Cứu sống trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng do sa dây rau

NDO - Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã cứu sống một trường hợp trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng nguy hiểm do sản phụ bị sa dây rau.
0:00 / 0:00
0:00
Em bé đang dần bình phục sức khỏe.
Em bé đang dần bình phục sức khỏe.

Sản phụ D.T. T.H (trú tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) mang thai 39 tuần được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ trong tình trạng vỡ ối sớm.

Sau khi thăm khám nhanh kết hợp khai thác các thông tin bệnh sử, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ gặp tình trạng suy đa thai do sa dây rốn ngôi đầu, ối vỡ sớm.

Các bác sĩ đã ngay lập tức hỗ trợ đẩy đầu em bé lên và chỉ định mổ lấy thai cấp cứu cho sản phụ. Ngay sau khi mổ lấy thai, em bé sinh ra trong tình trạng tím tái toàn thân, SPO2 ở mức 65%, tim rời rạc, khóc rất yếu, các bác sĩ sơ sinh đã tiến hành hồi sức cho bé ngay tại phòng mổ, đặt ống nội khí quản, cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Sau cấp cứu ổn định, trẻ được chuyển đến khoa Sơ sinh tiếp tục hồi sức và thăm khám toàn diện. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp độ III với các bệnh kèm theo như nhiễm khuẩn sơ sinh, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, thiếu máu và suy đa tạng.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Hậu - Trưởng khoa Nhi Sơ sinh cho biết: Khi nhận được thông tin về tình trạng sức khỏe của bé, gia đình rất lo lắng và xin chuyển bé lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, do tình trạng trẻ quá nặng, những giờ đầu sau sinh, trẻ xuất hiện nhiều lần ngừng tuần hoàn nên không đủ điều kiện chuyển tuyến, thậm chí có thể xảy ra tử vong trên đường đi, các bác sĩ đã động viên gia đình yên tâm cho bé ở lại điều trị.

Với nỗ lực cứu sống bé, các bác sĩ tiến hành xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn, thở máy cao tần, đặt cathete tĩnh mạch trung tâm, sử dụng thuốc vận mạch và truyền khối hồng cầu, huyết tương cùng nhóm, truyền tiểu cầu, kháng sinh cho bé.

Những ngày đầu, tình trạng bệnh của trẻ chưa có nhiều chuyển biến tích cực, chức năng các cơ quan suy giảm nhiều, đặc biệt là chức năng thận.

Trong tình huống đó, trẻ cần được lọc máu nhưng do tình trạng rối loạn đông máu nặng nên không thể can thiệp, bắt buộc các bác sĩ khoa Sơ sinh phải điều chỉnh thuốc và điều trị nội khoa. Rất may mắn là trẻ đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, tình trạng sức khỏe đã tốt lên từng ngày.

Sau hơn 15 ngày điều trị tích cực, trẻ đã tự thở được, bú tốt, không phải ăn qua Sonde, chức năng gan thận ổn định và đã được cho xuất viện về nhà.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Công – Phó Giám đốc Bệnh viện, người trực tiếp tiếp nhận và phẫu thuật cho sản phụ H. nhận định, trường hợp sản phụ H. rất may mắn vì đã được đưa đến viện cấp cứu kịp thời, bởi sa dây rau là một tai biến sản khoa có diễn biến rất nhanh, có thể gây tử vong ở thai nhi trong khoảng 30 phút nếu không mổ lấy thai ra kịp thời.

Bên cạnh đó, sự tận tâm phối hợp điều trị trẻ sau phẫu thuật của các bác sĩ Sơ sinh có trình độ chuyên môn cao đã giúp cứu sống trẻ .

Sa dây rau là hiện tượng dây rốn nằm dưới hoặc nằm bên ngôi thai. Lúc này dây rau sẽ sa xuống cổ tử cung, chui vào trong ống sinh trước cả thai nhi. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời dây rau sẽ bị chèn ép giữa ngôi thai và khung chậu gây ra tình trạng ngưng trệ tuần hoàn, khi đó thai nhi có nguy cơ mất tim thai và có thể tử vong ngay trong bụng mẹ.

Bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, các sản phụ nên thăm khám thường xuyên và chú ý tới các dấu hiệu bất thường trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối của thai kỳ. Khi có các dấu hiệu như đau bụng, ra dịch âm đạo, ra máu âm đạo… sản phụ nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời, đề phòng những sự cố có thể xảy ra.