Hạ trần lãi suất tiền gửi USD và những kỳ vọng

NDO -

NDĐT- Tối 27-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo hạ trần lãi suất gửi USD với cá nhân từ 0,75%/năm xuống còn 0,25%/năm và tiền gửi bằng USD của các tổ chức sẽ không còn được hưởng lãi kể từ 28-9.

Hạ trần lãi suất tiền gửi USD và những kỳ vọng

Quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi USD được NHNN đưa ra căn cứ trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối và nhằm ngăn chặn tình trạng “găm giữ” ngoại tệ, góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015. Đồng thời, NHNN tái khẳng định, tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, trong đó không điều chỉnh tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm và thậm chí cả đầu năm 2016; cũng như sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm bảo đảm cân đối cung cầu ngoại tệ.

Đây là quyết định khá mạnh của NHNN, vì lần đầu tiên NHNN không cho các khoản tiền gửi USD tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng được hưởng lãi suất, cũng như đưa lãi suất tiền gửi của người dân về mức tối thiểu và thấp nhất trong lịch sử lãi suất này. Việc này kỳ vọng sẽ làm tăng động thái bán ngoại tệ ra thị trường của các chủ sở hữu ngoại tệ để chuyển đổi sang VND hoặc vàng, hoặc để thực hiện đầu tư theo mục tiêu xác định. Nhờ đó, lượng cung USD và cân đối cung-cầu USD trên thị trường sẽ được cải thiện; đồng nghĩa với việc giúp NHNN tăng lượng mua vào và giảm áp lực bán ra USD can thiệp thị trường của NHNN sau đợt điều chỉnh tăng tỷ giá chính thức và nâng biên độ giao dịch tỷ giá VND vừa qua. Đồng thời, việc này còn giúp thực hiện mục tiêu chuyển mạnh từ giao dịch vay-mượn ngoại tệ sang hình thức mua-bán ngoại tệ giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc hạ trần lãi suất tiền gửi USD sẽ là bước đệm khá khôn ngoan để khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất đồng USD như cảnh báo, thì NHNN có thể tăng trở lại mức lãi suất USD với mức không quá cao so với lãi suất VND trong thời gian tới. Thiệt hại đối với người dân và tổ chức gửi tiền bằng USD sẽ không quá cao do hiện là thời điểm mức dư tiền gửi tiết kiệm USD thường là thấp nhất trong năm, khi mà các doanh nghiệp đã dùng hết USD để đầu tư từ nửa đầu năm và chưa có thu nhập mới từ USD xuất khẩu và thanh toán hợp đồng cuối năm.

Tuy nhiên, NHNN cũng cần có kịch bản chủ động cho phương án xử lý hai hệ lụy có thể xảy ra khi hạ trần lãi suất tiền gửi USD: Thứ nhất, có thể có sự “chảy máu” USD ra bên ngoài và giảm sút kiều hối về nước gắn với mục tiêu hưởng chênh lệch lãi suất USD trong nước và quốc tế; Thứ hai, có thể có sự gia tăng mạnh cầu về vàng buộc NHNN phải tổ chức nhập khẩu vàng để cân đối, do động thái chuyển dịch từ trữ USD sang trữ vàng, như một giải pháp tự bảo đảm an toàn tài chính của người dân và doanh nghiệp.

NHNN đã và đang có nhiều quyết sách lớn, táo bạo và cho đến nay về cơ bản là đúng hướng và thu được nhiều kết quả tích cực, được dư luận và thực tế ghi nhận trong điều hành chính sách tiền tệ và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng, kiểm soát nợ xấu...

Thực tế trong nước và thế giới cho thấy, NHNN cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin, nắm chắc được lượng USD “trôi nổi” và cân đối-cung-cầu USD trên thị trường, chú ý tới tính hai mặt của chính sách, linh hoạt điều chỉnh chính sách tỷ giá, lãi suất và các giải pháp phối hợp đồng bộ khác, tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, thị trường tài chính nói riêng, đặc biệt trong thời gian từ nay đến hết quý I năm 2016.