Hà Nội trở rét, người vô gia cư co ro trong đêm gió

NDO -

Những ngày cuối tháng hai, miền bắc đón những trận rét run người, kèm theo đó là những cơn mưa phùn khiến nhiều người dù mặc đến vài ba lớp áo ấm vẫn không thể chịu nổi. Đối với những người vô gia cư nay đây mai đó thì còn khắc nghiệt hơn. Vẫn còn những mảnh đời như vậy vẫn đang ngày ngày gồng mình, chống chọi lại cơn rét khắc nghiệt trên vài con phố của Hà Nội.

Vẫn còn nhiều những phận người khó khăn đang co mình trong gió rét rất cần sự chung tay, chia sẻ của những hội, nhóm thiện nguyện. (Ảnh: Minh Duy)
Vẫn còn nhiều những phận người khó khăn đang co mình trong gió rét rất cần sự chung tay, chia sẻ của những hội, nhóm thiện nguyện. (Ảnh: Minh Duy)

Nhận để cho đi

Khi những ngọn đèn đường đã dần thưa, dọc theo bờ Hồ Hoàn Kiếm, không khó để bắt gặp hình ảnh của những người vô gia cư co ro nằm trước những hiên nhà. Khi được hỏi rằng ai là người khổ nhất ở đây thì các hàng ăn, hàng trà chanh sẽ chỉ ngay cụ bà Trần Thị Nậm, một người vô gia cư bám trụ bờ Hồ Hoàn Kiếm hàng chục năm nay. 

Gặp chúng tôi, bà Nậm khó nhọc nhỏm người dậy, lấy một trong những tài sản quý giá nhất của mình là tấm bìa các tông mời chúng tôi ngồi xuống. Đối với những người vô gia cư, có được quà từ thiện là điều vô cùng may mắn. 

Đưa mắt ra phía Hồ Gươm, nơi bên kia là những ông bố, bà mẹ đưa con mình đi trên phố, bà Nậm kể về cuộc đời của mình. Bà quê ở Lào Cai, từ nhỏ bị bố mẹ đưa đi làm người ở rồi từ đấy lưu lạc. Bà Nậm không con cái, không nhà cửa, không giấy tờ tuỳ thân, sống nay đây mai đó dọc theo hồ Gươm. Dù khó khăn nhưng bà Nậm vẫn thơm thảo, hôm nào xin được cái gì nhiều cũng chia sẻ với những người xung quanh, điều này khiến bà cũng được các hàng nước, hàng quà dọc theo Hồ Gươm yêu quý. 

Hà Nội trở rét, người vô gia cư co ro trong đêm gió -0
 Bà Nậm, người vô gia cư bám trụ bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, hàng chục năm nay. (Ảnh: Minh Duy)

Qua lời kể của những người sống quanh đây, bà Nậm cũng đôi lần gặp phải những tình huống khó xử khi được trao đồ từ thiện. Co ro trong cái rét căm căm, cụ bà 71 tuổi thều thào: “Tôi được mạnh thường quân cho vài bộ quần áo mặc cho đỡ rét. Những người đến làm từ thiện thường cho xung quanh, vì họ thấy những bộ đồ tôi mặc sạch sẽ quá, đẹp quá, nên lại tưởng tôi là người có điều kiện. Họ chỉ nhìn tôi rồi đi luôn. Nhưng trời rét như này, không mặc những bộ đồ ấy thì sao tôi chịu nổi”.

Những ngày cuối tháng hai, cơn rét kéo đến, Bà Nậm vừa phải chống chọi cái đói, vừa phải gồng mình chống lại cái rét căm căm. Những người vô gia cư như bà Nậm chỉ mong ước sao tiết trời như này sẽ sớm qua nhanh.

Người nghèo biết đủ

Cũng trong lòng thành phố, một người phụ nữ tóc bạc trắng vừa đi vừa chà sát hai tay lại với nhau cho đỡ lạnh. Đó là bà Bình, người phụ nữ từ quê lên Hà Nội chữa bệnh với hành trang vẻn vẹn là ba bộ quần áo và đôi ba cái lon nước mới nhặt được. Không còn người thân thích, người phụ nữ 75 tuổi từ Ý Yên, Nam Định lên Hà Nội mổ bướu bã đậu ở chân. Một thời gian sau, do không có điều kiện điều trị đúng cách, vết thương của bà bị tràn dịch khớp. Từ đó, bà lặn lội đi nhặt lon để kiếm tiền. Có hôm thì ăn cơm, có hôm thì nhịn ăn lấy tiền đi châm cứu vì cơn đau hành hạ. 

“Mùa hè nắng thì chân đau, mùa đông thì tôi không thấy đau như mùa hè vì nó mất hết cảm giác, lạnh quá làm tôi không thấy chân mình có cảm giác gì”, bà Bình chia sẻ.

