Hành trình giữ thai cho sản phụ mắc bệnh lupus ban đỏ
Sản phụ T.L (33 tuổi, Hà Nội) tiền sử bị lupus ban đỏ 6 năm nay. Chị L. khám thai tại phòng khám tư, đến tuần 22 phát hiện em bé có tình trạng rối loạn nhịp tim thai.
Thông thường, tim thai dao động từ 120 - 160 lần/phút nhưng thai nhi lại có nhịp tim rất chậm, dao động 50-60 lần/phút. Chị tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được theo dõi tại Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.
Qua hội chẩn ngày 14/8, Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thúy Linh - Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhận định, thai nhi có tiên lượng nặng, chậm phát triển trong tử cung, tim to, tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều, có tình trạng block nhĩ thất cấp III.
Với tình trạng bệnh rất nặng, sản phụ tiếp tục điều trị lupus ban đỏ và được chỉ định nhập viện khoa Sản bệnh A4 để theo dõi sát sao tình trạng thai nhi.
Với tình trạng block nhĩ thất độ III rất nặng, việc đặt máy tạo nhịp ở thời điểm ngay sau sinh là vô cùng cần thiết, có thể đưa nhịp thất của bé trở về bình thường, từ đó em bé sẽ cải thiện được tình trạng bệnh lý.
Thông qua hội chẩn liên viện, hội đồng cân nhắc việc chuyển viện sau sinh cho em bé.
"Mặc dù khoảng cách giữa Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương rất ngắn nhưng nếu thực hiện chuyển viện ngay sau sinh, em bé sẽ đối mặt với nguy cơ trụy tuần hoàn, trụy tim mạch do nhịp tim thấp, sức khỏe không tốt do chậm phát triển trong tử cung từ trong thời kỳ bào thai", bác sĩ Linh chia sẻ.
Với tình trạng block nhĩ thất độ III rất nặng, việc đặt máy tạo nhịp ở thời điểm ngay sau sinh là vô cùng cần thiết, có thể đưa nhịp thất của bé trở về bình thường, từ đó em bé sẽ cải thiện được tình trạng bệnh lý.
Hai cuộc phẫu thuật liên tiếp, cứu em bé mới chào đời. |
Hội đồng thống nhất xin ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh và Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, cử một ê-kíp bác sĩ tim mạch và hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đứng đầu ê-kíp là Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với bác sĩ chẩn đoán trước sinh, sản bệnh, gây mê hồi sức, sơ sinh, huyết học của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để phối hợp thực hiện ca mổ đặt máy tạo nhịp tim cho em bé ngay sau sinh tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Cuộc phẫu thuật căng thẳng cứu em bé ngay lúc chào đời
Các bác sĩ dự định cố gắng giữ thai nhi trong bụng mẹ đến tuần 37 để em bé đủ trưởng thành và trải qua cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên đến thời điểm 35 tuần, chức năng tim thai diễn biến xấu rất nhanh.
Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện có tình trạng suy chức năng tim, tràn dịch màng tim số lượng rất nhiều, có tình trạng chèn ép tim ở buồng tim phải và đặc biệt có tình trạng thay đổi theo chiều hướng xấu Doppler ở thai.
Tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung ngày càng nặng. Sau khi hội chẩn, Giáo sư Nguyễn Duy Ánh đã quyết định cần mổ lấy thai để bảo đảm an toàn cho thai nhi.
Với tình trạng block nhĩ thất độ III rất nặng, việc đặt máy tạo nhịp ở thời điểm ngay sau sinh là vô cùng cần thiết, có thể đưa nhịp thất của bé trở về bình thường, từ đó em bé sẽ cải thiện được tình trạng bệnh lý.
15 giờ ngày 9/10, công tác chuẩn bị tại phòng mổ vô cùng khẩn trương, tất cả phải đảm bảo các yếu tố về điều kiện phẫu thuật, các quy định ngặt nghèo về vô trùng để thực hiện một ca phẫu thuật tim nhi khoa ngay tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thế Quang, Thạc sĩ Nông Thị Thúy Hòa cùng các cán bộ y tế khoa Gây mê hồi sức tự nguyện, Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh phối hợp với ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương lên phương án, chuẩn bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cần thiết.
Kíp chuẩn bị đã làm việc liên tục cả đêm để đến 7 giờ sáng ngày 10/10, 2 cuộc phẫu thuật sẽ được tiến hành liên nối tiếp nhau.
Dưới sự chỉ đạo của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Thu Phương cùng các bác sĩ Khoa Sơ sinh đã chuẩn bị trang thiết bị, thuốc men, túc trực tại phòng mổ, sẵn sàng hồi sức sơ sinh.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thủy và nhân viên y tế Khoa Huyết học truyền máu đã chuẩn bị máu và chế phẩm máu để sẵn sàng cho cuộc mổ cho bé.
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của 2 bệnh viện, các y, bác sĩ đã đã cứu sống em bé. |
8 giờ 20 phút ngày 10/10, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Tuấn Đạt - Trưởng khoa Sản bệnh A4 cùng ê-kíp mổ đã thực hiện ca mổ lấy thai, em bé nặng 2.150g cất tiếng khóc chào đời.
Ngay khi chào đời, nhịp tim của em bé rất thấp khoảng 50 lần/phút, trong quá trình hồi sức nhịp thất có khi xuống 35 lần/phút. Với tình trạng như vậy, nếu thực hiện chuyển viện, bệnh nhi sẽ có tình trạng nguy kịch trên đường đi.
Rất nhanh chóng, em bé được đặt ống nội khí quản, làm xét nghiệm, siêu âm tim, đánh giá tình trạng nhịp, tình trạng bệnh được các bác sĩ kiểm soát hoàn toàn.
Ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện Nhi Trung ương gồm Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường - Giám đốc Trung tâm Tim mạch; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - Trưởng đơn vị rối loạn nhịp; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Chiến - Phó khoa Gây mê hồi sức; Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quang Vịnh - Phẫu thuật viên Khoa Ngoại Tim mạch và Thạc sĩ Vũ Thanh Hà – Điều dưỡng trưởng khoa Gây mê hồi sức đã trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho em bé.
Sau khi được đặt máy tạo nhịp thành công, nhịp thất lên 120 lần/phút, em bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.
14 ngày sau cuộc phẫu thuật, nhịp tim của em bé đã trở về ổn định sau khi có sự hỗ trợ của máy tạo nhịp, đồng thời em bé đã được ghép mẹ, tình trạng sức khỏe ổn định để có thể tiếp tục theo cuộc điều trị sau này.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, nhờ sự phát triển của y khoa và quá trình theo dõi chăm sóc thai kỳ đầy đủ đã giúp phát hiện các trường hợp thai kỳ bất thường và có giải pháp theo dõi, can thiệp kịp thời và phù hợp nhằm tăng cơ hội sống tốt, sống khỏe mạnh cho trẻ ngay sau sinh. Đối với các trường hợp trẻ bị tim bẩm sinh nặng, cần can thiệp ngay sau sinh để tăng cơ hội sống cho em bé. Đôi khi, nếu đợi đến chuyển viện, có thể bỏ lỡ thời điểm vàng can thiệp tốt nhất cho trẻ.