Theo bác sĩ Cao Ngô Lẫm, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), Bộ Y tế đã có quy chuẩn đánh giá chất lượng nước sinh hoạt mới với 99 chỉ tiêu. Nếu đánh giá chất lượng nước giếng khoan theo quy chuẩn này thì 100% mẫu được kiểm tra sẽ không đạt. Năm 2015, HCDC đã lấy 1.400 mẫu nước giếng khoan để xét nghiệm và nhận thấy tỷ lệ nước không đạt chỉ tiêu hóa lý lên đến hơn 70%; chỉ tiêu vi sinh không đạt từ 2-5%.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, các cơ quản quản lý tham dự tọa đàm đều mong muốn và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đơn vị được Thành phố Hồ Chí Minh giao trách nhiệm quản lý tài nguyên nước dưới đất, đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp chế tài nhằm kiểm soát sản lượng nước ngầm để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch của thành phố.
Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Sawaco, cho biết, thống kê số đồng hồ nước “bằng không” (không sử dụng nước máy) trên địa bàn thành phố khá cao, hơn 170.000 đồng hồ. Riêng số lượng đồng hồ chỉ sử dụng dưới 4m3/tháng chiếm 20%, tập trung nhiều ở các quận, huyện khu vực vùng ven và ngoại thành. Một số quận nội thành như quận 1 tỷ lệ này là 13%, quận Phú Nhuận, quận 3 khoảng 10%.
Tình trạng hộ dân gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng đã gây lãng phí không nhỏ cho việc đầu tư mạng lưới của các đơn vị cấp nước. Từ năm 2017, 100% hộ dân trên địa bàn thành phố đã được cung cấp nước sạch qua đồng hồ.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, hiện có 2 nhóm đối tượng sử dụng nước ngầm. Đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp, muốn sử dụng nước ngầm phải xin phép, đồng thời phải có cam kết kế hoạch giảm hằng năm. Riêng nhóm hộ dân, chỉ tuyên truyền vận động là chính. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đã đề xuất thành phố phê duyệt kinh phí trám lấp giếng khoan của các hộ dân có đồng hồ nước khoảng 100 tỷ đồng nhưng chưa được phê duyệt.
Theo thông tin từ Sawaco, hiện, Sawaco cung cấp nước cho thành phố khoảng 1,9 triệu m3/ngày trên tổng sản lượng nước sản xuất được là 2,4 triệu m3/ngày, trong đó lượng nước ngầm chiếm 3%.