Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan cho biết: Với hơn 3 nghìn phiếu khảo sát người lao động ở nhiều loại hình doanh nghiệp cho thấy, thu nhập trung bình của người lao động đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hằng tháng, còn lại là tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp. Chỉ có 1/4 số người được khảo sát cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống. Số còn lại cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ, thậm chí mới nửa tháng đã hết số tiền kiếm trong cả tháng trước đó. Đáng chú ý, gần 20% số công nhân lao động được khảo sát cho biết phải thường xuyên vay nợ…
Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; Vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; Vùng III là 3.640.000 đồng/tháng; Vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Sau dịch Covid-19, tình trạng các doanh nghiệp khan hiếm đơn hàng diễn ra trên diện rộng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của người lao động. Việc nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm khiến thu nhập lao động giảm sút trong khi vật giá leo thang. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024 được cho là cần thiết xem xét trong bối cảnh hiện nay.
Báo cáo thực trạng nhân sự ngành sản xuất 2023 được Navigos Group, nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam vừa công bố, cho thấy bức tranh không mấy khởi sắc của ngành sử dụng nhiều lao động. Ít nhất 50% số doanh nghiệp đối mặt với sụt giảm doanh thu, trong đó có công ty bị ảnh hưởng đến 91%. Khảo sát cho thấy có 60% số người lao động chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt để ứng phó khó khăn, 37% làm thêm bên ngoài và chỉ có 3% chọn cách tăng ca nhiều hơn để tăng thu nhập. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp ưu tiên áp dụng giảm giờ làm và cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp giảm bớt dây chuyền hoặc đóng cửa nhà máy. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 60 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2022. 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có 16.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Với sứ mệnh đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng: Mỗi cán bộ công đoàn nói riêng, những người làm chính sách nói chung cần phải đặt mình vào vị trí của người lao động mới biết họ mong chờ điều gì, để từ đó có những việc làm, hoạt động thiết thực, đồng hành, sẻ chia. Tại buổi gặp mặt các thành viên của tổ chức Công đoàn Việt Nam tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia qua các thời kỳ, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, 10 năm qua là một hành trình gian khó, có cả những niềm vui và nước mắt của các cán bộ công đoàn tham gia công tác thương lượng tiền lương tối thiểu vùng. Đó là một hành trình với nhiều công sức, bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, mồ hôi đã đổ ra, vì sứ mệnh đại diện cho người lao động.
10 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng hơn 72%, cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Tại các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn luôn đề nghị Chính phủ và phía đại diện người sử dụng lao động phải hướng tới cải thiện cuộc sống của người lao động và gia đình họ khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Công đoàn thật sự đại diện cho tiếng nói của người lao động trong tiến trình điều chỉnh mức lương tối thiểu.
Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết: Từ khảo sát về khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 cho thấy, có những thông số cần quan tâm: Số người lao động không bảo đảm được nhu cầu chi tiêu tối thiểu tăng; sau đại dịch Covid-19, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao khiến người lao động càng gặp nhiều khó khăn, giá nhà trọ cao hơn so với tính toán trong mức lương tối thiểu. Ngoài ra, tỷ lệ phi lương thực-thực phẩm trong thực tế khác xa tỷ lệ trong tính toán mức lương tối thiểu hằng năm. Cũng theo ông Quảng, đời sống của người lao động hiện nay còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi thiếu hụt đơn hàng. Một trong những yếu tố để thương lượng tiền lương là khả năng chi trả của doanh nghiệp. Do vậy, phải xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng một cách hài hòa, vừa động viên người lao động, tăng năng suất hiệu quả, vừa phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp. Đây là yếu tố cần xem xét trong thương lượng lương tối thiểu năm 2024 để tiền lương thật sự là động lực cải thiện đời sống của người lao động đồng thời để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị các bộ, ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, nhất là về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho người lao động. Cần có ngay các giải pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu đối với người lao động.