Cùng dự có đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu có quy mô 752ha, bao gồm 369ha khu sản xuất công nghiệp và 173ha khu dịch vụ kho bãi - logistics; tổng mức đầu tư 11.100 tỷ đồng; tiến độ chuẩn bị và thực hiện dự án: từ năm 2022-2033, trong đó, Giai đoạn 1: 234,2ha, tiến độ: 2022-2025; Giai đoạn 2: 332,45ha, tiến độ: 2026-2030; Giai đoạn 3: 185,35ha, tiến độ: 2031-2033.
Vị trí Dự án nằm ngay sau và tiếp giáp 6km chiều dài với Cảng nước sâu Lạch Huyện, là cơ sở hình thành một khu công nghiệp gắn liền cảng biển hiện đại trong nước và khu vực. Đồng thời, Dự án sẽ đóng vai trò là khu hậu cần cho Cảng Lạch Huyện, nơi có khả năng tiếp nhận các tàu container tải trọng đến 150.000DWT đi các tuyến biển xa trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ.
Việc hình thành khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu cùng hệ thống các cầu cảng nước sâu của Cảng quốc tế Lạch Huyện sẽ góp phần tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của Cảng quốc tế Lạch Huyện cũng như khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp ở khu vực này.
Dự án hứa hẹn thu hút những đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải biển - logistics, thiết lập nên một trung tâm trung chuyển hàng hóa mới, có tác động làm dịch chuyển luồng giao thương vốn có của thế giới; là cơ sở để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Hải Phòng và miền bắc Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và cả nước.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu mở rộng các khu phí thuế quan. Trách nhiệm vấn đề này thuộc Chính phủ, nhưng các bộ trưởng cũng cần nghiên cứu, mở rộng xây dựng các khu phí thuế quan hiện đại, thông minh phù hợp thông lệ quốc tế; xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung gắn với giải trí, nghỉ ngơi… để thu hút khách du lịch bởi hiện nay các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang bị thu hẹp, ảnh hưởng xuất khẩu.
Thủ tướng cho rằng, 3 động lực tăng trưởng là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư; trong đó xuất khẩu đang bị ảnh hưởng lớn; động lực tiêu dùng cần phải được kích cầu; động lực thứ ba là đầu tư thì phải đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai, tài nguyên, thủ tục về đầu tư, các vướng mắc liên quan đất rừng, đất lúa. Do đó, chúng ta phải tích cực tháo gỡ các vấn đề này để tạo động lực phát triển đầu tư và tiêu dùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công. (Ảnh: Trần Hải) |
Thủ tướng cho biết, chúng ta đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông; huy động nhiều vốn, trong đó có vốn ODA, vốn huy động hợp tác công tư, cố gắng từ nay đến cuối nhiệm kỳ này có khoảng 500 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, tạo ra đột phá. Chúng ta triển khai Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng, và Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đồng bằng sông Hồng.
Hải Phòng nằm trong cực tăng trưởng ở phía bắc, đạt mức tăng trưởng trung bình trên 10%/năm, do đó cần đẩy mạnh kết nối Hà Nội, Hải Phòng ra Quảng Ninh và cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Hải Phòng nằm trong tam giác phát triển thì phải phát triển bứt phá hơn nữa, Hải Phòng là nơi được đầu tư cao nhất của vùng đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng phải có trách nhiệm với đất nước, và Thủ tướng tin tưởng Hải Phòng sẽ làm được điều này trên cơ sở phải liên kết mạnh mẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng. Giờ đây, các địa phương, trong đó có Hải Phòng đang thay đổi mạnh mẽ tư duy để kết nối vì mục tiêu tăng trưởng của Bộ Chính trị giao là rất cao.
Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh phải là đầu tàu của khu vực, phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm an ninh-quốc phòng khu vực, giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Thủ tướng rất vui khi đến thăm khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là “Lãnh đạo công, quản trị tư”, do đó, cần tổng kết mô hình này.
3 động lực tăng trưởng là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư; trong đó xuất khẩu đang bị ảnh hưởng lớn; động lực tiêu dùng cần phải được kích cầu; động lực thứ ba là đầu tư thì phải đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai, tài nguyên, thủ tục về đầu tư, các vướng mắc liên quan đất rừng, đất lúa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Theo Thủ tướng, có 3 mô hình, đó là: “Lãnh đạo công, quản trị tư”; “Đầu tư công, quản lý tư”; “Đầu tư tư, sử dụng công”. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố chưa vận dụng nhiều các mô hình này.
