DIỄN BIẾN CHÍNH
* Từ sáng sớm 28-10, bão số 9 đã ảnh hưởng đến các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên.
* 12 giờ trưa 28-10, bão đổ bộ vào đất liền, vị trí tâm bão ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
* Thống kê ban đầu đến 14 giờ 30 phút ngày 28-10, đã có hai người chết, hai người bị thương, bốn nhà sập, 1.095 nhà bị tốc mái do bão số 9, 360 xã đang bị mất điện. Chưa liên lạc được với 26 thuyền viên hai tàu cá Bình Định.
* 16 giờ, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
17:31
Bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Chiều nay, sau khi đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
16:03
Ưu tiên bảo vệ tính mạng của người dân, tích cực tìm kiếm 26 thuyền viên mất tích
Đó là yêu cầu quyết liệt mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 đóng tại TP Đà Nẵng, tổ chức trưa nay, 28-10.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thông tin tại cuộc họp trưa nay, hiện nay ba tàu của tỉnh Bình Định gặp nạn trên biển, thì hai tàu đã bị chìm, một tàu bị hỏng máy, đang thả trôi trên biển đã liên lạc được với đất liền đề nghị ứng cứu khẩn cấp.
“Lúc 9 giờ 30 phút sáng hôm nay, chúng tôi đã điều tàu Kiểm ngư 490 tăng cường ra hiện trường để hỗ trợ công tác cứu kéo tàu hỏng máy, đồng thời tham gia tìm kiếm 26 thuyền viên của hai tàu chìm hiện đang trôi dạt trên biển. Bộ Quốc phòng cũng nghiên cứu phương án sử dụng máy bay để bay chỉ thị cho các tàu tìm kiếm trên biển”, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo tiền phương và các địa phương chỉ đạo lực lượng công an phối hợp ngành giao thông tổ chức phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông; các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tiếp tục thực hiện lệnh cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27-10 cho đến khi có thông báo mới.
Các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng, kể cả các tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk khẩn trương bố trí thiết bị phát điện phục vụ công tác trực ban, tham mưu công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ cứu nạn. Tiếp tục rà soát và triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục các sự cố đê biển; hệ thống lưới điện, thông tin, ưu tiên cho công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ cứu nạn, y tế,...
16:14
Hai người chết, 1.095 nhà bị tốc mái
Hồi 14 giờ ngày 28-10, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi gió cấp 10, 11, giật cấp 13.
Thống kê thiệt hại ban đầu đến 14 giờ 30 phút, đã có hai người chết (một người tại Đắk Lắk, một người tại Gia Lai), hai người bị thương; bốn nhà bị sập, 1.095 nhà bị tốc mái. 360 xã đang bị mất điện.
Một cầu treo huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ/680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng. Sạt lở gây ách tắc giao thông tại bốn điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Hai tàu của Bình Định bị chìm trên biển ngày 27-10 chưa liên lạc được.
16:05
Di dời 37 hộ dân tại điểm tái định cư thôn Kon Năng (cũ) tại huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đến nơi an toàn
Tính đến 16 giờ, UBND huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã di dời 37 hộ với 105 khẩu tại điểm tái định cư thôn Kon Năng (cũ) về nơi an toàn; có 13 căn nhà của các hộ dân bị tốc mái, nghiêng đỗ.
Tại huyện Đăk Glei, tuyến đường đi các thôn Ngọc Súc, Đăk Sun và thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh, bị ngập sâu do nước mưa dâng cao, người và phương tiện không qua lại được. Cầu tràn liên xã Đăk Plô đi xã Đăk Nhoong cũng bị ngập sâu, người và phương tiện không qua lại được. Cầu treo tại thôn Đăk Sút, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei đi thôn Gia Tun Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi do ảnh hưởng mưa lớn nên bị nghiêng.
15:50
Học sinh, sinh viên Đà Nẵng tiếp tục nghỉ học
Chiều 28-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Đà Nẵng có văn bản tiếp tục cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học ngày 29-10, để các đơn vị, trường học tập trung khắc phục hậu quả của bão số 9, đi học trở lại từ ngày 30-10.
