Hà Nội nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp

Sáng 1/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt, triển khai Đề án số 15-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Đề án số 15-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo và đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các cơ quan dân cử; tiếp tục thực hiện phương châm hành động của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 về “Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu quả”.

Đáng chú ý, Đề án đã đưa ra một số nhóm chỉ tiêu nổi bật như phấn đấu 100% cấp ủy quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai và quán triệt Đề án đến 100% chi bộ cơ sở trực thuộc và chi bộ, đảng viên. 100% đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hằng năm, đặc biệt quan tâm đến các đại biểu hoạt động chuyên trách. 100% đại biểu thực hiện tiếp công dân theo quy định; 100% kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Hằng năm, Thường trực Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tổ chức ít nhất 1 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề. Hằng quý, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức giao ban chuyên đề về hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã...

Thống nhất tầm quan trọng và sự cần thiết của Đề án số 15-ĐA/TU, tại hội nghị, các ý kiến cho rằng để việc triển khai đạt hiệu quả, Thành ủy Hà Nội cần phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở những nơi thực hiện chính quyền đô thị, nghiên cứu thực hiện mô hình bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân các cấp cần tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong giám sát, phản biện, tiếp công dân, nắm bắt tình hình nhân dân. Hội đồng nhân dân các cấp phải luôn đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp ngang tầm nhiệm vụ.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Đề án số 15-ĐA/TU nhằm tiếp tục đổi mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế; phát huy những kết quả tích cực đã đạt được để tạo sự chuyển biến đồng bộ, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn thành phố. Trong đó sự lãnh đạo của Đảng giữ vai trò quan trọng, sự chủ động trong hoạt động của Hội đồng nhân dân là nòng cốt.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, trong quá trình triển khai, cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn. Đặc biệt, đồng chí lưu ý, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng của Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức lấy ý kiến nhân dân và phản biện xã hội những nội dung cơ chế, chính sách của thành phố liên quan trực tiếp đông đảo người dân.