Hành động vì mục tiêu tăng trưởng xanh

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều làng nghề và hơn 10 khu công nghiệp tập trung, với 450 nghìn công nhân cho nên áp lực về môi trường là rất lớn. Tuy nhiên, với quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế", tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hướng tới tăng trưởng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy đốt rác phát năng lượng tại Quế Võ đã sẵn sàng vận hành.
Nhà máy đốt rác phát năng lượng tại Quế Võ đã sẵn sàng vận hành.

Ngày 9/5/2019, tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Ðề án tổng thể bảo vệ môi trường, giai đoạn 2019-2025, với mục tiêu cơ bản là: Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt, môi trường các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn, đô thị... Sau hơn ba năm thực hiện, mặc dù vẫn còn những khó khăn, phức tạp, nhưng công tác bảo vệ môi trường tại tỉnh Bắc Ninh có những kết quả rất tích cực.

Quyết liệt xử lý môi trường làng nghề

Nhiều năm qua, làng nghề tái chế giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Tổng số có 326 cơ sở sản xuất, với hơn 300 ống khói lò hơi, gây ô nhiễm không khí ở mức độ rất cao. Bên cạnh đó, mỗi ngày các cơ sở sản xuất xả ra môi trường khoảng 20.000m3 nước thải không qua xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước khu vực lân cận. Ðể giải quyết bài toán môi trường nêu trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Ðề án chuyển đổi Cụm công nghiệp Phong Khê.

Trong đó, đến năm 2030, tỉnh sẽ đóng cửa toàn bộ cơ sở sản xuất hiện tại, có biện pháp hỗ trợ di dời sang cụm công nghiệp mới. Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử phạt 27 trường hợp vi phạm ô nhiễm môi trường, 27 cơ sở vi phạm về an toàn điện, với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng; tạm đình chỉ 104 cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, tổng số tiền xử lý gần 10,8 tỷ đồng,...

Theo ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh: Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, khí thải bảo đảm để hoạt động đến thời điểm di dời ra khu mới. Một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống khí nén lò hơi công suất lớn và bán cho những cơ sở khác. Chuyển biến về môi trường tại Phong Khê thời gian qua rất rõ nét.

Làng nghề cô đúc, tái chế nhôm Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong) với khoảng 550 cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí nơi đây cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn từ 1,2 đến 2,8 lần. Ðể giải quyết triệt để bài toán này, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo xây dựng Ðề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, giai đoạn 2022-2026.

Năm 2022, huyện Yên Phong đã tổ chức cưỡng chế và thi hành quyết định xử phạt đối với hộ dân tự ý lấn chiếm đất đai, xây dựng lán trại, nhà xưởng trái phép; đóng cửa các cơ sở không bảo đảm quy định. Ðồng thời, đẩy nhanh Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề,… Ðầu tháng 3/2023, sau khi kiểm tra việc thực hiện Ðề án xử lý môi trường làng nghề tại Văn Môn và Phong Khê, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn chỉ đạo: Về lâu dài, địa phương cần có lộ trình chuyển đổi, tiến tới xóa bỏ những làng nghề gây ô nhiễm môi trường, vì sức khỏe, cuộc sống người dân… hướng đến sự phát triển mới, xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.

Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề, với hơn 28.000 hộ tham gia sản xuất. Ðể khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HÐND quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn; trong đó hỗ trợ 100% kinh phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và kinh phí xử lý. Ðối với khu vực làng nghề, hỗ trợ 100% kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn tồn đọng,...

Hướng tới cuộc sống xanh

Nhằm xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời, bổ sung nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai bốn dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, với tổng công suất 1.800 tấn/ngày đêm. Các dự án gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng (tại thị xã Thuận Thành); Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung (huyện Lương Tài); Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng và Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện (thị xã Quế Võ).

Ðến nay, Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện do Công ty TNHH môi trường Ngôi Sao Xanh làm chủ đầu tư (tại Quế Võ, công suất 180 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 6,1MW) đã vận hành thử từ tháng 6/2022. Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng ở Quế Võ do Công ty cổ phần môi trường năng lượng Thăng Long làm chủ đầu tư (công suất xử lý 500 tấn rác sinh hoạt/ngày đêm, công suất phát điện là 11,7 MW) đã hoàn thành được hơn 84% khối lượng công việc. Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung tại huyện Lương Tài do Công ty TNHH năng lượng mới EU-CONCH VENTURE Bắc Ninh làm chủ đầu tư (công suất xử lý rác thải 300 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 6 MW) đã đủ điều kiện tiếp nhận rác. Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại Thuận Thành, đã thi công được 75% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành lắp đặt vào tháng 9/2023.

Ông Vũ Mạnh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Thuận Thành (Liên danh đầu tư với Công ty JFE-Nhật Bản) cho biết: Nhà máy được đầu tư theo công nghệ tiêu chuẩn châu Âu, có công suất xử lý 500 tấn rác/ngày, với hiệu suất phát điện từ 11 đến 13 MW (có thể vượt tải 10%). Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ bổ sung vào điện lưới quốc gia khoảng 100 triệu kWh/năm.

Nhìn chung, quyết liệt trong giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề và triển khai các nhà máy đốt rác phát điện là kết quả nổi bật của Bắc Ninh sau hơn ba năm thực hiện Ðề án tổng thể bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Ðình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh: Bên cạnh các giải pháp nêu trên, địa phương cũng làm tốt công tác vệ sinh môi trường khu vực đô thị, nông thôn và sản xuất nông nghiệp; các khu công nghiệp đều được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý môi trường bảo đảm theo quy định,... Các cấp chính quyền luôn quan tâm, đổi mới tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, vì cuộc sống xanh, sạch, đẹp và sự phát triển bền vững của quê hương. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành chức năng sâu sát quá trình triển khai, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các dự án… ■