Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó, có 13 lần tăng và sáu lần giảm, với tổng mức giảm của xăng Ron 95 III là 9.310 đồng/lít, xuống còn 26.070 đồng/lít; xăng E5 Ron 92 là 8.740 đồng/lít, xuống còn 25.070 đồng/lít; dầu đi-ê-den loại 0,05S là 8.590 đồng/lít, xuống còn 24.850 đồng/lít. Bên cạnh việc kỳ vọng giá xăng dầu tiếp tục giảm và giữ ổn định trong thời gian tới, người dân cũng mong chờ các loại hàng hóa khác được điều chỉnh giảm theo giá xăng dầu.
Số ít mặt hàng giảm giá
Sau quãng thời gian dài giá xăng neo cao ở mức hơn 33 nghìn đồng/lít, hai kỳ điều chỉnh giảm mạnh giá xăng dầu liên tiếp thời gian qua đã tạo cú huých không nhỏ tới tâm lý và giúp người tiêu dùng từng bước "cởi mở" hơn trong chi tiêu mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày. Chị Nguyễn Thị Luyến (trú tại phường Bạch Ðằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trước kia, giá xăng dầu ở mức cao khiến người dân vốn bị "bào mòn" bởi đại dịch Covid-19 lại lâm cảnh "khó chồng khó". Rất may những đợt giảm giá xăng dầu mạnh mẽ lần này đã giúp cuộc sống người dân bớt cơ cực hơn, đồng thời, tác động để các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa nghiên cứu, giảm giá sản phẩm. "Cách đây vài ngày giá rau, củ, quả trên thị trường đã giảm từ 500 đồng đến 1.000 đồng/mớ, kg tùy chủng loại. Mặc dù mức giá giảm không nhiều nhưng cũng tạo đà tâm lý để người tiêu dùng bớt "thắt chặt chi tiêu". Người dân cũng kỳ vọng các nhà sản xuất sẽ giảm giá hàng hóa phù hợp tình hình thực tế để có thêm nhiều lựa chọn trong mua bán sản phẩm" - chị Luyến nói.
Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Thành Công (đơn vị quản lý hãng taxi Sông Nhuệ) Phạm Văn Anh cho biết, doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hành khách nên việc tăng giảm giá xăng dầu tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của đơn vị. Qua đợt giảm giá này, taxi Sông Nhuệ cũng xây dựng chủ trương giảm giá cước vận chuyển tương ứng so với giá xăng dầu. Việc giảm giá cước không chỉ giúp hãng tăng sức cạnh tranh mà còn từng bước thu hút lượng khách bị sụt giảm trước kia do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 mang lại.
Chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh khẳng định, ngoài yếu tố tăng giảm của thị trường, việc giảm thuế bảo vệ môi trường để đưa giá xăng dầu về kịch sàn đã thể hiện sự phản ứng linh hoạt của các cơ quan chức năng trong điều tiết thị trường, giảm áp lực chi phí đối với người dân và doanh nghiệp. Cần phải tính toán một cách hợp lý, đặc biệt phải chủ động được nguồn cung trong nước để hạn chế tối đa trước tác động của giá xăng dầu thế giới.
Sản xuất đau đầu "gồng" lỗ
Anh Lê Toàn Thắng, giám đốc một công ty chuyên sản xuất gạch men cao cấp bày tỏ niềm vui khi biết giá xăng dầu đã giảm từ 15 giờ ngày 21/7, bởi doanh nghiệp của anh đang phải dừng 60% công suất sản xuất do áp lực chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. Theo anh Thắng, trong cơ cấu giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35%, việc giá xăng giảm 3.600 đồng sẽ giúp doanh nghiệp bớt áp lực chi phí, kéo theo đó một loạt giá nguyên liệu đầu vào có thể giảm theo. Song chi phí lớn nhất ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm của doanh nghiệp lại đến từ nguyên liệu than đốt lò, hiện giá mặt hàng này đã tăng 100% so năm trước và gặp khó về nguồn cung. Vì vậy, dù đã cân nhắc tới việc giảm giá sản phẩm, song việc điều chỉnh giảm giá bán ngay là điều không thể vì chỉ có giá xăng giảm, sản phẩm tồn kho còn cao. Công ty sẽ tiếp tục theo dõi các tín hiệu của thị trường, cũng như những biến động trong thời gian tới của giá xăng dầu, than,... để cân nhắc trước khi giảm giá bán sản phẩm. Hiện doanh nghiệp này vẫn đang "gồng" khoản lỗ khoảng 10% so giá bán do yếu tố cạnh tranh và để giữ chân khách hàng. Do đó, doanh nghiệp rất mong có thêm sự can thiệp mạnh mẽ từ phía các cơ quan nhà nước để giảm giá các mặt hàng lâu nay đang "ăn theo" giá xăng dầu, từ đó giúp chi phí sản xuất hàng hóa giảm theo, góp phần kéo giá bán sản phẩm giảm.