Đối với các cơ sở vẫn còn ngập úng hoặc chưa khắc phục xong ảnh hưởng do bão gây ra thì căn cứ vào tình hình thực tế, hiệu trưởng các trường, giám đốc các trung tâm đề xuất tiếp tục cho học sinh nghỉ học ngày 30-10 để bảo đảm an toàn. Cụ thể, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đề xuất về phòng GD-ĐT để tổng hợp, theo dõi và báo cáo Sở GD-ĐT; Các trường, trung tâm thuộc Sở đề xuất và báo cáo về Sở GD-ĐT để theo dõi. Khẩn trương tổ chức dọn vệ sinh trường, lớp; khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão gây ra để chuẩn bị điều kiện bảo đảm cho học sinh đi học lại.
Do ảnh hưởng của bão số 9, chị Ngô Thị Phương, 1990, lưu trú K43/26 Trần Quang Khải, tổ 37, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng bị thương nặng, khi ra sau nhà thì bị đồ vật bay rơi trúng đầu, lúc đó bão rất mạnh. Ngay khi nhận tin cứu nạn, lực lượng công an phường đã cử ba người và một dân phòng đã cứu nạn kịp thời người bị thương và chuyển xe cứu thương đưa đi bệnh viện.
15:32
Kom Tum: Lũ lớn trên sông Đăk Blà cuốn trối cầu treo, chia cắt 115 hộ
Tính đến 14 giờ 30 phút ngày 28-10, tại địa bàn xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, lũ lớn trên sông Đăk Blà đã cuốn trối cầu treo qua thôn 11 (làng Kon Tuh), chia cắt 115 hộ với 680 khẩu.
Tại xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy lũ lớn cuốn trôi hoàn toàn cầu dàn sắt trên tuyến đường từ xã Đăk Ruồng vào xã Đăk Pne, hiện ba thôn 2, 3, 4 của xã Đăk Pne gồm 438 hộ với 1.466 khẩu bị chia cắt, cô lập.
UBND huyện đang phối hợp lực lượng chức năng di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở tại xã Đăk Ruồng, Đăk Rve về nơi an toàn.
15:15
Đắk Lắk: Một người tử vong do ảnh hưởng bão số 9
Chiều 28-10, Công an huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện đang khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi anh Y Bê Niê sinh năm 1980, trú tại buôn Chóa, xã Krông Jing, huyện M’Drắk để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Theo ghi nhận ban đầu, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, ngày 28-10, trên địa bàn xã Krông Jin có gió mạnh khiến tấm tôn dùng để che vật liệu xây dựng của nhà dân đang xây bên đường bị gió cuốn bay ra đường Đông Trường Sơn phía trước nhà, đúng lúc này anh Y Bê Niê đang lưu thông trên đường bị tấm tôn va vào người khiến ông ngã xuống tử vong.
Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an huyện M’Drắk tiếp tục điều tra làm rõ.
15:12
Quảng Ngãi gần 1.000 ngôi nhà bị tốc mái
Theo thống kê ban đầu của tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 13 giờ 30 phút ngày 28-10, cơn bão số 9 làm một ngôi nhà của người dân huyện Tư Nghĩa bị sập đổ, gần 1.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; một trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị ngã đổ; 31 trụ sở cơ quan, 28 trường học bị tốc mái, hư hỏng.
Để chủ động ứng phó với mưa, lũ sau bão, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chiều 28-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ký văn bản hỏa tốc số 04/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương thống kê, khắc phục thiệt hại ngay sau bão tan.
Đồng thời, tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt, nhà ở không bảo đảm an toàn đến nơi an toàn theo phương châm “bốn tại chỗ” đã được phê duyệt trong phương án của địa phương và kịch bản ứng phó tình huống mưa, lũ lớn sau bão.
Chiều cùng ngày, ngay sau cơn bão số 9 đi qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã tỏa về các địa phương kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
15:12
Gia Lai: Sập tường rào nhà dân, một người bị thương nặng
Khoảng 9 giờ 20 phút ngày 28-10, do mưa to gió lớn nên anh Pyan (SN 1988, trú tại làng Ia Lang, phường Chi Lăng, TP Pleiku) đã vào trú trong một căn chòi tạm bợ được giăng bạt tại khu vực ngã tư đường Lê Thị Riêng-Nguyễn Viết Xuân (thuộc phường Hội Phú, TP Pleiku).
