Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

NDO -

NDĐT - Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào sáng 3-8, tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu đã gây thiệt hại lớn về nglười, tài sản và hoa màu của nhân dân. Tại các địa phương trên, công tác tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân bị thiệt hại đang được tiến hành tích cực, khẩn trương.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT giúp nhân dân bản Hua Nặm khắc phục hậu quả thiên tai. (Ảnh: NGỌC THUẤN)
Cán bộ, chiến sĩ LLVT giúp nhân dân bản Hua Nặm khắc phục hậu quả thiên tai. (Ảnh: NGỌC THUẤN)

Ngày 4-8, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đã lên kiểm tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ tại huyện Mường La.

Tham gia cùng Đoàn có đồng chí Nguyễn Cảnh Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Thiếu tướng Hoàng Ngọc Dũng, Phó Tư lệnh Quân khu II; Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Ngay sau khi đến hiện trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đoàn đã kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại thị trấn Ít Ong và bản Hua Nặm, xã Nặm Păm. Theo báo cáo của huyện Mường La, tính đến 15 giờ ngày 4-8, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn huyện. Trong đó chủ yếu tập trung tại thị trấn Ít Ong và huyện Mường La, mưa lũ đã làm 11 người chết, năm người mất tích, sáu người bị thương; 179 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 79 nhà bị ảnh hưởng; lũ cuốn trôi hai mố cầu Nặm Păm gây ách tắc hoàn toàn giao thông trên quốc lộ 279D đoạn qua thị trấn Ít Ong; cuốn trôi bốn ô-tô, ba kho chưa vật liệu xây dựng, bốn thuyền máy; cuốn trôi nhà văn hóa và các điểm trường bản Hua Nặm, Huổi Liếng, Huổi Hốc, Pá Piệng, trạm y tế xã Nặm Păm và nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện; cuốn trôi hàng trăm ha lúa, hoa màu và gia súc của nhân dân. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 461 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh và huyện Mường La đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân, đoàn viên thanh niên kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả.

Làm việc với các lãnh đạo tỉnh và huyện Mường La, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác cảnh báo, tuyên truyền và chủ động phòng chống thiên tai của địa phương. Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai gây ra trong đợt này là rất lớn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm những người mất tích; thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ đối với những gia đình có người bị chết, mất tích và bị thương. Thực hiện quản lý những điểm có nguy cơ cao, cảnh báo người dân, tránh để xảy ra rủi ro sau mưa lũ; tập trung lực lượng cứu trợ lương thực, nước uống, bảo đảm không để hộ dân nào bị đói; thành lập bộ phận tiếp nhận và cấp phát cứu trợ. Triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường; rà soát các điểm để bố trí TĐC cho nhân dân. Đồng thời, khẩn trương tổng hợp những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, báo cáo chính phủ hỗ trợ khắc phục.

Tại cuộc làm việc, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã hỗ trợ huyện Mường La 100 triệu đồng; Tổng Công ty hàng hải Việt Nam hỗ trợ ba tỷ đồng xây dựng Trạm Y tế xã Nặm Păm và 150 triệu đồng cho huyện khắc phục hậu quả mưa lũ.

Khẩn trương khắc phục mưa lũ tại Mường La (Sơn La)

Theo thông tin mới nhất, đến 13 giờ 30 ngày 4-8, đã tìm thấy thêm được ba thi thể nạn nhân ở xã Nậm Păm bị lũ cuốn trôi. Như vậy, số người chết trong trận lũ lịch sử tại Mường La là 10 người, ba người bị thương, còn bảy người mất tích đang tiếp tục được khẩn trương tìm kiếm.

Xã Nặm Păm là địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ lịch sử về người và nhà cửa. Xã có năm bản dường như bị xóa xổ hoàn toàn, 11 người bị chết và mất tích; 97 ngôi nhà bị cuốn trôi; gần 50 ngôi nhà đang có nguy cơ bị sạt lở.

Hiện nay các lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được hai bản, còn hai bản Huổi Hốc và bản Pịa do đất đá bị sạt xống rất lớn đã vùi lấp toàn bộ tuyến đường từ Nặm Păm đi Ngọc Chiến nên chưa tiếp cận được.

