Do địa hình nơi nuôi nhốt gấu phải đi qua một lối đi hẹp dưới 1m, nên phương án gây mê để đưa gấu ra khỏi cũi nuôi nhốt là tối ưu. Hai cá thể gấu ngựa, một cá thể cái nặng ước chừng 120 kg, và một cá thể cái khác khoảng 100 kg đã được yêu cầu cho nhịn ăn trước cứu hộ một ngày nhằm bảo đảm chúng đáp ứng tốt với thuốc gây mê.
Tổ chức Động vật châu Á đặt tên cho hai cá thể gấu trong đợt cứu hộ này là Storm (Bão) và Torrent (Lũ) để tưởng nhớ tới những con người đã mất, những thiệt hại do bão lũ gây ra ở miền trung, và cũng để tri ân những con người kiên cường ở vùng lũ, những nhà hảo tâm và lực lượng chức năng đã trải qua rất nhiều hiểm nguy, khó khăn cùng chung tay giúp đỡ, đùm bọc nhau trong hoạn nạn.
Theo thông tin từ chủ nuôi, ông đã nuôi sinh sản thành công, và Torrent là mẹ của Storm, đây là trường hợp hiếm gặp trong điều kiện nuôi nhốt. Gấu mẹ Torrent khoảng 20 tuổi, và đã được nuôi nhốt cách đây 18 năm. Còn gấu con Storm tầm 4 tuổi và bị tật bẩm sinh ở chân trái.
Khám sức khỏe tại hiện trường sau gây mê, bác sĩ Kate Shipton của Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam nhận định cả hai gấu đều có sức khỏe ổn định.
Quá trình cứu hộ diễn ra trong ngày bởi Phú Thọ và Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vĩnh Phúc chỉ cách nhau 65 km.
Đây là chuyến cứu hộ thứ 6 mà Tổ chức Động vật châu Á thực hiện trong năm nay, đưa về 11 cá thể gấu. Thêm hai cá thể gấu này, hiện tổ chức đã cứu hộ được 222 cá thể gấu ngựa và gấu chó, trong đó 190 gấu đang sống và được chăm sóc nhân đạo trong điều kiện đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.
Hiện vẫn còn khoảng 500 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong các trang trại khắp Việt Nam cho mục đích lấy mật.
Tổ chức Động vật châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhằm đưa các cá thể này về các cơ sở cứu hộ; hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước, lộ trình từ 2017 tới 2022.