Khi đang trú mưa tại đây, một phần bức tường của căn nhà phía sau bỗng nhiên đổ sập rơi vào vùng đầu của anh Pyan. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, người dân trong khu vực đã cùng Công an phường Hội Phú tiến hành cứu hộ và đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Gió mạnh từ sáng sớm đã làm ngã đổ nhiều cây xanh, bảng hiệu và hoa màu ở nhiều địa phương. Tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh gồm thị xã An Khê, Kbang, Đắk Pơ, Kông Chro… mưa lớn kèm gió mạnh đã làm hàng trăm héc-ta mía của người dân bị ngã rạp; nhiều cây xanh bị bật gốc gây thiệt hại tài sản của người dân và công trình công cộng.
14:30
Tâm bão trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi
Theo bản tin lúc 14 giờ 30 ngày 28-10, hồi 13 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão trên đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12.
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50km tính từ tâm bão.
14:33
Cục CSGT thông báo khẩn về giao thông trong cơn bão số 9
Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) thông báo khẩn nhằm hạn chế thấp nhất người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến giao thông từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Để bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao giao thông, Cục CSGT đề nghị người và các phương tiện giao thông không đi vào các vùng từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Đồng thời, tìm các trạm dừng nghỉ, nơi an toàn tại các địa phương lân cận để trú ẩn, tránh gây ùn tắc cục bộ trên các tuyến giao thông. Chấp hành nghiêm hiệu lệnh cấm, hạn chế đường của lực lượng CSGT.
* Hạn chế người, phương tiện tham gia giao thông từ Đà Nẵng đến Phú Yên
13:08
Quảng Ngãi di dời dân vùng nguy cơ sạt lở
Sáng 28-10, trước tình hình gió to, mưa lớn, cộng với việc các hồ thủy điện xả lũ khiến nước các sông, suối dâng cao gây nguy cơ ngập úng ở vùng trũng và sạt lở núi, huyện miền núi Sơn Hà khẩn trương di dời, sơ tán 30 hộ dân tại khu tái định cư Nước Nia, thị trấn Di Lăng đến nơi ở an toàn.
Hiện, nhiều tuyến đường huyết mạch trên địa bàn huyện Sơn Hà như: Sơn Giang - Sơn Linh; cầu Thạch Nham; cầu Sơn Kỳ và cầu Sông Rin bị nước lũ phong tỏa. Ngoài ra, trên quốc lộ 24B, hàng loạt cây cối ngã đổ, gây chia cắt giao thông.
Đến trưa 28-10, huyện Sơn Hà di dời gần 1.000 hộ dân ở các xã: Sơn Hạ, Sơn Trung, Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Giang, Sơn Ba và thị trấn Di Lăng đến nơi an toàn.
13:04
Kon Tum: Các huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Rẫy nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét
Dự báo đến 16 giờ ngày 28-10, các huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Rẫy có gió mạnh cấp 4, cấp 5, giật cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Với tình hình diễn biến của mưa lũ, ở địa bàn các huyện trên khả năng xảy lũ lớn, mực nước đỉnh lũ lên xấp xỉ và cao hơn báo động cấp 3, xuất hiện vào khoảng từ 15 đến 20 giờ ngày 28-10.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét ở các lưu vực sông suối, sạt lở đất ở nơi đất dốc và ngập úng ở vùng trũng thấp.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Kon Tum thành lập năm đoàn kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 9 tại các địa phương trên toàn tỉnh.
12:25
Bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên
Hồi 12 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão trên đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25 km/giờ.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12, tại Hoài Hải (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; tại An Khê (Gia Lai) có gió cấp 8, giật cấp 10; tại Duy Hải (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, tại Pleiku có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.