Để kịp thời ứng cứu nhân dân hai bản này, huyện Mường La đã cử cán bộ xã từ Ngọc Chiến đi ra và cùng với cán bộ cơ sở bảo đảm thông tin liên lạc, cập nhật thường xuyên diễn biến thiệt hại ở các bản để huyện nắm và chỉ đạo kịp thời. Bà con nhân dân các xã lân cận cũng được huy động đến hỗ trợ người dân hai bản này để ổn định cuộc sống.

Bí thư Huyện ủy Mường La cho biết: Những ngày qua toàn huyện dường như không ngủ, tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, lo di rời các hộ gia đình còn lại nguy cơ sạt lở, mưa lũ cuốn trội, bố trí nơi ăn nghỉ cho các hộ gia đình bị mất nhà cửa, ổn định tình hình đời sống cho người dân. Tập trung lực lượng khắc phục giao thông, tổ chức vận chuyển lương thực, nước uống đến những điểm dân cư xa trung tâm đang còn bị chia cắt. Huyện đã huy động hơn 2.500 người, gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ và cán bộ, công chức huyện tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả mưa lũ.

Về công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả ban đầu, đối với các hộ nhà bị cuốn trôi hoàn toàn thuộc bản Hua Nà, Chiềng Tè, Nà Tòng, bản Nà Noong đầu thị trấn Ít Ong, tỉnh đã chỉ đạo bố trí cho các hộ gia đình ở tạm tại Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Mường La.

Đối với các hộ thuộc các bản bị thiệt hại hoàn toàn tại các bản Piệng, Huổi Hốc, bản Hốc, bản Huổi Liếng, bản Hua Nặm xã Nậm Păm, đã chỉ đạo làm lán tạm và di dời các hộ gia đình không còn nhà cửa đến nơi an toàn để tránh lũ trước mắt.

Đối với các hộ phải di dời khẩn cấp khu vực bản Hua Nà, bản Nà Lo (thị trấn Ít Ong), đã chỉ đạo bố trí các lực lượng tham gia tháo dỡ nhà di chuyển đến điểm tái định cư Nà Lo (thị trấn Ít Ong).

UBND huyện Mường La đã hỗ trợ các hộ bị thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Trong đó, nhà có người chết 5,4 triệu đồng; nhà có người bị thương 2,7 triệu đồng, nhà bị cuốn trôi và hư hỏng 20 triệu đồng/hộ.

Hội chữ thập đỏ huyện đã hỗ trợ cho các hộ gia đình có người bị chết, mất tích, bị thương và các hộ có nhà bị lũ cuốn trôi và sập đổ phải di chuyển với số tiền là hơn 50 triệu đồng và. Ngành y tế tổ chức tiêu độc, khử trùng phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm cho vùng bị thiên tai.

Từ thị trấn Ít Ong đến các xã Nậm Păm và năm xã dọc hồ sông Đà đã bị chia cắt do cầu Nặm Păm bị lũ cuốn bay hai mố cầu. Huyện đã bố trí làm thang dài 20m để bộ đội và thanh niên tình nguyện vận chuyển gạo, mì tôm, nước uống vào năm bản đang bị cô lập ở Nặm Păm.

Ngay trong sáng nay, các đơn vị đã huy động máy móc thi công làm đường tạm qua suối. Tiến hành đặt rọ đá để nắn dòng và làm đường tạm để vận chuyển nhu yếu phẩm, di chuyển dân. Huyện cũng đã thực hiện phương án làm cầu tạm, ngầm tạm để lưu thông. Việc khắc phục hậu quả giao thông và cầu Nặm Păm cần thời gian và số tiền lớn từ 130 - 150 tỷ đồng.

Xã Nặm Păm là địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ lịch sử về người và nhà cửa, xã có năm bản dường như bị xóa xổ, 11 người bị chết và mất tích; 97 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn; gần 50 ngôi nhà đang có nguy cơ bị sạt lở. Hiện nay, các lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được hai bản, còn hai bản Huổi Hốc và bản Pịa do đất đá bị sạt xuống rất lớn đã vùi lấp toàn bộ tuyến đường từ Nặm Păm đi Ngọc Chiến nên chưa tiếp cận được.

