Toàn cảnh dự án quy mô
Ngày 24/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1) (sau đây gọi tắt là dự án) dài khoảng 112,8km gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Theo đó, dự án đi qua các địa phận TP Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km); được quy hoạch thành 6-8 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị song hành hai bên. Quá trình giải phóng mặt bằng có giải phóng mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai.
Tổng mức đầu tư của dự án trong giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) là 85.813 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là đầu tư công kết hợp đối tác công tư (PPP); trong đó, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Về ngân sách thực hiện, Nghị quyết cho phép sử dụng phần vốn Nhà nước tham gia tối đa là 66% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án, phần còn lại lấy từ nguồn điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và từ nguồn của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Dự án chia thành bảy dự án thành phần, thực hiện từ năm 2022 đến năm 2026, trong đó chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Theo kế hoạch sơ bộ, dự án sẽ sử dụng 1.341ha đất, trong đó đất trồng lúa khoảng 816ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258ha, đất dân cư khoảng 58ha và đất khác khoảng 209ha.
Quốc hội giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.
Trước đó, tại diễn đàn Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/5 đến ngày 16/6/2022, dự án lớn đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1) đã được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư trước Quốc hội, sau đó đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, tại hội trường trước khi được thông qua.
Kỳ vọng sớm có đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được thực hiện đồng thời với dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, là hai dự án giao thông quan trọng của quốc gia trong giai đoạn hiện tại và được người dân đồng tình ủng hộ.
GS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương) nhận định, việc triển khai các dự án này mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp, gián tiếp to lớn, do có thêm nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học… Ông Trí nói rằng, việc đầu tư để hoàn thành hai dự án này hết sức cần thiết, cấp bách, hữu hiệu và mong dự án sớm được triển khai.
Trao đổi với phóng viên Thời Nay, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, đường vành đai 4 sẽ tạo ra tính chất liên kết Thủ đô với các tỉnh trong vùng Thủ đô. Không chỉ Hà Nội, mà cực phát triển sẽ lan tỏa thành các điểm phát triển trong vùng. Thêm nữa, có vành đai 4 chạy qua, các nguồn lực bên cạnh sẽ có điều kiện để đầu tư phát triển, thí dụ các trung tâm công nghiệp, thương mại, trung tâm đô thị… và sẽ mang lại nguồn lực phát triển rất cao.
Ông Cường nói thêm rằng, hiện, Hà Nội đã có đường vành đai 3 nhưng vẫn bị áp lực ùn tắc giao thông rất cao, chứng tỏ nhu cầu giao thông qua lại tại khu vực này rất lớn. Nếu tình trạng này không được đáp ứng bằng việc mở rộng đường vành đai 4 thì không chỉ tạo ra áp lực cho nội thành Hà Nội, mà còn cản trở hoạt động lưu thông mang tính quốc gia.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Ths quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, vành đai 4 là dự án chiến lược, mang đến động lực vô cùng mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế Bắc Bộ, vùng Thủ đô nói chung và Hà Nội nói riêng. Với vành đai 4, vùng Thủ đô với Hà Nội là hạt nhân trung tâm sẽ hoàn toàn chủ động điều tiết được giao thông liên vùng trong nhiều tình huống bất ngờ. “Quốc hội cũng như Chính phủ đang có những quyết sách mạnh mẽ, đúng hướng, góp phần thúc đẩy tiến độ dự án ngay từ khâu thủ tục. Tôi tin dự án sẽ sớm được khởi công và về đích đúng hẹn”, ông Thành nói.
Lo ngại “sốt” đất, chậm giải phóng mặt bằng…
Ngay khi được bàn bạc tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đã lo ngại khâu giải phóng mặt bằng của dự án sẽ chậm tiến độ như nhiều dự án trước đó. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, các địa phương, bộ, ngành cần tập trung, có cơ chế thống nhất để giải quyết vấn đề mặt bằng, nếu cách làm không đổi mới thì rất khó để bảo đảm tiến độ. Trong các dự án này, cần xem giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ số một, nếu chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng có thể khiến dự án đội vốn lên rất cao.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi thảo luận tại tổ sáng ngày 6/6 nhấn mạnh, việc phân chia dự án thành bảy dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công sẽ tháo gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, dự án có diện tích đất chiếm dụng chủ yếu là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường.
Một vấn đề nữa là, dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã biến hàng nghìn ha đất nông nghiệp, đất ở… thành “đất vàng”, “đất bạc”. Theo ghi nhận của PV báo Thời Nay, ngay sau khi những thông tin đầu tiên về “siêu dự án” này được hé lộ, đất ở khu vực này nhích lên từng ngày, có thời điểm có khu vực được định giá cao ngất ngưởng lên tới 150 triệu đồng/m2.
Về vấn đề này, GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hiện nay chưa có quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mà giá đất bị “thổi” lên như vậy là bất thường, không có cơ sở. Việc người dân đổ xô đi mua đất theo phong trào, theo tâm lý đám đông, có thể có người có lợi ích, nhưng cũng không ít người sẽ phải chịu rủi ro. Bởi vì, khi có quy hoạch chi tiết, đất khu vực đó có thể không nằm trong quy hoạch. Ngoài ra, kể cả đất thuộc diện quy hoạch thì giá đền bù giải phóng mặt bằng phải theo chính sách của Nhà nước, lấy bảng giá nhân với hệ số điều chỉnh, không có chuyện giá đền bù lên đến hàng trăm triệu đồng/m2.
Ngoài hai vấn đề trên, chuyên gia cũng lưu ý một số vấn đề để đóng góp ý kiến cho việc thực hiện dự án được hiệu quả. GS Nguyễn Anh Trí lưu ý, trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể bảo đảm con đường sử dụng được khoảng 100 năm. Cần phải coi con đường là bất động sản đặc biệt của quốc gia, vì vậy phải làm cho thật tốt, thật chất lượng. GS Trí cũng đề nghị xem xét thời gian thu phí hoàn vốn là 30 năm (thay vì 21 năm như đề xuất ban đầu), để giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư và giảm giá thu phí đường cho nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, trong thiết kế dự án cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, các tuyến giao thông đang có. Đồng thời, cần có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để bảo đảm việc đi lại, làm ăn của người dân.