Cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho dự án đường vành đai 4

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án có quy mô rất lớn, trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố với những đặc thù khác nhau, do đó, muốn triển khai hiệu quả dự án cần tập trung vào một số nhóm biện pháp chính.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về Báo cáo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội. (Ảnh Quang Thái)
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về Báo cáo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội. (Ảnh Quang Thái)

Việc triển khai dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và hỗ trợ rất thiết thực, mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan. Hà Nội với vai trò đầu tàu, cùng với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thể hiện quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ trong suốt thời gian qua nhằm chuẩn bị cho dự án.

Không ít khó khăn

Một số cơ chế chính sách quan trọng, có tính đặc thù, góp phần thúc đẩy tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án đã được Quốc hội thông qua. Thí dụ, như việc chia thành bảy dự án thành phần với cơ cấu nguồn vốn khác nhau; cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cho phép chuyển mục đích sử dụng của khoảng 816 ha đất trồng lúa phục vụ dự án... Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như xây dựng đường gom song hành được tách thành các dự án riêng và giao cho thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện tương ứng với các đoạn qua địa bàn phụ trách. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được giao chủ trì triển khai dự án thành phần đường cao tốc (theo hình thức BOT) trên toàn tuyến.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Đây là dự án có quy mô rất lớn, trải dài qua nhiều địa bàn với địa hình, địa chất khác nhau. Khối lượng đào đắp, giải phóng mặt bằng lớn, sơ bộ tính toán tổng khối lượng toàn tuyến khoảng 1.341ha; khối lượng đào tương ứng với khối lượng đất xả thải khoảng 2,3 triệu m3, trong đó riêng Hà Nội là khoảng 1,06 triệu m3. Khối lượng đắp nền khoảng 12,87 triệu m3, riêng Hà Nội khoảng 5,83 triệu m3.

Mặt khác, đường Vành đai 4 có giao cắt với nhiều tuyến đường quan trọng đang được khai thác sử dụng, đòi hỏi vừa phải thi công khớp nối, vừa bảo đảm khai thác vận hành tại hơn 25 nút giao với đường chính, tám nút giao liên thông. Nhiều công trình vượt sông có quy mô lớn cần triển khai đầu tư như cầu Hồng Hà, Mễ Sở (vượt sông Hồng); cầu Hoài Thượng (vượt sông Đuống). Khi thực hiện phải tiến hành thi tuyển kiến trúc công trình cầu cũng như phải bảo đảm các yêu cầu phòng, chống lũ, đê điều theo quy định.

Số lượng người dân chịu ảnh hưởng khi triển khai dự án không nhỏ. Việc tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống cho các hộ dân bị thu hồi đất là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của dự án.

Chủ động công tác chuẩn bị thi công

Với các dự án hạ tầng, công tác chuẩn bị có vai trò rất quan trọng, nhất là đại dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô lại càng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản hơn nhiều. Để triển khai thuận lợi dự án ngay từ bước đầu, Hà Nội cũng như các địa phương khác cần tập trung vào một số nhóm giải pháp. Đó là tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến người dân, nhất là những hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án, nhằm tạo được sự đồng thuận, ủng hộ sâu rộng trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. Các địa phương phải chuẩn bị tốt và đầy đủ quỹ nhà, quỹ đất tái định cư cho dự án; đa dạng chính sách bồi thường, hỗ trợ, bảo đảm nguyên tắc sau khi tái định cư, cuộc sống của người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Lưu ý khi tái định cư phải phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa, sinh hoạt của người dân.

Cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện việc xác định phạm vi chỉ giới đường đỏ toàn tuyến, tổ chức cắm mốc giới, công bố công khai cho người dân được biết. Chỉ giới đường đỏ phải bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật tuyến; hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng, tái định cư. Hạn chế ảnh hưởng đến các công trình văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng. Xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể cho toàn bộ quá trình triển khai các dự án thành phần; có cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương trong việc tổ chức thực hiện. Tổ chức triển khai ngay việc thi tuyển kiến trúc đối với các công trình cầu lớn vượt sông như Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng, làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo.

Bên cạnh đó, dự án cũng phải xác định các vị trí tập kết, xả thải vật liệu đào của dự án; đồng thời phải xác định được nguồn vật liệu đắp, bảo đảm cung ứng, đáp ứng đủ số lượng, trữ lượng, chất lượng cho dự án. Việc chuẩn bị này sẽ giúp tránh tối đa hiện tượng đội giá, thiếu vật liệu đắp như khi thi công tuyến cao tốc bắc-nam đang triển khai hiện nay. Rà soát, hoàn thiện bổ sung, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2021-2025 cũng như hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 816ha đất lúa theo chủ trương đã được Quốc hội thông qua làm cơ sở triển khai dự án. Đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ, toàn diện quá trình triển khai dự án đầu tư từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước có hiệu quả.