Đến thời điểm này, ước thiệt hại trên địa bàn huyện Mường La gần 461 tỷ đồng. Hiện tất cả các cấp, ngành ở tỉnh Sơn La đã triển khai lực lượng, phương tiện để nhanh chóng khắc phục các thiệt hại về cơ sở hạ tầng như đường, điện, mạng viễn thông để phục vụ kịp thời việc ứng phó, hỗ trợ cho người dân.

Ngoài hỗ trợ khẩn cấp của huyện và Hội Chữ thập đỏ huyện, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sơn La đã quyết định hỗ trợ hỗ trợ cho các hộ gia đình bị cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa mỗi hộ 20 triệu đồng, hộ bị hư hỏng nhà cửa 10 triệu đồng, hộ phải di dời khẩn cấp 5 triệu đồng; hỗ trợ gia đình có người chết và mất tích 5 triệu đồng và người bị thương 2 triệu đồng.

Đồng thời, phát động kêu gọi ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do bão lũ. Bước đầu đã có 30 dơn vị, cá nhân đến thăm hỏi, hỗ trợ với số tiền gần 5 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn T.Ư và đoàn công tác đã đi kiểm tra vùng lũ và làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La và huyện Mường La.

Đồng chí chỉ đạo: Tập trung tìm kiếm người mất tích, thực hiện di rời các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, khắc phục hậu quả cơn lũ. Đồng chí đề nghị, tỉnh Sơn La và huyện Mường La sớm có phương án di dời các bản ra khỏi vùng thiên tai, có phương án sản xuất ổn định cuộc sống lâu dài. Một số đề nghị của tỉnh Sơn La đồng chí sẽ báo cáo Thủ tướng và các cơ quan chuyên môn giúp Sơn La sớm khắc phục khó khăn. Trong thời gian trước mắt, huyện Mường La tiếp tục lo làm tốt công tác cứu trợ, hỗ trợ người dân, khắc phục hạ tầng bị thiệt hại.

Ủng hộ người dân bị ảnh hưởng lũ quét tại Mù Cang Chải (Yên Bái)

Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra sáng 3-8 tại huyện Mù Cang Chải đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân; làm thương vong 25 người, thiệt hại ban đầu khoảng 160 tỷ đồng. Với truyền thống "lá lành đùm lá rách”, sáng 4-8, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái đã ủng hộ tối thiểu mỗi người một ngày lương.

Bước đầu đã quyên góp được hơn 22 triệu đồng. Số tiền ủng hộ này sẽ thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn, mất mát và giúp đỡ người dân Mù Cang Chải sớm vượt qua nỗi đau, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái trong sáng 4-8 cũng kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh trích một phần lợi nhuận, thu nhập của đơn vị mình; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh ủng hộ tối thiểu một ngày lương; mỗi hộ gia đình ở thành thị ủng hộ từ 20.000 đồng trở lên; mỗi hộ ở nông thôn ủng hộ ít nhất 10.000 đồng để giúp đỡ những người bị nạn và gia đình bị thiệt hại tại huyện Mù Cang Chải.

Thông tin ban đầu, đồng chí Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội ủng hộ 30 triệu đồng; Ban Chỉ đạo Tây Bắc cử Đoàn công tác đến vùng thiên tai trực tiếp trao 190 triệu đồng cho gia đình có người chết, bị thương, mất nhà ở, kịp thời động viên đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn vượt qua hoạn nạn.

Yên Bái: 15 người chết và mất tích do lũ quét tại huyện Mù Cang Chải, nhiều trường học bị lũ tàn phá

* Theo UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), do mưa lớn cục bộ từ ngày 2 đến khoảng 5 giờ sáng 3-8, trên địa bàn huyện đã xảy ra trận lũ quét gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân.

