Tây Nguyên đối mặt với khô hạn

Tây Nguyên đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2024. Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài khiến mực nước trên các sông, suối, hồ đập đang giảm nhanh. Một số nơi đã cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng huy động lực lượng cùng người dân nạo vét kênh mương tích trữ nước sản xuất nông nghiệp.
Huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng huy động lực lượng cùng người dân nạo vét kênh mương tích trữ nước sản xuất nông nghiệp.

Để chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn, các tỉnh Tây Nguyên đang cùng người dân khẩn trương triển khai các giải pháp chống hạn, bảo đảm an toàn, hiệu quả cho sản xuất và phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Hạn hán trên diện rộng

Vụ đông xuân năm 2023-2024, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk gieo trồng được hơn 5.500 ha cây trồng các loại, trong đó chủ yếu là lúa nước, nhưng đến nay đã có khoảng 100 ha bị khô hạn, thiếu nước tưới.

Dẫn chúng tôi ra thăm ba sào lúa nước của gia đình nằm cạnh kênh thủy lợi nhưng đất đai đã nứt nẻ, chị H’Nguyệt Uông ở buôn Dieo, xã Bông Krang buồn bã nói: "Năm nay hạn hán đến sớm và kéo dài, lượng nước trên kênh giảm mạnh, đã hơn một tuần nay không thể lấy nước vào ruộng được khiến đất đai nứt nẻ, cây lúa khô héo. Nếu tình trạng này kéo dài thêm một tuần nữa thì toàn bộ diện tích lúa sẽ mất trắng, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn".

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk Nguyễn Viết Quang cho biết: Là địa phương sản xuất lúa nước trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk nhưng năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa khô đến sớm hơn mọi năm và tình hình nắng nóng kéo dài khiến mực nước tại các hồ đập trên địa bàn huyện giảm nhanh, trong đó các hồ đập có dung tích nhỏ đã cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Nếu trong thời gian tới trời không có mưa và nắng nóng tiếp tục kéo dài thì diện tích cây trồng bị khô hạn sẽ tăng nhanh.

Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết: Công ty đang quản lý 362 công trình thủy lợi, hồ đập, phục vụ tưới cho khoảng 80.500 ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng El Nino, nhiều tháng nay trên địa bàn tỉnh không có mưa và nắng nóng gay gắt cho nên đến nay đã có 53 hồ chứa dung tích nước đã xuống dưới 50%, 62 hồ có dung tích từ 50% đến dưới 70%. Hiện nay, công ty đang bơm nước chống hạn cho hơn 1.055 ha cây trồng, dự kiến đến cuối vụ, diện tích bị khô hạn tăng lên hơn 3.043 ha, trong đó có 2.389 ha lúa, 617 ha cây công nghiệp…

Từ giữa tháng 2 đến nay, tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai, Chư Păh… tỉnh Gia Lai dù chưa xuất hiện tình trạng khô hạn nhưng mực nước tại các sông suối, ao hồ, đập thủy lợi đã bắt đầu sụt giảm.

Anh Nguyễn Văn Thế ở thôn 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cho biết: "Những năm trước, mực nước tại hồ thủy lợi bảo đảm tưới cho đợt 3, thậm chí đợt 4. Tuy nhiên, năm nay nắng gắt kéo dài nên mực nước giảm nhanh hơn. Thời gian tới, nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài thì khả năng thiếu nước tưới cho cà-phê là rất lớn".

Còn anh Trần Thanh Hoàng ở làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê, huyện Cư Suê đã thuê người nạo vét giếng, nhưng vẫn không đủ nước tưới cho diện tích cà-phê và chanh dây của gia đình.

"Mực nước ngầm năm nay giảm trông thấy. Nếu như những năm trước, giếng của gia đình bảo đảm nước cho máy bơm tưới cả ngày, thì năm nay chỉ tưới được hai đến ba giờ là cạn khô. Sau khi tiến hành nạo vét giếng cũng tưới được khoảng năm giờ phải nghỉ chờ nước ra mới bơm tưới trở lại. Tình trạng này tiếp tục kéo dài thì rất đáng lo ngại, bởi diện tích chanh dây cần nước thường xuyên và vườn cà-phê còn phải tưới hai đến ba đợt nữa", anh Hoàng nói.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, từ ngày 1/1 đến 13/3, toàn tỉnh có hơn 60 ha lúa nước bị khô hạn, gây thiệt hại hơn 3,4 tỷ đồng…

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đến nay hạn hán xảy ra chỉ mang tính cục bộ, nhưng nhiều khu vực đang có nguy cơ thiếu nước cao. Theo ghi nhận tại xã Đại Lào và Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc đang xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tính đến giữa tháng 3/2024, tại xã Đại Lào có khoảng 300 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng thôn 3, xã Đại Lào cho biết: "Có khoảng 150 hộ dân trong thôn đang bị thiếu nước sinh hoạt. Hầu hết các hộ sử dụng nước giếng đào, đang cao điểm khô hạn, nguồn nước bị thiếu hụt nên bà con phải đi xin hoặc mua nước nơi khác về dùng".

