Quyền Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng Nguyễn Thị Lộc cho hay, đội ngũ cán bộ, viên chức tại Bảo hiểm xã hội Hải Phòng luôn xác định: người dân, đơn vị, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Do vậy, những người làm công tác bảo hiểm xã hội ở thành phố Cảng không chỉ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn nỗ lực đổi mới, thực hiện “số hóa” các quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện “số hóa” các quy trình nghiệp vụ để xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả… đã được triển khai mạnh mẽ tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng.
Cơ quan này cũng là đơn vị sớm triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực chuyên ngành tại thành phố Cảng. Trong đó, các giao dịch liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện trên môi trường mạng đã góp phần quan trọng thể hiện sự công khai, minh bạch các quy định, chế độ Nhà nước quy định về hồ sơ, quy trình thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng lao động tham gia giao dịch.
Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp các doanh nghiệp, đơn vị, người dân giảm số lần, số thời gian và tiết kiệm chi phí đáng kể khi thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đến nay, trên địa bàn Hải Phòng đã có hơn 12 nghìn đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kê khai thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp qua giao dịch điện tử, đạt 98,15%, cao hơn 0,15% so với chỉ tiêu phấn đấu tại cam kết giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Hải Phòng chú trọng đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Toàn bộ 25 bộ thủ tục hành chính của ngành được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công ngành bảo hiểm xã hội.
Với việc triển khai quy trình thanh toán điện tử song phương giữa hệ thống bảo hiểm xã hội và hệ thống ngân hàng thương mại từ năm 2020, các tổ chức, doanh nghiệp có thể thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho người lao động một cách nhanh chóng, chính xác, thuận lợi nhất.
Ông Nguyễn Quang Huy, cư trú ở phường Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) cho hay, từ khi ông được hướng dẫn cài ứng dụng VssID trên điện thoại, ông thấy rất tiện lợi vì không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy khi đi khám bệnh như trước. Thậm chí, ông cũng có thể đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, chuyển lương hưu, thay đổi hình thức lĩnh trợ cấp bảo hiểm xã hội...ngay trên ứng dụng VssID của điện thoại mà không cần đến cơ quan bảo hiểm xã hội như trước. "Thực hiện chuyển đổi số đúng là tiện lợi và thiết thân với người dân", ông Huy khẳng định.
Quyền giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng Nguyễn Thị Lộc cho hay, Bảo hiểm xã hội thành phố và các đơn vị trên địa bàn đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong Chương trình thực hiện chuyển đổi số chung của ngành và của thành phố Hải Phòng.
Theo đó, công nghệ số, dữ liệu số sẽ được tăng cường ứng dụng nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành và nghiệp vụ trên môi trường số an toàn, thông minh, tiện ích, minh bạch hóa, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và tổ chức.
Bảo hiểm xã hội Hải Phòng đang tập trung đẩy nhanh tốc độ “số hóa” hồ sơ và thủ tục hành chính |
22, trong tổng số hơn 165 nghìn hồ sơ được Bảo hiểm xã hội Hải Phòng tiếp nhận, đã có gần 93 nghìn hồ sơ được tiếp nhận qua giao dịch điện tử; hơn 7.000 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, hơn 2.400 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến và hơn 65 nghìn hồ sơ qua bộ phận “một cửa”. Số hồ sơ tiếp nhận, trả qua dịch vụ bưu chính và giao dịch điện tử và dịch vụ công trực tuyến cũng đạt tỷ lệ gần 70%.
Các văn bản hướng dẫn về việc kê khai số định danh cá nhân, căn cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được triển khai kịp thời; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm được tăng cường. Điều đó đã giúp Bảo hiểm xã hội Hải Phòng thực hiện “số hóa” nhanh và hiệu quả hơn.
Tính đến hết quý II, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng có gần 876 nghìn trường hợp đồng bộ xác thực căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với thẻ bảo hiểm y tế có hiệu lực; thực hiện số hóa và giải quyết hơn 12 nghìn hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trên môi trường số với 100% cán bộ tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính được cấp chữ ký số chuyên dụng của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Cùng với đó, đã có 90 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân với hơn 3.000 lượt tra cứu, trong đó có gần 2.000 lượt tra cứu thành công phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp.
Bảo hiểm xã hội Hải Phòng cũng đã thông báo, gửi dữ liệu và hướng dẫn hơn 44 nghìn người hoàn thành việc kê khai bổ sung số định danh cá nhân, căn cước công dân vào cơ sở dữ liệu quản lý.
Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) - công cụ thúc đẩy cạnh tranh giữa các cơ quan, sở, ngành, nhưng đồng thời là một trong những giải pháp quan trọng để đội ngũ cán bộ, viên chức của đơn vị nâng cao năng lực, thực hiện hiệu quả nhất trách nhiệm, nhiệm vụ của mình.
Kết quả thực hiện bộ chỉ số DDCI cũng chính là thước đo hiệu quả hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội trong nỗ lực tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, góp phần bảo đảm an sinh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố Cảng.