Thông tin ban đầu, tính đến chiều 3-8, đã có hai người chết, 13 người mất tích, chín người bị thương; 32 nhà bị ngập và cuốn trôi, 14 nhà bị sập hoàn toàn. Về tài sản, có năm xe máy và bảy con trâu, bò bị lũ cuốn trôi. Tại thị trấn Mù Cang Chải có sáu công trình gồm: Trường mầm non Hoa Lan, Trường tiểu học và THCS thị trấn, trung tâm Chính trị huyện, khu tập thể Trường THPT và Sân vận động Trung tâm huyện, một điểm trường tại bản Tà Gênh (xã Lao Chải) bị lũ quét tràn qua; ước tính thiệt hại hơn 160 tỷ đồng. Rất may, toàn bộ các trường học chưa tổ chức tập trung học sinh bán trú.

Hiện tại, tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải bị thiệt hại nặng nề nhất. Khối lượng đất đá vùi lấp mặt đường khoảng hơn 10 nghìn m3. Ðường từ UBND xã Chế Cu Nha về các bản sạt lở nhiều đoạn gây ảnh hưởng giao thông; khối lượng sạt lở khoảng hơn 1.500 m3. Ðường từ UBND xã Chế Tạo đi Khu II, lũ cuốn trôi mất hai cầu dầm sắt; khối lượng đất đá sạt lở trên đường khoảng hơn 5.000 m3. Hai cống qua đường bị hỏng do sạt lở tại xã Dế Xu Phình. Hai cầu cứng tại xã Lao Chải bị cuốn trôi.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND huyện Mù Cang Chải đã thành lập ba tổ công tác làm nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích; khắc phục hậu quả thiên tai, dọn dẹp nhà cửa, khơi thông dòng chảy và bảo đảm vệ sinh môi trường; hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình có người chết, mất tích và bị thương. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà trực tiếp có mặt tại hiện trường, kiểm tra, chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ quét.

Trước mắt, tỉnh Yên Bái hỗ trợ các hộ gia đình bị sập và cuốn trôi nhà 20 triệu đồng; hỗ trợ gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng; hỗ trợ nhà hư hỏng một phần 10 triệu đồng. UBND tỉnh Yên Bái đã có Công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương… khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, đá và lũ ống, lũ quét trên địa bàn.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 1
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 2

Lũ quét kinh hoàng ở Mù Cang Chải, Yên Bái.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 3

Người dân nỗ lực khắc phục hậu quả do lũ quét gây ra trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: THANH SƠN

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 4

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà kiểm tra thực địa vùng lũ quét.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 5

Lũ vẫn đổ về cuồn cuộn trên dòng Nậm Kim chảy qua thị trấn Mù Cang Chải.

Sơn La: 16 người chết và mất tích do lũ ống, lũ quét tại huyện Mường La, tổng thiệt hại khoảng 375 tỷ đồng

Tại tỉnh Sơn La, trận mưa lớn kéo dài rạng sáng ngày 3-8 trên địa bàn huyện Mường La (giáp ranh với huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã gây ra lũ ống, lũ quét làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Lũ quét, lũ ống tại Mường La đã làm sáu người chết, 10 người mất tích, ba người bị thương, 140 nhà bị lũ cuốn trôi, hoặc bị đổ; 43 nhà bị hư hỏng; làm thiệt hại 119 ha lúa, 121 ha ngô, 20 ha ao, tám lồng cá, 23 con trâu, bò, 800 con lợn.

Mưa lũ làm hạ tầng thiệt hại nặng; làm chìm bốn thuyền máy, ba cầu treo, ba công trình thủy lợi, 30 km đường. Cầu Nặm Păm trên quốc lộ 279D cùng hệ thống chống thoát lũ suối Nậm Păm vừa đưa vào sử dụng đã bị lũ cuốn trôi hai mố cầu, cắt đứt giao thông từ huyện đến các xã dọc hồ sông Ðà. Các công trình điện, nước và cáp quang bị hư hỏng, thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Riêng doanh nghiệp Thanh Lâm có trụ sở tại thị trấn huyện Mường La bị cuốn trôi bốn ô-tô tải loại đầu kéo, ba gian nhà chứa vật liệu xây dựng, trị giá hàng tỷ đồng. Xã Nặm Păm bị thiệt hại nặng nề nhất. Ðến chiều ngày 3-8 xã vẫn đang bị cô lập. Theo thống kê, xã này có ba người chết, tám người mất tích; hơn 70 ha diện tích lúa mùa của nhân dân vừa cấy xong đã bị vùi lấp. Nước lũ tràn vào lớp học điểm trường Pá Piệng làm trôi bàn ghế học sinh; nhà trạm xá xã Nậm Păm bị đổ nghiêng.

