Hàn Quốc ghi nhận trên 240 nghìn ca mắc Covid-19 trong 3 ngày liên tiếp

NDO -

Hàn Quốc đang là điểm nóng dịch Covid-19 tại châu Á, khi số ca mắc mới tại nước này tiếp tục duy trì ở mức trên 240 nghìn ca/ngày trong ngày thứ ba liên tiếp.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Quảng trường Ga Seoul, sáng 6/3/2022. (Ảnh: Yonhap)
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Quảng trường Ga Seoul, sáng 6/3/2022. (Ảnh: Yonhap)

Theo thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố sáng 6/3, nước này đã ghi nhận 243.628 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.456.264 ca.

Con số này tuy đã giảm so với 254.327 ca ghi nhận 1 ngày trước đó, cũng như thấp hơn mức cao kỷ lục 266.853 ca hôm thứ Sáu, song là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới duy trì trên mức 240 nghìn ca.

Cũng trong tuần này, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc hàng ngày vượt qua con số 200 nghìn ca vào thứ Tư, cao nhất kể từ khi quốc gia này báo cáo ca nhiễm đầu tiên hồi tháng 1/2020.

Trong bối cảnh biến thể mới Omicron có khả năng lây lan cao đang hoành hành, tổng số ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc đã chính thức vượt mốc 4 triệu vào hôm qua, chỉ 5 ngày sau khi đạt mốc 3 triệu.

Giới chức y tế nước này dự báo, làn sóng lây nhiễm hiện tại dự kiến sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 3, với khoảng 350 nghìn ca mắc/ngày.

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đã từ bỏ việc truy vết, thay vào đó là tập trung giảm các ca bệnh chuyển nặng và tử vong. Nước này cũng áp dụng phương pháp điều trị nâng cao tại nhà và sử dụng bộ dụng cụ tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên, trong bối cảnh nhân viên y tế đang bị thiếu hụt.

Bắt đầu từ hôm qua, Hàn Quốc cũng đã nới lỏng một phần các quy tắc giãn cách xã hội, trong đó cho phép thêm nhiều cơ sở kinh doanh, bao gồm các quán cà phê và nhà hàng được kéo dài thời gian hoạt động thêm 1 giờ đến 11 giờ đêm. Quy định mới sẽ có hiệu lực cho đến ngày 20/3, song giới hạn tối đa 6 người cho các cuộc gặp gỡ riêng vẫn sẽ được áp dụng.

Theo trang thống kê worldometers.info, Hàn Quốc là nước dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới trong 24 giờ qua, theo sau là Đức với 144.427 ca.

Hàn Quốc ghi nhận trên 240 nghìn ca mắc Covid-19 trong 3 ngày liên tiếp -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Trong ngày, châu Á có thêm 660.482 ca mắc mới, chiếm phần lớn trong tổng số trên 1,37 triệu ca bệnh mới toàn cầu, tiếp theo đó là châu Âu với 539.853 ca. Cả 2 khu vực này đều ghi nhận số ca mắc mới vượt xa các khu vực còn lại, khi Nam Mỹ và châu Đại Dương xếp sau chỉ ghi nhận lần lượt 87.892 và 42.649 ca mắc mới.

Tính đến 9 giờ 30 phút sáng 6/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 445.428.045 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.015.503 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 378.294.088 người, trong khi vẫn còn trên 72 nghìn bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.

Hàn Quốc ghi nhận trên 240 nghìn ca mắc Covid-19 trong 3 ngày liên tiếp -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Cũng tại châu Á, Trung Quốc ngày 5/3 thông báo sẽ tiếp tục cải tiến các biện pháp chống dịch Covid-19, trong nỗ lực ngăn chặn các đợt dịch bùng phát trở lại trong nước.

Theo đó, báo cáo của chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Ðại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc cho biết, nước này sẽ ứng phó với các đợt bùng phát theo phương châm "có mục tiêu, dựa trên cơ sở khoa học".

Theo báo cáo, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nghiên cứu các biến thể của virus SARS-CoV-2 và cách phòng ngừa, đồng thời đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển vaccine và các loại thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả.

Trong 1 văn bản riêng ban hành hôm qua, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, nước này sẽ tổ chức nghiên cứu tiêm ngừa Covid-19 sử dụng các vaccine được sản xuất dựa trên các công nghệ khác nhau và tăng mức độ bao phủ của liều tiêm tăng cường.

