24 giờ khẩn cấp triển khai lấy đa mô, tạng từ 2 người cho chết não
Cuối năm 2023, Đơn vị Tư vấn và Điều phối Ghép tạng tại Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có nhận được thông tin từ phòng khám Cấp cứu về 2 trường hợp bệnh nhân chấn thương sọ não nặng.
Đơn vị Tư vấn và Điều phối Ghép tạng đã nhanh chóng có cuộc gặp mặt và chia sẻ kịp thời với gia đình của 2 bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, Thái Nguyên) và P.V.G (32 tuổi, Phú Thọ). Hai bệnh nhân đều bị tai nạn giao thông xe máy và được Trung tâm y tế tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm.
Sau khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng của bệnh nhân, gia đình cả 2 bệnh nhân rất đau lòng. Gia đình bệnh nhân P.V.G ban đầu đã xin đưa bệnh nhân về nhà nhưng khi được đề cập đến việc hiến, mô tạng sau khi chết não, gia đình 2 bệnh nhân thấu hiểu việc hiến tạng có thể cứu sống nhiều cuộc đời khác, nên đã quyết định đồng ý hiến mô, tạng.
Sau khi điều trị và hồi sức tích cực, các y, bác sĩ đã cố gắng hết sức tìm cơ hội sống cuối cùng cho 2 bệnh nhân nhưng kỳ tích đã không đến với gia đình. Hội đồng đánh giá chết não được thành lập, 3 lần test chết não, kết quả đều dương tính.
Hội đồng và Ban Giám đốc Bệnh viện công bố 2 bệnh nhân đã chết não. Mọi quy trình chuyên môn và thủ tục pháp lý nhanh chóng được hoàn thành.
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Dương Đức Hùng chia sẻ về ca lấy đa tạng. |
Ban Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo ca ghép với sự tham gia của nhiều đơn vị chuyên môn như: Trung tâm Ghép tạng, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Trung tâm Gây mê Hồi sức ngoại khoa, khoa Giải phẫu bệnh cùng các khoa, phòng, ban liên quan khác.
Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ và trước khi tiến hành lấy mô, tạng; đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế có buổi lễ mặc niệm, cảm ơn bệnh nhân đã hiến mô, tạng của mình để cứu chữa những bệnh nhân khác.
Hai cuộc đại phẫu được tiến hành liên tiếp trong vòng 24 giờ vào 20 giờ 40 phút ngày 3/1/2024 và 9 giờ 30 phút ngày 4/1/2024. Tạng và mô hiến của 2 bệnh nhân bao gồm: 2 tim, 2 gan, 4 thận, 2 tĩnh mạch chủ chậu, 2 khí quản, 4 giác mạc, 11 đoạn gân.
Cùng lúc đó, bệnh nhân nhận cũng đang được chuẩn bị để tiến hành ghép tạng. Tất cả những diễn biễn trong khi phẫu thuật đều được thực hiện đúng theo quy trình.
Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã nhanh chóng điều phối 2 giác mạc, 1 gan sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và 2 giác mạc sang Bệnh viện Mắt trung ương để kịp thời hồi sinh nhiều cuộc đời mới.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép.
Từ tạng hiến của bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, Thái Nguyên) và P.V.G (32 tuổi, Phú Thọ) đã hồi sinh sự sống cho 8 người. Trong đó, có 2 bệnh nhận được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép gan và 4 bệnh nhân được ghép thận.
Từ nguồn tạng hiến, một bé gái 8 tuổi, 18kg vốn cơ tim giãn, điều trị nội khoa nhiều đợt, suy tim, có chỉ định ghép tim từ 6 tháng trước nhanh chóng được thực hiện ghép tim.
Theo chia sẻ của bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đây là một trường hợp vô cùng đặc biệt bởi anh trai của bé gái này cũng cùng triệu chứng giãn cơ tim, phụ thuộc thuốc đã từng được ghép tim cách đây 3 năm. Như vậy, cả hai anh em đều được ghép tim tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Điều đáng nói ca ghép này là thách thức trong phẫu thuật, khi đưa trái tim người lớn vào lồng ngực trẻ em. Tuy nhiên với trình độ, kinh nghiệm, ê-kíp các bác sĩ đã thực hiện thành công ca ghép tim. Đây là bệnh tim nếu không can thiệp ghép, kỳ vọng sống thấp, trẻ chỉ đến 15 tuổi là suy tim, đối mặt với tử vong sớm.
“Hai trường hợp này đều có gene di truyền về giãn cơ tim. Với người anh khi ghép, bệnh viện đã chủ động khám người em, phát hiện sớm, ngay khi bị suy tim mất bù đã được cán bộ y tế chăm sóc, đã làm đủ các xét nghiệm, chuẩn bị và chờ ghép. 2 bệnh nhân nhỏ tuổi tiếp tục được theo dõi, điều trị tại đây. Cậu anh có cuộc sống gần như 1 người bình thường trong 3 năm qua và hy vọng cô em cũng được như vậy”, bác sĩ Hùng bày tỏ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. |
Trái tim thứ hai cũng được ê-kíp ghép cho bệnh nhân nam 65 tuổi, nhiều lần điều trị nội khoa cao huyết áp, tiểu đường, quả tim thiếu máu lâu này khiến chức năng tim kém đi dù đã đặt máy.
Theo các bác sĩ tim mạch, nếu không có can thiệp chắc chắn bệnh nhân suy tim, nguy cơ tử vong cao nên có chỉ định ghép. Vì bệnh nhân nhiều bệnh nền nên sau ghép phải hỗ trợ máy móc rất nhiều, hiện đã hồi phục.
Một trong những ca ghép khiến các bác sĩ căng não, chính là ca ghép gan cho người đàn ông 62 tuổi. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân này được phát hiện với nhiều khối u với kích thước lớn. Chính vì vậy, bằng kỹ thuật mới, các bác sĩ đã xử trí để kiểm soát, làm xẹp khối u, từ đó mới thực hiện ghép gan. Đáng mừng là kết quả bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh.
Hiện cả 8 ca ghép, trong đó có 6 ca ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đều có kết quả rất tốt.
Thêm nhiều gia đình đồng tình hiến tạng người thân chết não
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, chỉ trong thời gian ngắn, bệnh viện nhận được sự đồng tình hiến tạng người thân chết não của 5 gia đình, trong đó có 2 gia đình đạt đủ các điều kiện. Có được điều này chính là nhờ sự thay đổi chính sách tại bệnh viện này.
Với một người chết não, nếu gia đình cho tạng, thì sẽ cứu được nhiều người mắc bệnh mạn tính. Tuy nhiên, nhu cầu lớn nhưng thực tế hiến tạng sau chết não không nhiều.
Bệnh viện đã có phương án giao nhiệm vụ cho các bác sĩ phòng hồi sức, phẫu thuật cùng của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng tổ chức buổi giải thích, vận động cho người nhà có người thân chết não…. Và điều bất ngờ là rất nhiều người nghe và bắt đầu có kết quả.
Đã có 8 người hồi sinh từ 2 người cho chết não. |
"Chính sự chấp thuận của 2 gia đình hiến tạng sau chết não vừa qua đã giúp nhiều người được nhận tạng hồi sinh sự sống. Đây là minh chứng khi sự thay đổi nhận thức về hiến tạng ở những người chết não. Hy vọng thời gian tới nhiều gia đình đồng thuận để nhiều người được cứu sống”, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ.
Tính từ thời điểm năm 2010 đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện được 59 ca ghép tim, 88 ca ghép gan, 185 ca ghép thận và nhiều ca ghép mô khác. Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mãn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...