Hà Nội nâng cao tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia

Thời gian qua, TP Hà Nội dành nguồn lực đáng kể đầu tư cho hệ thống giáo dục và đào tạo, trong đó có việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, số trường chuẩn quốc gia của thành phố đạt tỷ lệ 71,6% nhưng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chưa đồng đều ở các cấp học, địa phương; việc bảo đảm, duy trì tiêu chí, tiêu chuẩn gặp nhiều khó khăn. Do đó, thành phố cần thực hiện những giải pháp đồng bộ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn này. 

Một tiết học tại Trường mầm non Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2020.
Một tiết học tại Trường mầm non Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2020.

Theo báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội, đến tháng 5-2020, Hà Nội đã có 1.579 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 71,6%.

Qua giám sát thực tế cho thấy, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã từng bước làm thay đổi diện mạo trường học. Các trường đạt chuẩn cơ bản có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, là môi trường học tập tốt cho học sinh Thủ đô. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy kết quả này đã vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 5-4-2012 của HĐND thành phố yêu cầu (đạt từ 65 đến 70%) nhưng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia hiện chưa đồng đều ở các cấp học, địa phương.

Cụ thể, khối trường mầm non mới có 61,5% số trường đạt chuẩn quốc gia. Đáng lưu ý, tại các quận Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm chưa có trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Một số quận, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp như: Ba Đình (50%), Mỹ Đức (59%), Phú Xuyên (55,1%), Ba Vì (48,2%).

Nguyên nhân chủ yếu do diện tích các trường trong nội thành nhỏ, cho nên chưa dành đủ diện tích làm sân chơi, nhà thể chất theo đúng quy chuẩn... Nhiều địa bàn có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, nhiều chủ đầu tư dự án khu đô thị mới không thực hiện cam kết xây trường học, không hỗ trợ kinh phí xây dựng trường công… Trong khi đó, hiện chưa có chế tài xử lý việc này.

Đối với các quận khu vực trung tâm, việc mở rộng trường với giải pháp nâng tầng để tăng diện tích sử dụng cũng gặp khó khăn, bởi Bộ Xây dựng phải xem xét từng dự án cụ thể. Cùng với đó, việc thẩm định hồ sơ xây dựng, hồ sơ phòng cháy, chữa cháy mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm tiến độ các dự án xây dựng mới và sửa chữa trường học. Các trường ở ngoại thành thiếu phòng học, phòng bộ môn, thiết bị đồ dùng dạy học… do thiếu nguồn lực đầu tư. Từ đó, kéo theo tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố chưa như mong muốn.

Để khắc phục tình trạng này, HĐND TP Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, cập nhật, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường học đáp ứng quy định trường đạt chuẩn quốc gia; phối hợp đơn vị, bộ, ban, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thủ tục cho phép nâng tầng xây dựng các trường trong khu vực nội thành, cũng như các yếu tố bảo đảm an toàn PCCC... Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trường học công lập, trong đó ưu tiên trường THPT đạt chuẩn quốc gia hiện đang đạt tỷ lệ thấp nhất. Đồng thời, có giải pháp quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị. Kiên quyết thu hồi các dự án xây dựng trường học chủ đầu tư cố tình trì hoãn. Thành phố cũng cần đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch; trụ sở các cơ quan của thành phố ra khỏi nội đô để ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học.

Ngành giáo dục và đào tạo thành phố cần tăng cường phân tuyến học sinh, hạn chế tình trạng học sinh học trái tuyến. Đồng thời, rà soát tổng thể các trường được phép nâng tầng, đề xuất cơ chế đặc thù hoặc phân cấp về thủ tục để việc xây, sửa trường học của Hà Nội được thuận lợi hơn. Bố trí đủ số lượng giáo viên đạt chuẩn, số cán bộ, nhân viên theo quy định bảo đảm chất lượng. Chăm lo đời sống, nâng cao thu nhập của giáo viên, nhất là giáo viên vùng nông thôn, miền núi, dân tộc...

Đối với khu vực ngoại thành, ngoài việc UBND các huyện bố trí vốn xây dựng trường theo thứ tự ưu tiên, UBND thành phố cần rà soát tổng thể, từ đó kiến nghị với HĐND thành phố những cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia các cấp học.