Ngoài ra, nước này cũng sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, phát triển và phê duyệt thuốc điều trị Covid-19 trong nước phù hợp với nhu cầu kiểm soát dịch bệnh, đồng thời điều phối các hoạt động sản xuất, bảo quản và giám sát chất lượng, bên cạnh việc tăng cường thương mại xuyên biên giới để bảo đảm nguồn cung vaccine và nguyên liệu cần thiết cho sản xuất.

Đông Nam Á, giới chức Indonesia cùng ngày cho biết, đang xem xét việc miễn cách ly nhập cảnh đối với du khách nước ngoài đến đảo Bali từ tuần tới, trong khi nước láng giềng Malaysia thông báo mở làn đi lại dành cho những người đã hoàn thành tiêm ngừa Covid-19 (VTL) theo đường hàng không từ Thái Lan và Campuchia.

Người phát ngôn Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia cho biết, vấn đề này vẫn đang được thảo luận, song nhiều khả năng sẽ được Tổng thống Joko Widodo quyết định vào thứ Hai tới. Ngoài ra, du khách từ 23 quốc gia, bao gồm Australia, Mỹ, Đức và Hà Lan cũng sẽ được nhập cảnh khi đến Indonesia theo các quy định mới.

Hàn Quốc ghi nhận trên 240 nghìn ca mắc Covid-19 trong 3 ngày liên tiếp -0
Người dân đeo khẩu trang đi dạo trên cầu đi bộ ở Jakarta, Indonesia, ngày 7/2/2022. (Ảnh: REUTERS)

Trong khi đó, Malaysia sẽ cho phép những du khách đã tiêm vaccine đến từ Campuchia và Thái Lan được miễn cách ly khi nhập cảnh từ ngày 15/3.

Malaysia cho đến nay đã miễn cách ly nhập cảnh đối với du khách đến từ Singapore, trong khi Indonesia kể từ tháng 10 đã cấp phép nhập cảnh cho khách du lịch từ một số quốc gia đến Bali, đồng thời giảm dần thời gian cách ly xuống còn 3 ngày.

Philippines và Thái Lan cũng đã miễn cách ly nhập cảnh, song yêu cầu khách nước ngoài phải xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành và sau khi đến nơi.

châu Âu, dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 ở Liên minh châu Âu (EU) vào tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm đã dịu bớt và các chính phủ đang nới lỏng các hạn chế phòng dịch.

Tốc độ tiêm chủng trong khối bắt đầu giảm dần kể từ đầu năm. Sự sụt giảm đã tăng nhanh đáng kể từ giữa tháng 2, với tỷ lệ tiêm giảm trung bình 30%/tuần, mức giảm nhanh nhất không kể ngày lễ.

Trong tuần tính đến ngày 27/2, số liều được tiêm chỉ ở mức dưới 4 triệu, cụ thể là 3,7 triệu liều, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Trong số này, chỉ có 230 nghìn liều được tiêm cho những người chưa được tiêm chủng, con số thấp nhất từ trước đến nay.

Điều đó phản ánh một phần tỷ lệ bao phủ 2 liều chính đạt mức cao, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang đẩy nhanh tiêm liều tăng cường.

Trong đó, liều tăng cường chiếm 2/3 số liều được tiêm ở EU vào tuần trước, trong khi liều đầu tiên chỉ chiếm 6%, phần còn lại là hoàn thành mũi thứ hai. Cho đến nay, khoảng 72% dân số EU đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19.

Hàn Quốc ghi nhận trên 240 nghìn ca mắc Covid-19 trong 3 ngày liên tiếp -0
 Tiêm ngừa Covid-19 ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 4/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Trong khi đó, ở châu Phi, Cơ quan y tế Nam Phi cho biết, nước này sẽ buộc phải hủy khoảng 100 nghìn liều vaccine Covid-19 của Pfizer vào cuối tháng này, do sắp hết hạn sử dụng.

Nam Phi ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong do Covid-19 nhất tại châu Phi, tuy nhiên việc tiêm chủng đã chậm lại trong bối cảnh quốc gia này có nguồn dự trữ vaccine khá dồi dào, vào khoảng 25 triệu liều.

Bộ trưởng Y tế Joe Phaahlacho biết, đang cố gắng tăng cường tiêm chủng để tiết kiệm các liều vaccine mà không phải thải loại. Nam Phi cho đến nay đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 43% trong tổng 40 triệu người trưởng thành.

Tháng trước, Nam Phi đã điều chỉnh các quy tắc tiêm ngừa Covid-19, gồm rút ngắn khoảng cách giữa 2 liều cơ bản, giữa liều thứ hai và thứ ba, cũng như cho phép kết hợp các loại vaccine, trong nỗ lực khuyến khích thêm nhiều người dân đi tiêm phòng.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới