Hà Tĩnh kiên trì, kiên quyết tháo gỡ tồn đọng

Cùng với nỗ lực bám nắm địa bàn, chủ động lắng nghe và giải quyết thấu đáo nguyện vọng chính đáng của người dân, tỉnh Hà Tĩnh đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi quá khích, kích động, cố tình gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Tĩnh kiên trì, kiên quyết tháo gỡ tồn đọng

Bài học dựa vào dân, lắng nghe dân và đối thoại với nhân dân là chủ trương xuyên suốt được các cấp ủy đảng ở Hà Tĩnh vận dụng, thực hiện trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển trên địa bàn.

Có mặt tại các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh, khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng, điều dễ dàng cảm nhận là tinh thần phấn khởi, sự đồng tình của người dân. Ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Phúc Lập (xã Kỳ Thượng) cho biết, ngày 18/11 vừa qua đã nhận được 224 triệu đồng hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề.

“Sau khi trả nợ ngân hàng, chúng tôi sẽ dành toàn bộ số tiền còn lại đầu tư cho đứa con đang học năm 3 đến khi tốt nghiệp đại học”. Còn ông Vũ Xuân Viện, thôn Phúc Lập cho biết, trước đây đã nhận được tiền đền bù đất và tài sản trên đất để di dời, nay được Nhà nước chi trả hơn 600 triệu đồng, sẽ tiếp tục đầu tư chuồng trại, tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi trên khu vực đất tái định cư của gia đình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kỳ Thượng, Lê Văn Lãm cho biết, giữa tháng 11 vừa qua, địa phương đã phối hợp Hội đồng Bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh chi trả gần 80 tỷ đồng hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề cho 542 hộ dân theo Nghị quyết 128/NQ-HÐND vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Sở dĩ có nguồn hỗ trợ này do trước đây, địa phương mới chỉ tính toán, phê duyệt hỗ trợ đối với phần diện tích đất nông nghiệp được giao và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 khi Nhà nước thu hồi đất. Còn phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp do khai hoang, sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2004 đủ điều kiện giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, mới chỉ được tính toán bồi thường về đất, chưa xem xét hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Tương tự xã Kỳ Thượng, hàng trăm hộ dân ở xã Kỳ Tây cũng đang háo hức chờ đợi. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kỳ Tây, Nguyễn Hồng Thắng cho biết: Người dân rất vui! Kỳ vọng chính đáng của người dân sắp thành hiện thực. Những áp lực vô hình với chúng tôi cũng được gỡ bỏ. Thực tế, Hội đồng mới chỉ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại thôn Tân Xuân (xã Kỳ Tây) với diện tích thu hồi đất 267,6 ha, còn lại 262 ha diện tích đất của người dân ở 4 thôn: Nam Xuân, Hồng Xuân, Tây Xuân, Trường Xuân vẫn chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bên cạnh đó, sau năm 2015, mốc thời gian thực hiện cơ chế hỗ trợ bồi thường từ ngân sách Nhà nước đã hết… vì vậy, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh chưa tiến hành chi trả kinh phí bồi thường cho 373 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án.

Dự án ảnh hưởng đến hơn 1.800 lượt hộ dân trên địa bàn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ tháng 12/2011 vẫn chưa đồng bộ, kịp thời, khiến nảy sinh một số tồn đọng, vướng mắc. Huyện đã rà soát, kiểm đếm diện tích, số lượng các hộ dân chưa được bồi thường, hỗ trợ để đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, đồng thời triển khai một số giải pháp tạo sinh kế cho người dân.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh, Hồ Huy Thành

“Tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành rà soát kỹ lưỡng quá trình triển khai các chính sách bồi thường. Lãnh đạo tỉnh nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân để tìm hiểu thấu đáo mọi vướng mắc, khó khăn” - đồng chí Hồ Huy Thành cho biết thêm.

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, quyết định tiếp tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của tỉnh Hà Tĩnh được xem là giải pháp căn cơ không chỉ đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, ổn định an ninh trật tự tại địa bàn mà còn tạo điều kiện cho nhà đầu tư duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

“Công an huyện Kỳ Anh đặt mục tiêu: Dứt khoát không để xảy ra điểm nóng; cùng với cấp ủy, chính quyền kiên trì, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng cho người dân. Với số ít đối tượng cực đoan, gây bất ổn an ninh cơ sở, chúng tôi củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm minh”.