Tổng thiệt hại trận mưa lũ này trên địa bàn huyện Mường La khoảng 375 tỷ đồng. Ðể khắc phục thiên tai, huyện Mường La đã thực hiện "bốn tại chỗ", huy động 2.500 nhân lực, gồm lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ giúp đỡ bà con di dời 42 nhà ra khỏi vùng nguy hiểm; bố trí sắp xếp tại điểm tái định cư Nà Nong; tổ chức phân phát lương thực, thực phẩm, v.v… UBND huyện Mường La trích ngân sách 600 triệu đồng và Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ 500 triệu đồng cho các gia đình có người chết, mất tích và bị thiệt hại tài sản. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đã kịp thời đến thăm hỏi, trao tiền ủng hộ năm triệu đồng cho gia đình có người bị chết và ba triệu đồng cho gia đình có người bị thương.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 6

Hai mố cầu bờ phải và bờ trái cầu Nặm Păm bị lũ cuốn trôi.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 7

Một điểm sạt lở trên tỉnh lộ 127 địa phận xã Can Hồ huyện Mường Tè gây tắc đường cục bộ.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 8

Lũ từ đầu nguồn suối Nặm Păm tràn về thị trấn huyện Mường La.

Lai Châu: Một người tử vong do lũ cuốn, sạt lở một số tuyến đường gây ách tắc giao thông

Tại Lai Châu, trong đêm ngày 2 đến 3-8, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to. Mưa lũ khiến một người tại bản Căn Ma, xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ bị chết khi đi làm nương qua suối bị nước lũ cuốn trôi. Chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình năm triệu đồng.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, các tuyến đường giao thông nông thôn liên xã, bản ở huyện Nậm Nhùn bị tắc do sạt lở vẫn đang được các đơn vị chức năng khắc phục. Tại huyện Mường Tè, một số tuyến đường giao thông bị sạt lở khối lượng đất đá lớn xuống đường, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân… Hiện lực lượng chức năng của tỉnh Lai Châu đang triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 9

Một điểm sạt lở trên tỉnh lộ 127 địa phận xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu) gây tắc đường cục bộ. Ảnh: TRẦN TUẤN

* UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Công điện hỏa tốc số 08 về việc ứng phó với mưa lớn và nước dâng do Thủy điện Lai Châu xả lũ. Theo đó, tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ việc tích nước và xả nước của hồ chứa, có phương án xử lý bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. UBND các huyện, xã, thị trấn trong vùng ảnh hưởng của xả lũ triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó, bảo vệ sản xuất, sơ tán người và tài sản; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, tình hình xả lũ; cảnh báo kịp thời, đầy đủ đến người dân.

* Tỉnh Hà Giang cũng có Công điện khẩn yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập úng để thực hiện việc sơ tán, di chuyển tạm thời người dân đến nơi an toàn khi có mưa to kéo dài.

Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân được khẩn trương triển khai

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã cử Ðoàn công tác phối hợp cấp ủy, chính quyền các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời, chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, các đơn vị quân đội trên địa bàn khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp các lực lượng ở địa phương tiến hành sơ tán, cứu chữa người bị thương, tìm kiếm các nạn nhân mất tích; di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở; giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại và tham gia khắc phục sạt lở, bảo đảm thông xe trên các tuyến bị sạt lở.

Ðến 18 giờ 30 phút ngày 3-8, Quân khu 2 đã huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia khắc phục hậu quả tại những nơi xảy ra mưa lũ.