Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đác Nông có 200 hồ, đập, CTTL, trong đó có 186 công trình do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đác Nông (gọi tắt Công ty KTCTTL Đác Nông) quản lý, khai thác, sử dụng, còn lại do UBND các huyện, thị xã và các nông, lâm trường quản lý. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện có đến 42 hồ, đập, CTTL xuống cấp, hư hỏng nặng, mất an toàn cần phải sửa chữa gấp, trong đó trên địa bàn huyện Đác Glong có đến 12 công trình, huyện Đác R’lấp có tám công trình, huyện Đác Song có tám công trình…
Cụ thể, trong số 42, hồ, đập, CTTL xuống cấp, hư hỏng nặng có sáu công trình xuất hiện các bè, mảng cỏ gây mất an toàn cho thoát lũ, đặc biệt là một số công trình tràn kiểu giếng. Một số công trình có bè, mảng cỏ quá lớn với diện tích hàng chục m2 và phát triển lâu năm gắn liền trên lòng hồ làm khả năng tích nước lòng hồ thấp nhưng việc xử lý, phá dỡ bè cỏ này gặp nhiều khó khăn.
Một đập nước ở huyện Đác Glong do xây dựng nhiều năm nên thân đập phía hạ lưu bị sạt lở, nước đã thấm qua thân đập gây mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Đặc biệt có 39 công trình có hiện tượng thấm qua thân đập, đường đỉnh đập không còn đúng với thiết kế ban đầu do bị sụt, lún mạnh, quá trình bào mòn xói lở bề mặt diễn ra ngày càng lớn. Các công trình này được xây dựng lâu năm, mái thượng lưu chưa được gia cố bằng bê-tông hoặc được gia cố nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Mái hạ lưu xuất hiện nhiều rãnh xói sâu, nhiều ổ mối, sạt lở do ảnh hưởng của dòng thấm qua đập đất và quá trình bào mòn bề mặt đập… Có 19 công trình tràn xả lũ bị hư hỏng, xuống cấp như bị xói lở hai vai tràn, đặc biệt phần dốc nước, đuôi tràn và tường cánh tràn; một số tràn chưa có cầu giao thông hoặc có nhưng bằng cầu gỗ tạm bợ, thậm chí có một số công trình người dân tự ý phá gờ tràn xả lũ để làm máy phát điện cá nhân… gây nguy hiểm cho người dân trong vùng khi mùa mưa lũ đến.
Điển hình như công trình thuỷ lợi Đác Láp, ở xã Đác Gằn, huyện Đác Mil hiện nay mái thượng lưu đập đất chưa được gia cố gây xói lở nghiêm trọng, tràn xả lũ được kết cấu bằng đập đất nên bị xói lở nặng, cống đầu mới bị hư hỏng nặng. Hồ Đác Hlang, xã Quảng Khê, huyện Đác Glong tại thời điểm kiểm tra nước thấm qua thân đập mạnh, chiều dài thân đập bị thấm dài 8 m tiếp giáp giữa vai đập và mang tràn hạ lưu, nước đẩy nổi đáy tràn tạo thành một lỗ cách ngưỡng tràn 50 m, đáy tràn và thân tràn không bố trí lỗ thoát nước giảm áp lực đẩy nổi, mái thượng lưu bị xói lở nghiêm trọng, bê-tông mỏng và chất lượng thấp, cốt thép lộ ra ngoài bị rỉ sét, ngưỡng tràn bị dân đục phá làm đường ống dẫn nước chạy tuốc-bin phát điện…
Ngoài ra, có 17 công trình không có cống đầu mối hoặc có nhưng bị rò rỉ, gây xói thân đập đe dọa đến ổn định đập đất. Cửa van cống đa phần đã bị han gỉ, hư hỏng, gây mất nước trong mùa khô, làm giảm hiệu quả của công trình. Bên cạnh đó, nhiều cống chưa có lưới chắn rác, một số công trình đã có nhưng do lâu ngày nên đã bị hư hỏng không phát huy tác dụng. Một số hầm bảo vệ, nhà quản lý cũng đã hư hỏng, xuống cấp, gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành. Nhiều cống lấy nước, bể tiêu năng bị xói lở, ảnh hưởng trực tiếp đến đoạn đầu kênh tưới, thậm chí một số cống đầu mối còn bị người dân tự ý sử dụng vào mục đích làm thuỷ điện cá nhân… Điển hình là hồ Nao Kon Dơi, xã Quảng Khê, huyện Đác Glong phục vụ nguồn nước tưới cho gần 100 ha, nhưng tại thời điểm kiểm tra phát hiện một vết nứt dọc giữa đáy tràn xả lũ đến vị trí bể tiêu năng, xói lở, sụt trượt kè đá hộc ở vị trí kè chân tiêu năng… Ngoài ra, công trình này còn có một số hộ dân lấn chiếm làm nhà trong hành lang công trình cách chân đập 23 m…
CTTL hồ Nao Kon Đơi, huyện Đác Glong có bè, mảng cỏ lớn gắn liền trên lòng hồ làm khả năng tích nước lòng hồ thấp, mất an toàn khi ở thượng nguồn có lũ về.
