Một trong những kết quả đáng ghi nhận đó là số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế đều có tăng trưởng tích cực. Tính đến hết tháng 6/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 16,822 triệu người (đạt 87,7% kế hoạch), tương đương khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 275,5 nghìn người so cuối năm 2021. Riêng số người tham gia bảo hiểm y tế giảm mạnh so thời điểm hết năm 2021, nhưng vẫn tăng 280 nghìn người so tháng 5/2022. Hiện, bảo hiểm y tế bao phủ 86,538 triệu người, đạt 94,3% kế hoạch và đạt tỷ lệ 87,4% dân số.
Nhiều khó khăn trong tăng độ bao phủ
Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn trong công tác mở rộng đối tượng tham gia, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào nhận xét: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện tăng trưởng chậm, nhất là bảo hiểm y tế vẫn giảm sâu so thời điểm cuối năm 2021. Một trong những nguyên nhân do dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao đã ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của người dân, mà nguyên nhân chính là có sự thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2022, do mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tăng.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nợ số tiền lớn, thời gian kéo dài... Việc thu hồi số tiền hưởng bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp sai quy định, khó khăn khi đối tượng hưởng sai không có thu nhập, không có khả năng hoàn trả; hoặc cố tình không thực hiện trách nhiệm hoàn trả nhưng không có chế tài để xử lý.
Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội các địa phương đã có nhiều nỗ lực với nhiều mô hình, cách làm hay để khắc phục các khó khăn này. Theo đó, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã xây dựng, triển khai các kịch bản tổ chức thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… bảo đảm thích ứng linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến dịch Covid-19 và các “gói phục hồi kinh tế-xã hội” của Chính phủ. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp xã; đề xuất ngân sách địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; đẩy mạnh rà soát dữ liệu người chưa tham gia trên cơ sở dữ liệu cơ quan thuế cung cấp, xây dựng kế hoạch theo tuần, tháng, quý để đôn đốc doanh nghiệp tham gia đầy đủ; cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo từng địa bàn cấp xã, phối hợp với các tổ chức, đại lý thu tổ chức hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương cũng tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất. Đến hết tháng 6/2022, đã thực hiện thanh tra đột xuất được 1.339/27.742 đơn vị thuộc diện phải thanh tra. Kết quả đã phát hiện các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 581 lao động, với số tiền truy đóng 3,06 tỷ đồng; lao động đóng thiếu là 919 lao động, số tiền truy đóng: 10,9 tỷ đồng…
Chủ động phương án “từ sớm, từ xa”
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2022, đại diện bảo hiểm xã hội của các địa phương, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lai Châu, Bình Định... cùng đưa ra nhận định: Một trong các giải pháp hiệu quả là tham mưu, vận động sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương, bảo đảm triển khai hiệu quả của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn. Nhất là sự chủ động từ chính cơ quan bảo hiểm xã hội với các giải pháp phù hợp với điều kiện từng địa bàn.
Đánh giá cao sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Văn Cường đề nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục có giải pháp quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, tận dụng triệt để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm trong thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội các địa phương nếu gặp vướng mắc, cần sớm phát hiện, tổng hợp về Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để báo cáo Hội đồng quản lý sẵn sàng vào cuộc, tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội này.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn trong việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị và bảo hiểm xã hội các địa phương cần nắm chắc, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới và linh hoạt trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Toàn ngành phối hợp với các cấp, ngành giải quyết đồng thời, hài hòa hai vấn đề quan trọng, đó là: Vừa bảo đảm đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng, vừa kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ; bảo đảm thu, chi, đầu tư tăng trưởng hiệu quả, an toàn và tối ưu nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.