12:21
Hai người bị thương, ba nhà sập, 485 nhà bị tốc mái do bão số 9
Đến 11 giờ trưa 28-10, ngay trên bờ biển Đà Nẵng-Phú Yên có gió mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Theo báo cáo lúc 11 giờ của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với báo số 9, có hai người bị thương tại Bình Định; ba nhà tại ba tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định bị sập; 485 nhà bị tốc mái. Tại Phú Yên bị đứt đường dây trung thế.
Toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện hai tàu cá của Bình Định cùng 26 ngư dân vẫn mất liên lạc. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Quốc phòng điều hai tàu Hải quân và hai tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ hai tàu cá của Bình Định bị mất tích.
Hai tàu cá nhỏ của Phú Yên bị chìm.
Do ảnh hưởng của bão, hiện tại có 360 xã đang bị mất điện chủ yếu tại Đà Nẵng , Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
11:37
Quảng Ngãi có gió giật cấp 13, một nhà bị sập đổ, 447 nhà bị tốc mái
Vào khoảng 10 giờ sáng 28-10, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Trên đất liền, các huyện ven biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 10, 11, giật cấp 12, 13. Ngoài ra, tại các địa phương trong tỉnh có mưa rất to, từ 300-500 mm.
Thống kê thiệt hại ban đầu có một nhà dân ở huyện Tư Nghĩa bị sập đổ; 447 nhà dân ở huyện Đức Phổ, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Tịnh, Ba Tơ bị tốc mái, hư hỏng; một trụ BTS bị ngã đổ. Ngoài ra, nhiều trụ sở cơ quan, trường học cũng bị tốc mái; nhiều ca nô, tàu thuyền neo trú tại cồn An Vĩnh (huyện Lý đảo Sơn) bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm.
11:17
Bão số 9 thổi bay mái trường học tại Quảng Ngãi
Mưa to, gió lớn do bão số 9 gây ra đã thổi bay mái các trường học tại huyện Đức Phổ và Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.
11:22
Gió đang giật từng đợt và mưa lớn ở Quảng Nam
Do ảnh hưởng của bão số 9, từ sáng sớm đến nay, 28-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn và gió từng đợt. Vùng ven biển từ huyện Núi Thành, TP Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và Hội An có gió kèm theo mưa lớn khiến người dân lo lắng.
Tổng lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 27 đến 4 giờ sáng 28-10, phổ biến từ 40-70mm; một số nơi như: Tam Kỳ, Phú Ninh, Phước Sơn gần 100mm; riêng tại khu vực Tam Trà (huyện Núi Thành) lên đến 139mm.
Hiện trời vẫn đang gió từng đợt, nhiều tấm pa-nô bị gió lật đổ, cây cối trên đường phố Tam Kỳ bị ngã đổ. Nhiều nơi trên địa bàn TP Tam Kỳ và các huyện Núi Thành, Thăng Bình… đã bị mất điện.
10:56
Bản tin nhanh của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn lúc 10 giờ 15 phút: Bão số 9 cách Quảng Ngãi 60km
Theo bản tin nhanh của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn lúc 10 giờ 15 phút, do ảnh hưởng của bão số 9, tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 11, giật cấp13; tại Bình Châu (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 11, giật cấp 12, tại Hoài Hải (Bình Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11, tại An Khê (Gia Lai) có gió cấp 7, giật cấp 9.
Vị trí tâm bão (10 giờ ngày 28-10), khoảng 14,9oN; 109,4oE, cách Đà Nẵng khoảng 180km, cách Quảng Nam 110km, cách Quảng Ngãi 60km, cách Bình Định 120km; cách Phú Yên 200km. Sức gió mạnh nhất cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25 km/giờ.
10:30
Quảng Ngãi điều xe bọc thép đưa bệnh nhân đi cấp cứu
Vào lúc 10 giờ 25 phút sáng 28-10, sau khi nhận thông tin trọng tài Nguyễn Văn Hiến (SN 1968) tham gia điều hành Giải vô địch boxing trẻ toàn quốc 2020 diễn ra tại Quảng Ngãi, đang lưu trú tại khách sạn Sông Trà nằm trên địa bàn TP Quảng Ngãi bị đau nặng.