Thượng tá Lê Xuân Thủy, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh

Qua phân loại, sàng lọc, nổi lên đối tượng Hoàng Văn Luân (SN 1988, trú tại xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh). Manh nha từ năm 2012 đến 2016, từ chỗ khiếu nại đơn lẻ, tự phát liên quan quyền lợi bản thân, Hoàng Văn Luân đã lôi kéo nhiều người khiếu kiện vượt cấp, mặc dù đã được tuyên truyền, vận động, cảnh báo, xử phạt, nhưng Hoàng Văn Luân vẫn không thay đổi, dần dần đứng ra “tổ chức” khiếu kiện tập thể và có dấu hiệu vụ lợi, đỉnh điểm vào các năm 2018, 2019, 2023.

Trên cơ sở hồ sơ, chứng cứ, ngày 23/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Luân về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Thiếu tá Phan Văn Long, Ðội trưởng An ninh, Công an huyện Hương Khê cho biết, những cá nhân khiếu kiện kéo dài, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự tại địa bàn nhiều năm qua là các đối tượng Hoàng Thị Sơn ở thị trấn Hương Khê (khiếu kiện từ năm 2006 ) và Thái Thị Bé ở Phúc Trạch (khiếu kiện từ năm 2012). Các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh đã gặp, đối thoại, vận động, giải thích, trả lời theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo nhiều lần, nhưng hai đối tượng tiếp tục gửi đơn vượt cấp; chửi bới cán bộ tiếp dân ở cơ sở, lập tài khoản, quay phát trên mạng thông tin sai sự thật...

Ðối tượng Hoàng Thị Sơn còn căng lều trước ủy ban nhân dân huyện, mang xăng đe dọa tự thiêu, gây áp lực trước trụ sở Tỉnh ủy… Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã xin chủ trương lập chuyên án, khởi tố bắt tạm giam hai đối tượng vào ngày 17/4/2023 về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ngày 8/8/2023, Tòa án nhân dân huyện Hương Khê đã mở phiên tòa Sơ thẩm xét xử hai bị cáo và tuyên phạt mỗi bị cáo 15 tháng tù. Tòa phúc thẩm sau đó tuyên y án sơ thẩm. Sau phiên tòa, dư luận đồng tình, an ninh trên địa bàn chuyển biến rõ.

Ở một địa bàn có gần 170 nghìn đồng bào Công giáo, theo Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Trưởng phòng PA02, Công an tỉnh, phương châm tôn trọng, lắng nghe, tiếp xúc, trao đổi thường xuyên đã giúp chính quyền và các vị thuộc hàng giáo phẩm, các vị chức sắc, tu sĩ, đồng bào Công giáo hiểu nhau hơn. 5 năm qua, bà con giáo dân Hà Tĩnh đã tích cực đóng góp với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì trẻ em, phòng chống dịch Covid-19, cứu trợ thiên tai...

Ðợt dịch Covid-19, Tòa Giám mục, các giáo xứ... tích cực thiện tâm ủng hộ vật chất, trao tặng 200 triệu đồng cho Ủy ban nhân dân tỉnh phục vụ chống dịch. Một số giáo xứ cho mượn nhà giảng giáo lý để làm nơi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm; cử người tham gia, gửi nhu yếu phẩm đến các chốt, các điểm cách ly. Nhân dịp Ðức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa Giáo phận Hà Tĩnh đầu năm nay, lãnh đạo tỉnh đã tới chúc mừng và luôn giữ mối quan hệ tôn trọng, thăm hỏi, trao đổi với các vị trong hàng giáo phẩm.

Phong trào “Giáo xứ có bình chữa cháy để phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn”, các vị linh mục tham gia phối hợp tập huấn phòng cháy, chữa cháy, thật sự có ý nghĩa thiết thực và lan tỏa để bảo vệ bình yên cuộc sống giáo dân. Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân 19/8, các vị linh mục, chức sắc đến chia vui, chúc mừng.

Ngay tại Giáo xứ Chánh tòa Văn Hạnh, thuộc Giáo phận Hà Tĩnh, vào dịp Quốc khánh, hình ảnh cờ Tổ quốc treo ở nhà riêng giáo dân là hình ảnh đẹp, trang trọng. “Các dịp chầu luật, lễ Giáng sinh... của đồng bào, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền... đều đến thăm chúc mừng. Ở hai thôn vùng giáo xã Gia Phố, trước kia vào Ngày hội đại đoàn kết toàn dân chỉ vài chục hộ tham gia, giờ tới hơn trăm hộ”-đồng chí Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê cho biết.