Thủ tướng mong muốn Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu có thể cạnh tranh tốt với các khu công nghiệp khác, như VSIP.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, thành phố Hải Phòng tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành mục tiêu đề ra vì doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, đối xử bình đẳng để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bền vững. Doanh nghiệp cần phấn đấu vươn lên, nhất là quản trị “4 trong 1”, có cả khu dịch vụ, khoa học công nghệ…; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; càng áp lực thì càng nỗ lực; phát huy tính tự lực, tự cường, vận dụng quản trị tiên tiến, thông minh ngay từ đầu; thành phố Hải Phòng hỗ trợ về mặt bằng, các hạ tầng đấu nối.
Thủ tướng lưu ý vấn đề nhà ở cho công nhân. Hải Phòng phải tập trung phát triển nhà ở cho công nhân, góp phần vào chương trình 1 triệu căn hộ cho công nhân mà Chính phủ đã đề ra. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vận động các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có phát triển thì ngân hàng mới phát triển.
Thủ tướng kêu gọi tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn, phát triển. Ngân hàng cũng phải hoạt động lành mạnh, trong sáng, như vậy doanh nghiệp cũng sẽ phát triển.
Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp phải hoạt động đúng pháp luật, phát triển ổn định, lành mạnh, thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, không được sai phạm; mọi người dân, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật; Chính phủ chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; lấy phòng ngừa là cơ bản, quy định, chiến lược, lâu dài; chống là thường xuyên, đột phá, có trọng tâm, trọng điểm; ai vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng, gây thiệt hại cho nền kinh tế thì phải xử lý; khuyến khích và bảo vệ những người làm đúng.
Thủ tướng mong Hải Phòng tiếp tục phát triển đột phá, các bộ, ngành ủng hộ Hải Phòng, và Hải Phòng cũng chia sẻ với đất nước, tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp phát triển; tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số…
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức khởi công Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính Và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. (Ảnh: Trần Hải) |
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra công tác chuẩn bị khởi công Nhà ga hành khách T2 tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư dự án 2.405 tỷ đồng. Quy mô dự án đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm và các hạng mục phụ trợ. Mục tiêu để khai thác quốc nội, khi đó, nhà ga hành khách T1 sẽ khai thác quốc tế là chủ yếu.Tiến độ thực hiện: 18 tháng kể từ khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, công tác giao đất và bàn giao đủ mặt bằng để thi công.
Về tình hình triển khai dự án, Báo cáo nghiên cứu khả thi: Hồ sơ dự án được Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông vận tải đã có Báo cáo thẩm định ngày 9/1/2023. ACV đang chờ phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để hoàn thiện công tác thẩm định và phê duyệt Dự án. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất:ACV đã tiến hành đo đạc, cắm mốc đối với phần diện tích đất do Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đang quản lý sử dụng để làm cơ sở triển khai các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất và giao, thuê đất. Ngày 14/2/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp cùng Bộ Quốc phòng để tháo gỡ khó khăn khi bàn giao đất quốc phòng để thực hiện các dự án tại Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi.
Thủ tướng thăm và tặng quà cho các nhà tư vấn và Ban quản lý Nhà ga quốc tế T2. (Ảnh: Trần Hải) |
Về kế hoạch dự kiến, sẽ hoàn thành công tác phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án và tổ chức trình, phê duyệt dự án trong tháng 5/2023; triển khai công tác rà phá bom mìn vào tháng 7/2023-9/2023; thiết kế kỹ thuật, dự toán nền đất, móng cọc nhà ga tháng 5/2023-10/2023; lựa chọn nhà thầu thi công nền đất, móng cọc tháng 10/2023-11/2023; khởi công Dự án tháng 11/2023; thiết kế kỹ thuật, dự toán phần thân Nhà ga hành khách tháng 5/2023-2/2024; lựa chọn nhà thầu thi công Nhà ga hành khách 2/2024-4/2024; khởi công phần thân Nhà ga hành khách tháng 5/2024; hoàn thành đưa vào khai thác phấn đấu đúng dịp lễ giải phóng thành phố Hải Phòng tháng 5/2025.
Tại sân bay Cát Bi, sau khi nghe chủ đầu tư báo cáo về tiến độ triển khai dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ACV cố gắng triển khai nhanh, nhất là với số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng cho nhà ga và sân đỗ; cần đẩy nhanh tiến độ thi công "3 ca 4 kíp"; yêu cầu thành phố Hải Phòng cần mạnh dạn, chủ động nghiên cứu đầu tư một số công trình trong sân bay như đường băng, khắc phục khó khăn về cơ chế, chính sách, miễn là không được để xảy ra tham ô, tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo dự án xây dựng Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi tại Hải Phòng. (Ảnh: Trần Hải) |
Thủ tướng đề nghị thành phố Hải Phòng trình phương án tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, vận dụng làm như công trình ở sân bay Tân Sơn Nhất, trong quý III/2023 phải xong thủ tục; Bộ Quốc phòng và Hải Phòng hoàn thành công tác bàn giao đất trong quý III tới, ACV phải nỗ lực hoàn thành xây dựng công trình trong 1 năm.