Nhu cầu về vaccine gia tăng khi nhiều khu vực trên thế giới ghi nhận các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Mỹ, nơi đang là điểm nóng về dịch bệnh với hơn 10.000 ca mắc, mới đây tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Số ca bệnh tại "xứ cờ hoa" chiếm hơn 30% tổng số trường hợp được ghi nhận trên toàn cầu (khoảng 32.000 ca). Ðáng nói là, số lượng bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều do công tác xét nghiệm ở một số quốc gia vẫn hạn chế.
Thế giới đang đứng trước tình cảnh "họa vô đơn chí", khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa qua mà bệnh đậu mùa khỉ đã tới. Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ khó lây lan hơn so với dịch Covid-19 nhưng giới chuyên môn cảnh báo, những diễn biến đáng lo ngại của căn bệnh này sẽ kéo theo sự tăng vọt về nhu cầu vaccine, trong khi nguồn cung vaccine đậu mùa khỉ còn hạn chế. Cũng giống như thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19, một lần nữa, thế giới đối mặt nguy cơ thiếu hụt vaccine ngừa bệnh.
Hiện vaccine của công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic (Ðan Mạch) là vaccine duy nhất được cấp phép sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ tại Mỹ và Canada. Mới đây, vaccine này đã được Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt. Về sản lượng, Công ty Bavarian Nordic cho biết, có thể sản xuất tới 30 triệu liều vaccine mỗi năm, nhưng lại giữ kín về phương án phân bổ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn cầu hiện có tổng cộng khoảng 16 triệu liều vaccine ngừa đậu mùa khỉ của Công ty Bavarian Nordic, song số vaccine này đều ở dạng đóng gói theo lô lớn và sẽ mất vài tháng để chia nhỏ ra các lọ. Trước nguy cơ khan hiếm vaccine, bài học về tinh thần đoàn kết, sẻ chia và tránh tình trạng bất bình đẳng vaccine từ đại dịch Covid-19 lại được giới chuyên gia nhấn mạnh. Giới chức y tế châu Phi cho biết, người dân "lục địa đen" vẫn chưa thể tiếp cận vaccine đậu mùa khỉ dù số ca tử vong tại châu lục này ở mức cao, trong khi các nước phát triển đã đặt hàng vaccine với số lượng lớn.
Các nước phương Tây cũng đang ghi nhận tình trạng cầu vượt quá cung về vaccine. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa cho phép áp dụng liều lượng mới tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ, theo đó, mỗi mũi tiêm chỉ sử dụng tối đa 20% liều lượng của mũi tiêm hiện tại. Châu Âu đang thảo luận về phương án tiết kiệm liều lượng này. Giáo sư Adam Finn tại Ðại học Bristol (Mỹ) cho rằng, việc tính đến biện pháp tiết kiệm liều vaccine là điều dễ hiểu trong bối cảnh nguồn dự trữ vaccine thật sự là một mối lo ngại lớn.
Không chỉ nhắc nhở về câu chuyện phân phối hiệu quả, công bằng vaccine, bệnh đậu mùa khỉ còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về các hành vi lan truyền thông tin sai lệch và kích động tâm lý kỳ thị, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh. Ngày càng có nhiều vụ tấn công và đầu độc khỉ xảy ra ở Brazil do có thông tin cho rằng loài động vật này là nguồn cơn dẫn đến đợt bùng phát đậu mùa khỉ tại quốc gia Nam Mỹ.
Hôm 10/8, WHO lên tiếng khẳng định, các loài khỉ hay linh trưởng không phải là nguyên nhân dẫn tới số ca mắc tăng cao ở Brazil, mà đợt bùng phát dịch này liên quan đến sự lây nhiễm giữa người với người. Bởi vậy, thay vì tấn công động vật, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống lây nhiễm bệnh. Tâm lý kỳ thị người bệnh cũng là yếu tố khiến dịch bệnh lây lan rộng hơn, do người bệnh e ngại nói ra tình trạng sức khỏe của mình và không được tiếp cận các dịch vụ điều trị, cách ly phù hợp.
Tại cùng một thời điểm, thế giới phải căng sức đối phó với hai dịch bệnh có diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng, là đại dịch Covid-19 và bệnh đậu mùa khỉ. Thực tế này đòi hỏi các nước cần cùng nhau hành động, vừa nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh, vừa sớm thúc đẩy một cơ chế phân phối vaccine hợp lý, công bằng nhằm ứng phó hiệu quả với bệnh đậu mùa khỉ cũng như các làn sóng dịch bệnh tương tự trong tương lai.