Phó Giám đốc Công ty KTCTTL Đác Nông Trịnh Văn Tường lo lắng: Không chỉ hàng loạt hồ, đập, CTTL trên địa bàn đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn trong mùa mưa lũ mà qua kiểm tra còn phát hiện phần lớn các công trình bị người dân địa phương xâm lấn hành lang an toàn hồ, đập, CTTL để làm nhà ở, xây dựng các công trình chăn nuôi, nhà kho, lấn chiếm đất sản xuất trái phép dưới chân hồ, đập thủy lợi… khiến cho nguy cơ vỡ đập và đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân là rất lớn.
Nguyên nhân chính khiến các hồ, đập, CTTL trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng là do tình trạng không ai quản lý diễn ra trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình được thi công trước đây không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật khiến không ít hồ, đập, kênh mương mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp, hư hỏng… Bởi qua kiểm tra thực tế của đoàn công tác liên ngành thì tình trạng phổ biến là thân đập bị thấm, rò rỉ, có nơi rò rỉ thành dòng; mặt đập sạt lở, xói sâu; bê-tông mái xuống cấp hoặc sạt lở; một số nơi mặt đập bị lún, võng, xuống cấp; trên hồ, đập xuất hiện nhiều ổ mối… Thực trạng này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí để tiến hành sửa chữa, khắc phục, nâng cấp ngay. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, công trình không bảo đảm an toàn có thể bị vỡ bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ, đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân, nhưng đồng thời không tích trữ được nguồn nước để phục vụ tưới tiêu trong mùa khô.
Tình trạng người dân lấn chiếm các hồ thuỷ lợi làm nhà ở diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, trên cơ sở kiểm tra, đoàn công tác liên ngành đã kiến nghị với UBND tỉnh chấp thuận cho phép các chủ đập lập biên bản gia cố các bộ phận kết cấu, cấu kiện đối với 16 công trình có khả năng bị hư hỏng, vỡ đập ngay trong mùa mưa lũ năm nay. Đối với các công trình xuống cấp sẽ lập hồ sơ khảo sát, thiết kế gia cố, sửa chữa trong mùa khô năm 2015.
Tuy nhiên, theo tính toán thì tổng kinh phí phục vụ công tác sửa chữa, nâng cấp 16 công trình có nguy cơ vỡ đập cao ngay trong năm nay lên đến 165,70 tỷ đồng và 26 công trình xuống cấp sửa chữa trong giai đoạn 2015-2017 với kinh phí là 179 tỷ đồng, trong khi đó hiện nay bình quân mỗi năm Công ty KTCTTL Đác Nông chỉ được cấp khoảng 17 tỷ đồng, chủ yếu là tiền cấp bù phí thủy lợi để phục vụ công tác sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập, CTTL.
Với nguồn kinh phí được cấp hằng năm còn hạn chế như hiện nay thì công tác sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập, CTTL đang xuống cấp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhất là các công trình hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ…