Hà Nội tập trung khắc phục bất cập trong quản lý trật tự đô thị

Vi phạm trật tự xây dựng vẫn tiếp diễn, tình trạng vỉa hè, lòng đường bị các hộ kinh doanh tái lấn chiếm; việc khắc phục vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại nhà cao tầng còn chậm; triển khai nông nghiệp công nghệ cao chưa đạt yêu cầu... là những vấn đề làm nóng phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, HÐND thành phố Hà Nội khóa 15 diễn ra vào ngày 6-12.

Liên tiếp trong ba kỳ họp gần đây, các vấn đề liên quan tới vi phạm trật tự xây dựng được các đại biểu HÐND thành phố Hà Nội tập trung phản ánh, chất vấn, yêu cầu xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng và không để vi phạm mới phát sinh, tuy nhiên, kết quả triển khai còn khá khiêm tốn. Các đại biểu đặt vấn đề: UBND thành phố Hà Nội đã giao quận, huyện, thị xã, các sở liên quan xử lý nghiêm những tồn đọng vi phạm trật tự xây dựng trước ngày 30-9-2017 và không để xảy ra vi phạm mới. Thế nhưng, đến nay, vẫn tồn đọng 154 công trình vi phạm từ năm 2015, 2016 và 345 công trình mới phát sinh trong năm 2017 chưa được xử lý dứt điểm. Vậy, nguyên nhân do đâu và trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?

Thừa nhận vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, đối với 154 công trình vi phạm tồn đọng từ những năm trước, lực lượng chức năng phối hợp chính quyền các địa phương đã xử lý 31 trường hợp; 123 trường hợp còn lại sẽ xử lý xong trong tháng 12. Năm 2017, trên địa bàn thành phố phát sinh 1.916 công trình vi phạm; các lực lượng chức năng đã xử lý 70% số công trình vi phạm; 345 công trình còn lại sẽ được giải quyết xong trong năm tới, đồng thời không để phát sinh vi phạm mới.

Cũng liên quan việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, các đại biểu đề nghị Giám đốc Công an thành phố cho biết lý do vì sao đến nay chưa khởi tố vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn PCCC tại các chung cư do Công ty tư nhân xây dựng số 1 Ðiện Biên thực hiện. Vụ việc này đã được nhắc tới nhiều lần tại các kỳ họp trước đây và cử tri rất quan tâm, vì vậy cơ quan chức năng cần sớm làm rõ. Giám đốc Công an TP Hà Nội Ðoàn Duy Khương cho biết, ngày 29-11-2016, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ của Thanh tra thành phố; tổ chức xác minh, điều tra theo trình tự, thủ tục quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây là vụ việc rất phức tạp, nhiều tình tiết, nội dung cần xác minh, điều tra làm rõ; trong đó, một số nội dung cần giám định, đánh giá về thiệt hại. Nhưng đến nay, cơ quan công an chưa nhận được kết quả giám định thiệt hại, cho nên chưa tiến hành khởi tố vụ án.

Quan tâm đến công tác an toàn phòng, chống cháy nổ tại các khu chung cư, nhất là chung cư tái định cư, các đại biểu đề nghị làm rõ việc xử lý các sai phạm tại các khu nhà này. Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội Hoàng Quốc Ðịnh cho biết, hiện còn 79 chung cư thương mại, 167 tòa chung cư tái định cư chưa bảo đảm an toàn, có vi phạm về PCCC. Tiến độ khắc phục chậm vì có công trình liên quan đến kết cấu, công năng sử dụng, cần đầu tư lớn cho nên còn vướng mắc. Hiện mới chỉ có một công trình đã nghiệm thu về an toàn PCCC, một công trình hoàn thành hệ thống báo cháy, một công trình sửa xong máy bơm, 59 công trình đã khảo sát xong. Về nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng nhận trách nhiệm này thuộc về Sở, đồng thời cam kết, nếu Sở được bố trí đủ kinh phí, thì trong ba tháng sẽ khắc phục toàn bộ các thiếu sót.

Tình trạng lòng đường, vỉa hè nhiều tuyến phố bị tái lấn chiếm để kinh doanh cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Tháng 3-2017, Ban Chỉ đạo 197 của thành phố ban hành Kế hoạch số 01/BCÐ nhằm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, bảo đảm an toàn giao thông, văn minh đô thị. Thời gian đầu, các phường, quận, huyện đã ra quân quyết liệt, nhưng đến nay, vỉa hè nhiều nơi lộn xộn trở lại vì hàng quán lộn xộn, phương tiện bừa bãi. Giám đốc Công an TP Hà Nội Ðoàn Duy Khương thừa nhận, công tác bảo đảm trật tự giao thông, đô thị, lòng đường hè phố chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và kỳ vọng của người dân. Nguyên nhân là do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; còn nhiều người lấn chiếm vỉa hè để bán hàng rong, trong khi hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng có dấu hiệu chùng xuống. Về giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng nêu trên, lãnh đạo Công an thành phố cho biết, đến thời điểm tổng kết một năm thực hiện Kế hoạch số 01/BCÐ sẽ làm rõ hơn, sâu sắc hơn vấn đề này và có những giải pháp tích cực để chỉnh trang đô thị.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng là vấn đề thu hút rất nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Nhiều đại biểu nêu vấn đề, vì sao đến nay, Hà Nội chưa có doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; một số chính sách khuyến khích hỗ trợ và phát triển nông nghiệp theo nghị quyết của HÐND chậm được triển khai, nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã tích cực tham mưu cho thành phố ban hành nhiều kế hoạch, cụ thể hóa các nghị quyết, chính sách... của Thành ủy, HÐND, UBND thành phố Hà Nội về khuyến khích phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phản biện: "Nghị quyết 25 của HÐND ban hành năm 2013, đến năm 2015 mới ban hành Kế hoạch thực hiện thì không thể nói là kịp thời".

Ðể tiếp tục thực hiện các kiến nghị của cử tri, các kiến nghị sau giám sát và chất vấn của HÐND, Chủ tịch HÐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các đơn vị liên quan có giải pháp cụ thể cho từng nhóm kiến nghị; có lộ trình tổ chức thực hiện, phân công, phân nhiệm rõ ràng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những cấp, những ngành chưa thực hiện hiệu quả công việc được giao; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu. Ðồng chí nhấn mạnh, HÐND các cấp sẽ tiếp tục giám sát những nội dung chất vấn chưa hoàn thành, cùng UBND thúc đẩy tiến độ thực hiện của các vấn đề cử tri quan tâm, phản ánh.