Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, với lịch sử hình thành và phát triển hơn 50 năm, ASEAN đã trở thành một cộng đồng vững mạnh với 10 quốc gia thành viên, hình thành nên 3 trụ cột gồm: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Một trong những điều kiện mang tính chất nền tảng quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển của ASEAN là thực hiện yêu cầu hài hòa hóa pháp luật, hướng tới xây dựng các khung pháp lý chung của ASEAN trên nhiều lĩnh vực, thông qua đó thúc đẩy quá trình hội nhập sâu, rộng của khu vực.
Các chuyên gia nhấn mạnh, hội nhập ASEAN và hài hòa pháp luật trong ASEAN có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chính quá trình hội nhập đã làm phát sinh nhu cầu hài hòa hóa pháp luật, và ngược lại hài hòa hóa pháp luật thúc đẩy làm cho quá trình hội nhập càng trở nên sâu rộng, hiệu quả hơn.
Hài hòa hóa pháp luật tạo cơ sở cho sự hình thành một thể chế liên kết khu vực dựa trên nền tảng luật lệ, một cộng đồng ASEAN thống nhất trong sự đa dạng. Thông qua quá trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN, các nước thành viên đang tìm được tiếng nói chung nhằm giảm thiểu các xung đột pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể.
Quang cảnh Hội thảo. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều sự biến động, là những thách thức không nhỏ đối với cộng đồng ASEAN.
Vượt qua thách thức, các quốc gia thành viên phải cùng nhau hướng tới một ASEAN kết nối chặt chẽ hơn, thúc đẩy phục hồi các nền kinh tế, chú trọng phát triển bền vững và bao trùm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Để thực hiện được mục tiêu này, việc thúc đẩy các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và tiếp nhận các xu hướng phát triển pháp luật mới đang hình thành trong cộng đồng ASEAN, cũng như tạo các diễn đàn để thảo luận về hài hòa hóa pháp luật trong các lĩnh vực liên quan được nhìn nhận là một yêu cầu rất cần thiết cho ASEAN hiện nay, nhằm thúc đẩy hình thành một cộng đồng ASEAN vững mạnh.
Đề cập đến nội dung các yếu tố rào cản đối với tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN, Thạc sĩ Trần Ngọc Hà, Khoa Luật quốc tế, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hài hòa hóa pháp luật là tiến trình song hành không thể thiếu đối với quá trình hội nhập trong ASEAN.
Bằng nhiều biện pháp khác nhau, các quốc gia ASEAN đã đạt được những thành tựu nhất định nhằm làm cho các hệ thống pháp luật quốc gia thành viên xích lại gần nhau hơn.
Thạc sĩ Trần Ngọc Hà, Khoa Luật quốc tế, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo. |
Tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN đã và đang đối mặt với nhiều rào cản như sự đa dạng về truyền thống văn hóa pháp lý, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên; tác động của các yếu tố tôn giáo, chính sách phát triển của các quốc gia; hạn chế trong hoạt động lập pháp, nội luật hóa ở các quốc gia thành viên…
Để khắc phục và vượt qua những rào cản này, đòi hỏi các quốc gia ASEAN cần có sự nỗ lực hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để có thể tạo ra một khung pháp lý chung bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của cả khu vực.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, hài hòa hóa pháp luật trong khu vực ASEAN là yêu cầu và đòi hỏi tất yếu của quá trình hội nhập trong Asean. Quá trình hội nhập yêu cầu các quốc gia phải tiến tới sử dụng một “ngôn ngữ” chung, trong đó có pháp luật.
Với sự đa dạng của các hệ thống pháp luật quốc gia thành viên, hài hòa hóa pháp luật luôn là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng hướng đến một hành lang pháp lý chung bảo đảm cho sự hợp tác và phát triển toàn diện, bền vững của cộng đồng ASEAN.
Hội thảo diễn ra với 3 phiên thảo luận: Hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN-cơ hội và thách thức; Định vị tương lai cho một ASEAN thống nhất trong đa dạng; Phát triển bền vững trong các lĩnh vực pháp luật cụ thể trong ASEAN và các quốc gia thành viên.