Vào thời điểm này, gió bão tại TP Quảng Ngãi rất mạnh, sức gió cấp 10, giật 11 nên không thể huy động xe cứu thương đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Để kịp thời cứu chữa bệnh nhân, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi quyết định điều động xe bọc thép của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đến khách sạn Sông Trà, đưa bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu.
10:10
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác phòng, chống bão
Ngay sau cuộc họp khẩn tại sở chỉ huy tiền tại Đà Nẵng sáng sớm nay, 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác đã có chuyến đi khảo sát tình hình trú tránh bão của người dân tại địa phương và một số tuyến đường biển xung yếu của Đà Nẵng.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng động viên người dân yên tâm tránh bão, công an có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho dân.
Thăm khu vực tránh trú bão tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), Phó Thủ tướng đã động viên người dân, nhằm nắm bắt tình hình và tâm tư của người dân.
“Bà con yên tâm sơ tán, tuyệt đối không tự ý trở về nhà khi bão chưa tan. Bà con cần đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn cho bản thân, đặc biệt là giữ sức khỏe cho trẻ em, người già. Chính quyền đã giao lực lương công an có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho người dân yên tâm tránh bão. Yêu cầu quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý chính quyền cơ sở, các lực lượng đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho các điểm sơ tán, nhất là tại các công trình có mảng tường kính lớn, rất dễ bị gió giật vỡ gây nguy hiểm.
Báo cáo tình hình, ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cho biết, công trình Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng hiện là nơi tránh trú bão cho hơn 700 người dân. Công trình được xây dựng kiên cố, bảo đảm đứng vững trước gió lớn. Đồng thời, bên dưới công trình còn có tầng ngầm, bảo đảm điều kiện tránh trú cho người dân trong điều kiện xấu nhất.
Cũng tại buổi khảo sát, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu cũng đã khảo sát hiện trường tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành.
Theo ghi nhận tại hiện trường, sóng lớn đã kéo đến sát chân kè đá, xi-măng của tuyến đường xung yếu này. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tuyệt đối bảo đảm an toàn, sẵn sàng ứng phó sự cố mưa bão, sạt lở đất tại các khu vực trọng yếu…
10:01
Quảng Ngãi: Thống kê ban đầu có hơn 300 nhà bị tốc mái, hư hỏng
Theo Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy, sức gió ở huyện đảo Lý Sơn mỗi lúc một mạnh lên. Hiện tại, gió mạnh cấp 11, giật cấp 13 khiến nhiều nhà cửa của người dân bị tốc mái.
Đến thời điểm này, Quảng Ngãi chưa có thiệt hại về người do bão số 9 gây ra. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu có hơn 300 nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi đã sơ tán, di dời 24.819 với 97.010 nhân khẩu ở vùng nguy hiểm đến nơi trú tránh an toàn.
09:14
Đảo Cồn Cỏ gió đang giật mạnh, một người bị thương
9 giờ sáng 28-10, tại đảo tiền tiêu Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị có mưa lớn, gió giật cấp 9, sóng biển rất dữ dội. Tất cả những ngư dân trên đảo đã được đưa đến nơi trú ẩn an toàn tại Đồn Biên phòng Đảo Cồn Cỏ; nhà khách Cục Thuế tỉnh và nhà khách Điện lực tỉnh Quảng Trị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đảo Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng từ đảo Cồn Cỏ cho biết, từ chiều hôm qua, huyện đã hoàn thành công tác ứng phó và phòng chống bão số 9; tất cả nhân dân trên đảo đều được Đồn Biên phòng Cồn Cỏ và lực lượng phản ứng nhanh của huyện đưa đến nơi ở an toàn; kể cả những công nhây xây dựng trên đảo. Các tàu thuyền được đưa lên bờ và đưa vào vị trí an toàn để tránh trú bão.
Thiếu tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Biên phòng Đảo Cồn Cỏ cho biết, người dân từ các khu dân cư mới, củ đều hiện đang an toàn. Bộ đội Biên phòng phục vụ, bố trí chỗ ăn, nghỉ ấm cho nhân dân để bảo đảm sức khỏe. Có 54 người là trẻ em, phụ nữa, người già… đều được đến nơi an toàn, trú bão.
