Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố có sáu đợt ô nhiễm không khí kéo dài, trung bình mỗi đợt từ năm đến mười ngày, trong đó điển hình là đợt ô nhiễm từ ngày 8 đến 14-12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.
Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí là do sự gia tăng các phương tiện giao thông, việc đốt củi, rác, sử dụng than tổ ong, việc thi công nhiều công trình xây dựng… dưới tác động của khí hậu cực đoan, các nguồn thải không được phát tán lên cao, mà tích tụ lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Thời gian qua, mặc dù thành phố đã thực hiện cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường, trồng thêm cây xanh, xử lý ô nhiễm nước tại các hồ khu vực nội thành… Tuy nhiên, các giải pháp này chưa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng khiến chất lượng không khí ngày càng bị suy giảm.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở Tài nguyên và môi trường trong quý I-2020 lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến chất lượng không khí. Sở Giao thông vận tải làm việc với Bộ Giao thông vận tải để sớm có quy định về thu hồi, xử lý các phương tiện quá hạn sử dụng. Các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường sử dụng các phương tiện cơ giới thu gom rác thải.
Sở Xây dựng phối hợp các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục xử lý ô nhiễm môi trường các hồ, ao; tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động thi công xây dựng; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ, củi rác; đổ rác đúng giờ, địa điểm quy định; tổ chức rửa đường các tuyến giao thông chính. Lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển vật liệu, phế thải xây dựng và xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm. Tiếp tục thực hiện chương trình trồng thêm cây xanh…