Bên cạnh đó, do nắng hạn kéo dài nên trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có hơn 17,8 nghìn ha và các huyện Đạ Huoai có khoảng 335 ha, huyện Lạc Dương có khoảng 300 ha, huyện Lâm Hà hơn 2.400 ha, huyện Đức Trọng hơn 1.240 ha, huyện Di Linh khoảng 2.500 ha, huyện Đạ Tẻh khoảng 1.655 ha cây trồng các loại có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới vào cuối vụ…

Nỗ lực chống hạn

Do ảnh hưởng El Nino, mùa khô năm 2023-2024 ở Tây Nguyên có khả năng gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các địa phương trong vùng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn, bảo đảm nguồn nước tưới cho các loại cây trồng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, vụ đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo trồng được 62.981 ha cây trồng ngắn ngày các loại, trong đó có 40.000 ha lúa nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 213.000 ha cà-phê, 27.720 ha điều, 32.820 ha hồ tiêu và 43.324 ha cây ăn quả… nên nhu cầu nước tưới là rất lớn.

Trong khi đó, hiện nay toàn tỉnh có 858 công trình thủy lợi, gồm 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm phục vụ nước tưới cho hơn 262.339 ha cây trồng, trong đó diện tích tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi là 151.616 ha, diện tích còn lại khai thác nguồn nước mặt sông, suối, ao hồ và nước ngầm để tưới...

Tuy nhiên, hiện nay mực nước trên các sông, suối phổ biến dao động theo xu thế giảm, lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-30%, một số sông, suối nhỏ bắt đầu khô kiệt. Dự báo đến cuối vụ, toàn tỉnh sẽ có khoảng 8.000 ha cây trồng các loại thiếu nước tưới, trong đó có 6.000 ha cây ngắn ngày và 2.000 ha cây dài ngày.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 73.209 ha cây trồng, đạt 92,1% kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay mực nước tại các sông, suối, ao hồ, mạch nước ngầm ở một số địa phương đang giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Tây Nguyên đối mặt với khô hạn ảnh 1
Nguồn nước tại công trình thủy lợi An Phú-Chư Á, tỉnh Gia Lai đang cạn kiệt.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành phương án ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn, trong đó chú trọng phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước.

Theo đó, ngành nông nghiệp các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường quản lý, điều tiết, bảo vệ nguồn nước; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước.

Khuyến cáo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, chịu hạn; đối với cây trồng dài ngày cần tăng cường áp dụng các kỹ thuật tưới tiên tiến, áp dụng công nghệ cao tiết kiệm nước. Đồng thời, tổ chức đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có phương án sử dụng nước hợp lý...

Ngay từ đầu mùa khô, Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk và Gia Lai đã tiến hành nâng cao ngưỡng tràn các hồ đập để tăng dung tích trữ nước; điều tiết chuyển nguồn nước từ công trình dư thừa hỗ trợ cho công trình bị thiếu nước; triển khai nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, bảo đảm dẫn nước hiệu quả; đắp đập tạm để giữ nước; lắp đặt các trạm bơm dã chiến để khai thác nước sông, suối và dung tích chết của hồ chứa… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Theo Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng Hoàng Văn Thanh, dự báo nếu nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh có hơn 9.200 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, khoảng 1.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Vì vậy, yêu cầu của tỉnh là phải điều tiết nước hợp lý, với phương châm trong mọi trường hợp không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Khi xảy ra hạn hán cần thực hiện các biện pháp ưu tiên là cấp nước cho sinh hoạt, gia súc và cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao…

Về lâu dài, các tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi lớn để phục vụ tưới và cắt lũ trên hệ thống các sông lớn.

Tăng cường đầu tư xây dựng mới các hồ chứa để chuyển nước tưới cho các vùng thường xuyên bị hạn để mở rộng diện tích được phục vụ nước tưới.

Huy động nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ để tích nước chống hạn; tăng cường đầu tư xây dựng trạm bơm, hệ thống tưới vùng đất dốc, lòng hồ chứa để tưới cho cà-phê, hồ tiêu; khẩn trương triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương nhằm phát huy hiệu quả, hạn chế thất thoát nước tưới.

Đầu tư các dự án trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn để nâng cao độ che phủ của rừng và tăng cường nguồn nước cho các hồ đập trên địa bàn…