tin vui đến sớm. Chỉ sau 6 tháng hôn nhân, sau khi thăm khám tại bệnh viện, anh chị "rụng rời tay chân" khi phát hiện chồng không có tinh trùng.

Hạnh phúc sau hành trình dài đằng đẵng hiếm muộn ảnh 2

Bác sĩ khâu eo tử cung cho sản phụ.

Sau thăm khám, siêu âm xét nghiệm, anh Đức được bác sĩ kết luận bị "vô tinh" do teo tinh hoàn, biến chứng của tiền sử quai bị hoặc viêm tinh hoàn trước đó. Không chỉ sức khỏe sinh sản của chồng gặp vấn đề, kết quả siêu âm khi đó còn cho thấy chị Vân Anh bị đa nang buồng trứng, rối loạn phóng noãn và kinh nguyệt không đều cũng ảnh hưởng đến khả năng mang thai tự nhiên, khó có con.

Với đồng lương công nhân ít ỏi, số tiền làm IVF là quá lớn nên ngày đó hai vợ chồng đành gác lại hành trình tìm con bằng phương pháp này. 4 năm đằng đẵng trôi đi, biết bao hy vọng đợi chờ qua hàng trăm thang thuốc bắc, hàng chục loại thuốc tây y nhưng nhận lại vẫn là những chiếc que thử thai một vạch.

Năm 2022 với số tiền ít ỏi hai vợ chồng dành dụm anh Đức chị Vân Anh quyết định vay mượn thêm người thân và quay lại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội "tìm con". Sau khi làm lại tất cả các xét nghiệm, chị Vân Anh lại một lần nữa lo sợ vì kết quả xét nghiệm cho biết chị mang gene Thalassemia thể lặn (người lành mang gene bệnh). Vẫn còn một chút may mắn khi Anh Đức không mang gene bệnh này, hai vợ chồng được bác sĩ tư vấn làm thủ tục hoàn thiện hồ sơ và bắt đầu quá trình kích trứng thực hiện IVF.

Với tình trạng vô tinh, không có tinh trùng trong tinh dịch do tiền sử quai bị gây teo tinh hoàn, anh Đức được bác sĩ chỉ định mổ Micro TESE với hy vọng tìm được tinh trùng để tạo phôi.

Sau khi quyết định giữ lại 2 phôi ngày 3 và nuôi 6 phôi lên ngày 5, hai vợ chồng quyết định chuyển phôi ngày 5. Trời không phụ lòng người, sau chuyển phôi 10 ngày hai vợ chồng vỡ òa hạnh phúc khi chiếc que thử thai hiện hai vạch rõ nét với 2 mầm sống trong cơ thể.

Hạnh phúc sau hành trình dài đằng đẵng hiếm muộn ảnh 3

Chị Đoàn Nguyệt Linh và anh Nông Minh Tuấn đã chờ đợi gặt hái được thành quả sau nhiều năm hiếm muộn.

Hành trình vượt cạn đầy gian truân

Hành trình vượt cạn song thai của những gia đình hiếm muộn đều mang những vất vả riêng cho gia đình và bác sĩ.

Với gia đình chị Linh, 9 tháng 10 ngày không hề suôn sẻ. Để có những giây phút vỡ òa hạnh phúc đón con chào đời, vợ chồng anh Tuấn chị Linh cũng phải trải qua quãng thời gian đầy lo lắng và nước mắt. Do thể trạng cơ thể yếu nên giai đoạn đầu thai kỳ chị Linh bị nghén nặng, không ăn uống được, kiệt sức mệt mỏi.

Hạnh phúc sau hành trình dài đằng đẵng hiếm muộn ảnh 4

Hai thiên thần của gia đình chị Linh.

Từ tuần 16 của thai kỳ những cơn co tử cung sớm bắt đầu xuất hiện, liên tục có dấu hiệu dọa sảy, chị Linh phải thường xuyên xuống bệnh viện để kiểm tra và dùng thuốc nội tiết cắt cơn co.

Đến tuần thứ 28, cơn co xuất hiện ngày càng nhiều, chị Linh phải xuống Hà Nội nằm viện theo dõi đến cuối thai kỳ. Hai tháng nằm viện giữ thai, không ngày nào trên tay vắng bóng kim truyền thuốc giảm co, tưởng chừng như không thể giữ được hai con trong bụng thêm nữa, lo lắng lắm nhưng hai vợ chồng chị Linh vẫn cố gắng, động viên nhau tin vào kết quả ngọt ngào.

Vượt qua một hành trình thai kỳ nhiều nguy cơ và đầy nước mắt, cuối cùng ngày 14/1/2021, hai thiên thần nhỏ Minh Khang và Diệu An đã chào đời khỏe mạnh.

Với gia đình của sản phụ Vân Anh, từ tuần 20 của thai kỳ, khi song thai lớn dần cũng là lúc quá trình giữ thai chính thức bước vào giai đoạn khó khăn liên tiếp. Liên tục những cơn gò dọa sảy, sa cổ tử cung, thõng ối, ra máu thai kỳ…tất cả những điều đó như trở thành phép thử cho sự kiên trì của vợ chồng chị Vân Anh.

Các bác sĩ phải khâu eo cổ tử cung để cấp cứu giữ thai cho sản phụ. Giai đoạn nguy hiểm đã tạm thời qua, sau khâu eo bác sĩ nói cổ tử cung lên được 18mm và còn rất yếu, phải giữ gìn cẩn thận. Tuần thứ 28 của thai kỳ bị ra máu, hai vợ chồng vội vàng vào viện, bác sĩ báo dọa sinh non và chỉ định nhập viện điều trị theo dõi tiêm thuốc cầm máu, giảm co cho đến khi thai kỳ ổn định. Cứ như vậy, cả thai kỳ được bác sĩ Khanh theo dõi sát sao cho đến khi sinh.

Hạnh phúc sau hành trình dài đằng đẵng hiếm muộn ảnh 5

Hai thiên thần của gia đình chị Vân Anh.

Hành trình tìm con đầy gian nan vất vả cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng vào ngày 8/01/2023, chị Vân Anh vỡ ối và hạ sinh thành công hai thiên thần nhỏ Nguyễn Trọng Đăng Khôi - Nguyễn Trọng Đăng Khoa trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình nội ngoại hai bên. Những giọt nước mắt hạnh phúc của của ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình đã rơi sau 5 năm mong mỏi đợi chờ.

Có thể với bao cặp vợ chồng khác sinh được các con là điều đơn giản bình thường nhưng đối với gia đình hiếm muộn như chị Linh, chị Vân Anh, niềm hạnh phúc được bế con trên tay là hành trình dài chờ đợi, vượt qua khó khăn cả về tài chính lẫn tinh thần và sự đồng hành sát sao, tận tâm của các y, bác sĩ.