Hiện, bão số 9 đang vào, gió thổi đang rất mạnh và gây mưa rất to.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện dung tích các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn cơ bản đã đạt dung tích trữ, một số hồ đã tiến hành điều tiết xả lũ trong thời gian vừa qua; các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước.
Đã có một người bị thương, là ông Phan Xuân Tiến, ở thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh bị ngã gãy tay trong lúc chặt cây chống bão, đang điều trị tại Bệnh viện tỉnh Quảng Trị.
09:20
Đà Nẵng gió mạnh kèm mưa lớn từng đợt
Tại Đà Nẵng, từ sáng sớm, đã có nhiều mưa và gió, đặc biệt các khu vực ven biển. Lượng mưa lớn trút từng đợt kèm gió theo vòng xoáy của mắt bão. Thành phố có lệnh yêu cầu toàn bộ người dân không ra đường từ 20 giờ tối 27-10, lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đã tiến hành đóng barie cấm người dân, phương tiện lưu thông qua các cầu bắc qua sông Hàn. Theo ghi nhận, hầu hết người dân Đà Nẵng tuân thủ chấp hành, bảo đảm an toàn tính mạng.
Do ảnh hưởng của bão số 9, nên từ chiều tối và đêm qua tại thành phố Đà Nẵng đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to.
Ngay trong chiều 27-10 và đêm 28-10, tất cả người dân ở khu vực khẩn cấp di dời, di tản đã được đưa đến nơi tránh, trú bão an toàn. Toàn TP Đà Nẵng đã di dời tổng số 20.948 hộ dân với 94.476 người.
Hiện Đà Nẵng có tổng số 1.242 tàu/7.430 lao động, trong đó có 1.240 tàu đã neo đậu với 7.413 lao động. Hiện còn hai tàu với 17 lao động đang hoạt động trên biển khu vực nam Biển Đông - Cà Mau.
09:15
Quảng Ngãi: Gió lớn làm một trụ BTS Vinaphone bị ngã đổ
Gió lớn làm một trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị ngã đổ.
Đến thời điểm 8 giờ sáng 28-10, Quảng Ngãi chưa có trường hợp thương vong về người do bão số 9.
08:58
Bão số 9 gây gió giật mạnh, mưa lớn ở Phú Yên, gần 82 nghìn khách hàng bị mất điện
Sáng nay, 28-10, tỉnh Phú Yên đã có gió giật mạnh, khu vực thị xã Sông Cầu cấp 10, TP Tuy Hòa cấp 8. Tính từ 19 giờ ngày 27 đến 6 giờ 28-10 thời tiết khu vực tỉnh Phú Yên có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 20-90mm (cao nhất là xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa 90mm).
Nhiều khu vực dân cư ven biển đã có thiệt hại ban đầu, cây xanh ngã đổ, nhà dân, công trình xây dựng đã bị tốc mái. Lực lượng ứng cứu tại chỗ khắc phục nhanh những sự cố, thiệt hại ban đầu khi bão chưa thật sự mạnh.
Gần 82 nghìn khách hàng bị mất điện tại các huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Hiện điện lực Phú Yên đã khôi phục sự cố mất điện cho 23.773 khách hàng, hiện còn 38/100 xã, phường, thị trấn với 58.200 khách hàng đang mất điện.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến sáng 28-10, các địa phương đã di dời, sơ tán tại chỗ khoảng 11.308 hộ/44.218 người tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão và ngập lụt. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có văn bản khuyến cáo, hướng dẫn người dân hạn chế, không ra đường kể từ 21 giờ ngày 27-10 đến khi bão đi qua.
Theo Báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, tổng số phương tiện nghề cá trên địa bàn tỉnh 4.099 tàu cá/18.100 lao động, hiện có 130 tàu cá/821 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó, hoạt động xa bờ gồm 119 tàu cá/745 lao động đang ngoài vùng nguy hiểm, chủ động vào các đảo tránh trú bão.