Hà Nội trở rét, người vô gia cư co ro trong đêm gió -0
 Bà Bình run người co ro trong đêm gió rét. (Ảnh: Minh Duy)

Khó nhọc thả người xuống băng ghế, bà Bình kể về hành trình đi nhặt ve chai của mình. Bà kể lại những ngày còn phong tỏa, không có quán ăn nên cả ngày bà chẳng thể kiếm nổi lon nước nào. Bây giờ phải đi nhặt lon trong trời mưa rét, bà xoa đôi chân đang sưng tấy của mình rồi tự an ủi: “Ít nhất bây giờ vẫn còn hai cái lon để mà nhặt”.

Nhìn bà Bình, người ta có thể nghĩ rằng có ai mà khổ hơn bà, thế nhưng khi được hỏi bây giờ bà mong muốn điều gì nhất, bà Bình đáp ngay: “Tôi già rồi, không biết sống đến ngày nào nên mong muốn ba điều. Thứ nhất là trời nhanh hết rét, còn những người già hơn tôi, họ không chịu được qua mùa rét này đâu. Thứ hai là mong cho cái chân mau khỏi để tôi còn đi nhặt ve chai.” Điều ước cuối cùng, bà nhìn vào mắt chúng tôi rồi nói: “Mong rằng người nghèo ai cũng có đủ ăn”. 

Nói rồi, bà cụ lại tiếp tục hành trình tìm nơi tránh rét qua đêm của mình. Mấy ai nghĩ rằng, bên trong một người phụ nữ kham khổ, bệnh tật kia là một tinh thần vị tha như thế. Cũng giữa cái lạnh của Thủ đô, nhiều bạn trẻ thuộc các nhóm thiện nguyện đang đi qua từng con phố, trao gửi những đồng quà tấm bánh cho người vô gia cư.

Hà Nội trở rét, người vô gia cư co ro trong đêm gió -0
 Người vô gia cư như bà Bình không bị bỏ rơi trong cái rét căm nhờ những món quà của các bạn trẻ thiện nguyện. (Ảnh: Minh Duy)

Miếng trầu sưởi ấm

Trong những ngày này, để chống lại cái rét người ta có nhiều cách. Người khá giả thì chọn cho mình những chiếc áo thật dày. Đàn ông thì hút thuốc lá, thuốc lào, có người thì đốt những nhóm lửa nhỏ để hơ nóng chân tay. Không có bất kỳ điều kiện nào như trên, bà Dung, một cụ già chỉ có thể để dành số tiền bán hàng rong của mình để mua trầu. Những lúc trời lạnh, đặc biệt là mưa gió, bà thường làm một miếng trầu cho ấm người. 

Hà Nội trở rét, người vô gia cư co ro trong đêm gió -0
 Bà Dung đặt giỏ hàng rong, nghỉ chân bên hiên của một quán nước. (Ảnh: Minh Duy)
Hà Nội trở rét, người vô gia cư co ro trong đêm gió -0
 Miếng trầu ấm người của bà Dung. (Ảnh: Minh Duy)

Bà Dung cũng là dân ngụ cư, rời quê Thanh Hóa lên Hà Nội mưu sinh. Từng ngày, bà đi hết những con phố, đến tối lại tìm chỗ nghỉ lại qua đêm. Lúc có tiền thì thuê phòng trọ 20.000 đồng/ngày. Lúc hết tiền thì đành tìm chỗ bên đường mà nghỉ. Cũng như những người vô gia cư khác, bà Dung cũng chỉ mong mình có thể vượt qua được những ngày khắc nghiệt này của Hà Nội. Càng về đêm, trời càng lạnh thì cơn đau xương khớp của bà lại càng kéo đến. Những lúc như vậy bà cũng lại chỉ ăn trầu để quên đi cái lạnh, cái đau, cái cô đơn giữa những cơn gió giao mùa.

Hà Nội trở rét, người vô gia cư co ro trong đêm gió -0
 Nhai xong miếng trầu, bà Dung tiếp tục ôm theo giỏ hàng, đi qua từng con phố. (Ảnh: Minh Duy)

Không ở đâu xa, ngày trong lòng những con phố sáng đèn vẫn còn nhiều cảnh đời gian truân, cần nhận được sư quan tâm của xã hội. Không chỉ có cụ Nậm, cụ Dung hay cụ Bình, cái rét của miền bắc những ngày này sẽ còn khắc nghiệt hơn với rất nhiều người lao động nghèo hay những người không nhà, không cửa. Mong rằng những mảnh đời này sẽ sớm được sưởi ấm bằng trái tim và tình thương của người dân Hà Nội.