Trước xu hướng xăng dầu tăng giá, hàng loạt chủng loại hàng hóa khác tăng theo nhưng khi xăng dầu giảm giá thì những mặt hàng này neo giá hoặc giảm "nhỏ giọt". Nhìn nhận về vấn đề này, PGS, TS Ðinh Trọng Thịnh (giảng viên Học viện Tài chính) cho rằng, giá cả hàng hóa tăng mạnh trong thời gian qua do quy luật cung cầu của thị trường. Ðặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung bị đứt gãy, nguyên vật liệu khan hiếm dẫn đến giá cả "leo thang" ở mức cao là điều dễ hiểu. Hiện có hai bộ quản lý giá gồm Bộ Công thương, cụ thể là Tổng cục quản lý thị trường và Bộ Tài chính với Cục Quản lý giá. Những đơn vị này cần xem xét giá xăng dầu, giá cả đầu vào tăng bao nhiêu, tác động tới giá thành thế nào để từ đó tính toán giá bán các loại hàng hóa khác. Ngoài ra, khi xăng dầu giảm, cần có độ trễ nhất định để hàng hóa điều chỉnh giá, theo chu trình sản xuất phải ít nhất một tháng. Nếu hàng hóa không giảm thì hai đơn vị quản lý này phải vào cuộc.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, nếu giá xăng dầu trong thời gian tới tiếp tục tăng cao, liên Bộ Công thương-Tài chính sẽ tiếp tục rà soát để kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế xuất nhập khẩu nhằm "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong nước, giúp người dân và doanh nghiệp ổn định cuộc sống, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, giá hàng hóa khó giảm ngay khi xăng, dầu giảm, bởi giá hầu hết các sản phẩm hàng hóa đều vận hành theo cơ chế thị trường, cho nên việc tăng hay giảm giá sẽ phụ thuộc vào cung cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá xuống ngay được. Mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng "chưa đủ sức" để kéo đa số các mặt hàng thực phẩm, cước vận tải giảm giá ngay theo, tuy nhiên, việc này cũng giúp giảm bớt nỗi lo tác động của việc tăng giá, giảm áp lực lạm phát. Mức giảm giá xăng dầu lần này được kỳ vọng là tiền đề giúp các loại hàng hóa khác giảm giá theo, từ đó kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất, đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Kể từ 15 giờ ngày 21/7, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) điều chỉnh giảm giá bán lẻ đối với các loại xăng dầu. Cụ thể, xăng Ron 95 giảm 3.600 đồng/lít, xuống còn 26.750 đồng/lít đối với xăng Ron 95 V và 26.070 đồng/lít đối với xăng Ron 95 III; xăng E5 Ron 92 giảm 2.710 đồng/lít, còn 25.070 đồng/lít; dầu diesel loại 0,05S giảm 1.740 đồng/lít, còn 24.850 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.100 đồng/lít, còn 25.240 đồng/lít; dầu ma-dút giảm 1.170 đồng/kg, còn 16.540 đồng/kg. Ngoài ra, liên Bộ Công thương-Tài chính cũng quyết định điều chỉnh mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu hỏa về 700 đồng/lít (giảm 100 đồng so với trước), các loại khác giữ nguyên và được áp dụng cùng thời điểm trên.