Lực lượng chức năng đã thông báo kêu gọi cho 281 tàu cá/1.461 lao động hoạt động trên biển biết về tình hình diễn biến cơn bão số 9 để chủ động phòng tránh và cơ động đến nơi tránh trú an toàn. Tất cả các tàu cá hoạt động trên biển đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 9, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên liên lạc về gia đình và Bộ đội Biên phòng.
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên cảnh báo, đến chiều 28-10, vùng biển ngoài khơi khu vực Phú Yên có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15, biển động dữ dội, sóng cao từ 6- 8m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối nay, 28-10, khu vực đất liền tỉnh Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12. Khu vực tỉnh Phú Yên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200- 300mm/đợt. Bờ biển có khả năng xảy ra nước dâng từ 0,5-1,5m. Sóng lớn kết hợp với triều cường, nên khu vực ven biển thị xã Đông Hòa, TP Tuy Hòa, huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu có nguy cơ xảy ra xâm thực bờ biển.
08:45
Kêu gọi 46 tàu ra khỏi khu vực nguy hiểm, cho người lao động nghỉ việc tránh bão
Sáng 28-10, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, thiệt hại lớn nhất do bão số 9 gây ra đến 5 giờ sáng nay là hai tàu bị chìm, hiện chưa có thông tin về thiệt hại khác. Đến 5 giờ sáng, còn 46 tàu và 368 thuyền viên của Bình Định đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28-10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng, chống bão.
Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 yêu cầu sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ trên đất liền. Rà soát và triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét.
Lãnh đạo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tăng cường công tác truyền thông, nắm bắt và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn qua thông tin từ người dân qua hệ thống tin nhắn, Zalo, Facebook...
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục các sự cố đê biển; hệ thống lưới điện, thông tin, ưu tiên cho công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ cứu nạn, y tế,...
* Kêu gọi 46 tàu ra khỏi khu vực nguy hiểm, cho người lao động nghỉ việc tránh bão
Bão giật cấp 16 vào vùng biển Đà Nẵng đến Phú Yên
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 70-150mm.
Hồi 4 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,4 độ vĩ bắc; 110,5 độ kinh đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 280 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.
Đến 16 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ vĩ bắc; 107,6 độ kinh đông, trên khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4 giờ ngày 29-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,5 độ vĩ bắc; 105,1 độ kinh đông, trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ vĩ bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía tây của khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Gió mạnh trên đất liền: Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; bắc Tây Nguyên 150-250mm/đợt.
Từ ngày 28 đến 31-10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.
- Xuất hiện áp thấp nhiệt đới mới khả năng mạnh thành bão
- Bão Molave di chuyển nhanh và liên tục tăng cấp
- Bão Molave giật cấp 15 hướng vào các tỉnh miền trung
- Các tỉnh miền trung khẩn trương ứng phó bão số 9
- Bão số 9 giật cấp 15 cách đảo Song Tử Tây 430 km
- Bão số 9 giật cấp 16 hướng vào vùng biển Đà Nẵng đến Phú Yên
18:30
Lũ các sông lên nhanh, Quảng Ngãi khẩn cấp di dời dân
Chiều tối 28-10, lũ trên các sông trong tỉnh Quảng Ngãi lên nhanh, trên mức báo động 3 dẫn đến tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, mực nước các con sông lớn trên địa bàn Quảng Ngãi, gồm: Trà Bồng, Trà Khúc, Sông Vệ, Trà Câu đều trên mức báo động 3 từ 0,3 đến 1 m. Trong khi đó, hồ thủy điện Đakđrinh xả điều tiết với lưu lượng 1.680 mét khối/giây; hồ Nước Trong xả 1.100 mét khối/giây khiến nguy cơ ngập lụt sâu diễn ra trên diện rộng tại các vùng trũng thấp và hạ lưu các sông.
Trước tình hình trên, ngay trong chiều tối cùng ngày, nhiều địa phương ở Quảng Ngãi lại cấp tập tổ chức di dời dân ở vùng hạ lưu các sông đến nơi an toàn.
Tại huyện Tư Nghĩa, nhiều người dân sau khi được sơ tán đến nơi trú tránh bão số 9 thì tối 28-10 tiếp tục ở lại tránh lũ do nước trên Sông Vệ lên nhanh.