Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh thống nhất các nội dung thực hiện dự án đường Vành đai 4

NDO - Sáng 5/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Thường trực các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với quy mô 112,8km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Việc triển khai Dự án được áp dụng 4 cơ chế, chính sách đặc biệt như: Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án thành phần 3.

Các cơ quan chức năng cho phép Dự án được chia thành bảy dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh theo hình thức đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn TP Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh theo hình thức đầu tư công và dự án thành phần số ba đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công-tư.

Tại hội nghị, lãnh đạo TP Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các sở, ngành của TP Hà Nội tập trung thảo luận một số vấn đề như: Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai thuộc phạm vi Dự án; công tác lập hồ sơ địa chính và giải phóng mặt bằng; khả năng cân đối nguồn vốn, khó khăn vướng mắc trong việc cân đối nguồn vốn thực hiện Dự án của các địa phương; công tác phối hợp giữa TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh; đề xuất cơ chế chính sách kiến nghị với Trung ương; tổ chức thực hiện.

Phát biểu kết luận, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị, UBND TP Hà Nội chủ động phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên tiếp thu, hoàn thiện để Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội làm cơ sở triển khai thực hiện Dự án. Việc hoàn thiện kế hoạch phải được thực hiện đồng thời và thống nhất phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ đang được Bộ Kế hoạch-Đầu tư trình.

Đồng chí yêu cầu ngoài kế hoạch phối hợp chung, ba tỉnh, thành phố cần thiết phải có kế hoạch riêng của từng tỉnh, thành phố để phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Ban Chỉ đạo của ba địa phương cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Dự án Vành đai 4 được chia thành các dự án giải phóng mặt bằng, dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn các tỉnh, thành phố và một dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP.

Trên thực tế TP Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông thành phố lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đó, cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sớm giao đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần mà mình được giao nhiệm vụ làm cơ quan chủ quản để TP Hà Nội có thể phối hợp, cập nhật hồ sơ đối với dự án thành phần số ba đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Đồng chí yêu cầu, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc phát sinh những vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương đề nghị ba tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất gửi UBND TP Hà Nội làm đầu mối để tổng hợp, kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ để bảo đảm tiến độ.