Ðể xây dựng trụ sở công an xã, ngoài nguồn lực từ Công an tỉnh, chính quyền các địa phương, việc Giáo xứ Thượng Bình (Hương Khê), Giáo xứ Ðông Tràng (huyện Hương Sơn), Ban Trị sự Chùa Nhiễu Long (Hương Sơn), Chùa Bảo Lâm (Hương Khê)... cùng một số đơn vị, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng trụ sở công an xã tại các địa bàn còn khó khăn, là dấu ấn cho thấy trách nhiệm xã hội, sự cảm thông, chia sẻ tốt đẹp.

“Từng đã có hiểu lầm, nhưng ngày hôm nay, vật liệu xây dựng được các vị linh mục thay mặt giáo dân trao tặng, góp vào xây dựng trụ sở công an xã, cử chỉ đó, đổi thay đó thật sự ý nghĩa!” - Ðại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh nhớ lại cảm xúc khi dẫn đầu đoàn công tác Công an tỉnh đi khởi công xây dựng trụ sở tại 9 xã khó khăn đầu năm nay. Ðó cũng là hiện thực sinh động phương châm “Hiệp hành-chia sẻ-phục vụ”; sống “Tốt đời, đẹp đạo” của người Công giáo kính Chúa đồng thời là người công dân tốt trong lòng quốc gia, dân tộc.

“Khó khăn nhất là giải quyết những vấn đề tồn đọng, thí dụ như Dự án Rào Trổ. Cả hệ thống chính trị phải xắn tay vào! Nhu cầu có chỗ vui chơi công cộng, nghĩa trang, nơi thờ tự là chính đáng. Vấn đề là công dân cần tuân thủ quy định pháp luật, không thể đặt chính quyền vào việc đã rồi! Anh em công an nắm sát địa bàn, hiểu dân, dựa vào nhân dân, người có uy tín trong tôn giáo, dựa vào cấp ủy, chính quyền để giải quyết công việc hiệu quả” - đồng chí Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh chia sẻ. “Qua dự án này, nhân dân tin chính quyền nói là làm, không phải hứa suông!” - Thượng tá Lê Xuân Thủy, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh rút ra kết luận.

Những cuộc giao lưu thể thao, bóng đá; những bữa cơm thân tình; đến thăm hỏi, chúc mừng giữa lãnh đạo tỉnh, huyện, xã vào những dịp lễ trọng của đất nước, của ngành, các dịp lễ trọng Công giáo… với các vị chức sắc, đồng bào Công giáo; vai trò ảnh hưởng của hàng giáo phẩm ở Giáo phận Hà Tĩnh; sự sâu sát trong chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Giám đốc, Giám đốc Công an tỉnh, các cơ quan Trung ương về cơ chế, chính sách... đã tạo nền tảng giải quyết hài hòa một số vấn đề tồn đọng.

Thực tiễn cho thấy, việc chính quyền tạo điều kiện đẩy nhanh hoàn tất hồ sơ cấp sổ đỏ đất tôn giáo đủ điều kiện; lắng nghe nguyện vọng cấp đất làm nghĩa trang cho cả đồng bào bên giáo và bên lương theo đúng quy định (phát sinh năm 2020 ở xã Kỳ Sơn, cuối năm 2021 xử lý và năm 2022 giải quyết xong), được nhân dân ủng hộ.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xử lý dứt điểm vụ việc ở Dự án nhà máy xử lý rác ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) kéo dài từ 2018-2022, với tinh thần tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhân dân; đối thoại tháo gỡ bất đồng- gia tăng đồng thuận với các vị linh mục, giáo dân; điều chỉnh vị trí đặt nhà máy; tuân thủ pháp luật, hài hòa lợi ích các bên; bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, là một bài học quý về xử lý mâu thuẫn từ cơ sở.

Năm 2013, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican như một dấu mốc lịch sử. Năm 2023, sau chuyến thăm Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và hội kiến Giáo hoàng Francis; gặp mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, dư luận địa phương rất phấn khởi, tin tưởng về sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Tòa thánh và Việt Nam - đó là suy nghĩ, cảm nghĩ thật, là dự cảm tốt lành của nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân ở nơi này đang chung sức giải quyết những tồn đọng quá khứ để phát triển đi lên.