Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội

NDO -

Sáng 24/7, các tuyến đường của Hà Nội trở nên vắng hơn so với những ngày trước đó. Bởi từ 6 giờ ngày 24-7, UBND TP quyết định thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội trên địa bàn để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội

Khu vực trung tâm của thành phố là bờ hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố cổ trở nên vắng lặng. Trước đó, để ngăn người đi tập thể dục quanh bờ hồ, lực lượng chức năng đã chăng dây toàn bộ vỉa hè quanh hồ Hoàn Kiếm. Không có người tập thể dục, đường phố cũng ít xe đi lại. Gần như tất cả các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa im lìm, chỉ một số siêu thị mini như Circle K, Vinmart, BRG... ở quanh khu phố cổ mở cửa phục vụ người mua. 

Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội -0
Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm không còn tình trạng người dân đi tập thể dục buổi sáng. Ảnh: DUY LINH.
 

Chị Nguyễn Thanh Thúy (phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Mãi đêm qua tôi mới được biết thành phố thực hiện giãn cách xã hội từ 6 giờ sáng nay. Gia đình tôi có hai trẻ nhỏ, ở nhà lâu bọn trẻ bức bối nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì cả gia đình bảo nhau để thực hiện tốt việc giãn cách. Đây là biện pháp bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng cần thiết khi thành phố có nhiều ổ dịch không rõ nguồn gốc”.

Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội -0
Đa phần cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường… đều thực hiện nghiêm việc đóng cửa. Ảnh: DUY LINH.
 

Tương tự như khu vực trung tâm, các tuyến đường hướng tâm như: Kim Mã – Nguyễn Thái Học, Giảng Võ – Cát Linh, Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng... và những trục đường chính vốn đông người qua lại như: Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Cừ... đều rất ít người ra đường, thi thoảng mới gặp phương tiện giao thông đi lại. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, người ra đường đều đeo khẩu trang. Trên các tuyến đường, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, giám sát.

Hà Nội vắng vẻ trong ngày đầu giãn cách xã hội -0
 Một khu chợ dân sinh vẫn tấp nập người mua vào sáng nay, 24/7. Ảnh: KIM ANH.

Khi thực hiện giãn cách, vấn đề người dân quan tâm nhất là việc mua bán thực phẩm và các loại hàng hoá thiết yếu. Người dân được biết đến việc thực hiện giãn cách trong đêm, nên từ khoảng 5 giờ sáng các khu chợ đầu mối, chợ dân sinh có nhiều người tranh thủ mua bán lương thực, thực phẩm. 

Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội -0
 Một hiệu thuốc trên phố Đinh Liệt mở bán phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Ảnh: DUY LINH.

Tại chợ đầu mối phía Nam (khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai), do giá cả thường rẻ hơn các nơi nên người dân xếp hàng mua các loại thịt cá, rau xanh với số lượng lớn. Tại đây, Ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang phòng dịch.

Những khu chợ dân sinh khác như: chợ Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Xuân La (quận Tây Hồ), chợ Gia Lâm (Long Biên)... đều tấp nập người mua từ tảng sáng. Hàng hóa, thực phẩm và rau xanh đều dồi dào.

Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội -0
 Chỉ thị 17 ban hành vào đêm muộn nên sáng sớm ngày 24/7 nhiều khu chợ tấp nập người dân đến mua thực phẩm. Ảnh: DUY LINH.
 

Chị Nguyễn Bích Liên (phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy) cho biết: “Mãi đêm qua tôi mới biết thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Muộn rồi nên không kịp đi siêu thị. Tuy nhiên, sáng nay khi đi chợ Nghĩa Tân thì hàng hoá không khan hiếm, giá cả vẫn giữ như cũ, hoặc tăng không đáng kể. Do người mua bán đông nên không chọn được thực phẩm ngon như mọi ngày”. 

Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội -0
 Xung quanh khu vực phố cổ, các hàng rong vẫn tấp nập hoạt động. Ảnh: DUY LINH.
 

Một số chợ cóc vẫn họp trong sáng sớm nay, nhưng do lực lượng chức năng luôn đôn đốc, nhắc nhở nên đến khoảng 8 giờ, về cơ bản các chợ cóc tự phát đều được giải tán.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa…

Trước diễn biến tình hình Covid-19, từ trước đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30% - 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).

Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội -0

Một hãng kinh doanh dịch vụ vận tải thông báo tạm dừng hoạt động chở khách, dịch vụ giao đồ ăn…để thực hiện nghiêm quy định phòng dịch. Ảnh: DUY LINH. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; thành phố cũng đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết; sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. 

Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội -0
 

Ngổn ngang vật liệu xây dựng trên tuyến phố Hàng Hòm khi công trường tạm dừng hoạt động. Ảnh: DUY LINH.

UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cung cấp đầy đủ thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm nông sản gửi Sở Công thương, cùng các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm… phục vụ cho hoạt động khai thác bổ sung, cung ứng hàng hóa thiết yếu phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 tỉnh, thành phố là thành viên trong Ban điều phối Chương trình phối hợp phát triển chuỗi thực phẩm an toàn cho Hà Nội trong việc tổ chức sản xuất, hỗ trợ khai thác, lưu thông hàng nông sản thực phẩm an toàn về Hà Nội; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn có phương án bố trí nhân sự, phương tiện thu hoạch kịp thời nông sản thực phẩm (nhất là mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm,…) với giá cả ổn định, bảo đảm cung cấp cho thị trường Hà Nội. 

Với những biện pháp vào cuộc chủ động, theo đại diện Sở Công thương, người dân Hà Nội không cần phải tích trữ thực phẩm do thành phố đã chuẩn bị đủ nguồn cung.