Theo Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Nguyễn Văn Sơn, hiện nay huyện có 150.000 người dân sinh sống tại 14 xã và hai thị trấn, trong đó chủ yếu là người gốc Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ).
Người dân ở đây sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, với 40.000ha cà-phê và đứng thứ hai sau huyện Di Linh của tỉnh Lâm Đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương của TP Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 17 công trình hạ tầng về giáo dục, giao thông… Nhờ đó Lâm Hà đã được công nhận là huyện nông thôn mới.
Tuy nhiên, đời sống của một số bà con nơi đây vẫn còn khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng cho sản xuất. Trong đó, huyện có nhiều sản phẩm OCOP nhưng việc quảng bá, tiêu thụ thời gian qua chưa tốt.
Vì thế, huyện mong muốn quảng bá, xúc tiến để tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại Hà Nội nhằm nâng cao giá trị kinh tế của địa phương và đời sống cho người dân nơi đây.
Tại buổi tiếp, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Hà Nội luôn dành tình cảm đặc biệt cho cán bộ, nhân dân của huyện Lâm Hà. Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thành phố đã xúc tiến đầu tư và hỗ trợ cho nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có huyện Lâm Hà.
Hiện nay, tại huyện có nhiều địa phương đặt tên địa danh theo các huyện của Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ).
Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ huyện cả trước mắt, cũng như lâu dài để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó nâng cao đời sống cho người dân, bởi Lâm Hà là một phần của Hà Nội.
Thành phố sẵn sàng ủng hộ huyện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tại Thủ đô. Đồng thời mong rằng, qua chuyến thăm và làm việc lần này, Đoàn đại biểu huyện sẽ học tập được các mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển nông thôn mới của Hà Nội. Trong đó, có kinh nghiệm phát triển mô hình nông thôn mới khi trở thành quận như huyện Đông Anh.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, Hà Nội hiện có 2.167 sản phẩm OCOP, để phát triển sản phẩm OCOP của Thủ đô thì cần liên kết hợp tác với các tỉnh trong cả nước để phát triển vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP và kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội với cả nước. Trong khi đó, huyện Lâm Hà có nhiều vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp bền vững có thể hợp tác với Hà Nội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Trên cơ sở hợp tác với huyện Lâm Hà, đồng chí nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác toàn diện và mang tính chiều sâu trên các lĩnh vực với tỉnh Lâm Đồng, nhất là về văn hóa-nghệ thuật, giáo dục-đào tạo…
Đồng thời, thành phố sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện Lâm Hà tại Hà Nội; tiếp tục hỗ trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện...