Hà Nội hiện thực hóa khát vọng vươn xa

Hà Nội vào thu, trên những con phố chung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, vẹn nguyên những địa danh gợi lại khí thế hào hùng của mùa thu Tháng Tám năm 1945. Từ phố Tràng Tiền, Quảng trường Nhà hát Lớn, tòa nhà Bắc Bộ phủ (nay là nhà khách Chính phủ)… đâu đó vọng tới những giai điệu đi cùng năm tháng trong ca khúc Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, cảm nhận niềm tự hào và khát vọng vươn lên.
0:00 / 0:00
0:00
Đường phố Thủ đô rực rỡ cờ hoa, băng-rôn chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Đường phố Thủ đô rực rỡ cờ hoa, băng-rôn chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. (Ảnh THẾ ĐẠI)

“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội,...”.

79 năm kể từ mùa thu năm ấy, Hà Nội luôn mang trong mình lớp “trầm tích” kết tinh của nền văn hiến nghìn năm, với ánh sáng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, khởi nguồn những mốc son rực rỡ trong lịch sử dân tộc và cách mạng. Hà Nội anh hùng hôm qua là động lực để Hà Nội phát triển hôm nay, viết tiếp những khúc ca tươi mới.

Nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”

Ca từ cất lên như dành riêng cho Hoàn Kiếm, nơi hội tụ và kết tinh văn hóa, truyền thống lịch sử của Thăng Long-Hà Nội. Nơi lưu giữ 190 di tích nổi tiếng, có giá trị lịch sử văn hóa lâu đời, như quần thể di tích hồ Gươm-đền Ngọc Sơn-đền Bà Kiệu, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê… đến di tích cách mạng Nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, tại số 101 phố Trần Hưng Đạo, Nhà 48 phố Hàng Ngang..., cùng với không gian đặc sắc “băm sáu phố phường” hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống.

Tuy là đơn vị hành chính có diện tích nhỏ nhất thành phố, nhưng quận Hoàn Kiếm là trung tâm thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô. Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, xây dựng con người Hoàn Kiếm trong thời đại mới xứng với lịch sử ngàn năm, luôn là trăn trở của Đảng bộ, chính quyền nơi đây.

Điểm mấu chốt để tạo động lực, theo đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm, trước hết là yếu tố con người. Nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị luôn được cấp ủy quan tâm. Từ đó, nhiều việc ưu tiên đã được giải quyết, như khắc phục sự chật chội của bộ phận “một cửa” tại các phường trên địa bàn quận.

Tháng 10/2023, quận triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công số 1 tại phường Trần Hưng Đạo, trên cơ sở ghép các bộ phận “một cửa” của ba phường gần nhau: Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Hàng Trống nhằm tập trung nhân lực, cơ sở vật chất, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Trải nghiệm dịch vụ công tại đây, chị Lê Diễm Ngọc ở phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng hài lòng chia sẻ, chỉ khoảng 15 phút, chị đã chứng thực xong một số văn bản cần thiết trong không gian công sở hiện đại, văn minh, tinh thần làm việc chuyên nghiệp, thái độ thân thiện. Từ hiệu quả mô hình, quận đã xây dựng thêm hai trung tâm hành chính công cấp phường.

79 năm kể từ mùa thu năm ấy, Hà Nội luôn mang trong mình lớp “trầm tích” kết tinh của nền văn hiến nghìn năm, với ánh sáng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, khởi nguồn những mốc son rực rỡ trong lịch sử dân tộc và cách mạng. Hà Nội anh hùng hôm qua là động lực để Hà Nội phát triển hôm nay, viết tiếp những khúc ca tươi mới.

Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ nhân dân ở địa bàn đất chật, người đông luôn là vấn đề nóng trong các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền quận Hoàn Kiếm. Trong đó, không ít trường học có diện tích nhỏ, hẹp, không đáp ứng các tiêu chí trường chuẩn quốc gia... Có khi, học sinh phải học nhờ trong di tích, khu dân cư. Từ thực tế đó, quận đề xuất thành phố thu hồi các khu đất sau khi các cơ quan, đơn vị di dời để xây dựng trường học, như Trường THCS Lê Lợi được di dời từ 17 Nguyễn Thiện Thuật về địa điểm mới ở 18 phố Hàng Khoai.

Với năm tầng nổi, hai tầng hầm; 15 phòng học và các phòng bộ môn được trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục toàn diện. Trong năm 2024, quận tiến hành giải phóng mặt bằng các khu nhà gỗ ở phường Chương Dương để xây dựng trường mầm non; thu hồi đất tại các phố: Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và Phan Huy Chú để triển khai dự án xây dựng Trường tiểu học Võ Thị Sáu.

Hướng đến phục vụ nhân dân, chính quyền quận đã huy động các nguồn lực xã hội hóa, tạo điều kiện cho các nhóm hoạt động xã hội, đoàn thể và người dân cải tạo những không gian hoang hóa, lấn chiếm đổ rác thải bừa bãi, thành những không gian hữu ích phục vụ cộng đồng với chi phí thấp nhất. Nhờ đó, người dân sinh sống tại địa bàn phường Chương Dương, Phúc Tân ngoài đê sông Hồng đã có hai khu công viên rộng hàng nghìn mét vuông làm nơi tập luyện thể thao, thư giãn hằng ngày.

Công sở văn minh, cư dân nghĩa tình

Từ sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945, địa danh Ba Đình đã được chọn để đặt tên vườn hoa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, và sau đó trở thành tên quận. Vùng “địa linh nhân kiệt” nay là Trung tâm hành chính-chính trị quốc gia, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động chính trị, đối ngoại của Đảng, Nhà nước với hàng trăm kỳ, cuộc quan trọng mỗi năm. Xây dựng công sở văn minh, cư dân nghĩa tình xứng với vị thế của Ba Đình, luôn là mục tiêu được cán bộ, đảng viên và nhân dân quyết tâm, đồng hành và chung sức.

Tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính phường Vĩnh Phúc, không khí làm việc khẩn trương, chuyên nghiệp. Cán bộ đeo thẻ công chức, tận tình hướng dẫn kê khai thủ tục hành chính. Người dân lấy số thứ tự, ngồi chờ đến lượt và nhận giấy hẹn trả kết quả. Theo Bí thư Đảng ủy Phạm Thị Thu Hường, đội ngũ cán bộ, công chức được bảo đảm trình độ chuyên môn, làm việc với tinh thần hành chính phục vụ, nghiêm túc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử tại cơ quan, nơi công cộng và nơi cư trú.

Có sự quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng thời gian làm việc, nhất là ngay sau các kỳ nghỉ, cơ quan Đảng ủy - UBND phường luôn khẩn trương triển khai công việc, không để chậm trễ, được cán bộ cơ sở và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Phường Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng của Ba Đình trong cải cách hành chính bởi có nhiều sáng kiến, giải pháp, cách làm hay phát huy hiệu quả phục vụ nhân dân, như các mô hình “Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”, “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ”, “Hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử và triển khai thực hiện giải quyết các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu”; “Một tài khoản - ngàn tiện ích”.

Mới đây, UBND phường tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “VNeID - siêu ứng dụng - siêu tiện ích”, nhằm tuyên truyền lợi ích khi sử dụng ứng dụng VNeID thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hay mô hình “Trích lục hộ tịch hai không” trong cấp bản sao trích lục hộ tịch.

Hai không (công dân không kê khai, cán bộ không hẹn lại), nghĩa là thủ tục được xử lý, giải quyết tại chỗ, người dân chỉ đến một lần, hoàn thành và nhận kết quả ngay. Hai mô hình đưa vào áp dụng thể hiện ý thức và hành động xây dựng nền hành chính phục vụ, cùng người dân thụ hưởng trọn vẹn lợi ích do dịch vụ công đem lại. Với những nỗ lực không ngừng, chỉ số PAR-INDEX của phường Vĩnh Phúc liên tục được nâng lên, từ 93,72%, xếp thứ 8/14 phường của quận Ba Đình (năm 2021), lên 98,79%, xếp thứ 2/14 (năm 2023).

Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, song song tạo dựng môi trường văn hóa công sở đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nhân văn, tận tâm thực thi công vụ, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức quận Ba Đình luôn nêu gương trong giao tiếp, ứng xử, mẫu mực trong gia đình và cộng đồng, cùng người dân lan tỏa các giá trị người Hà Nội.

Xây dựng người Ba Đình văn minh thanh lịch, nghiêm túc nghĩa tình trong thời kỳ mới được đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển Thủ đô “Văn hiến-văn minh-hiện đại”. Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội đúc kết từ bao đời, nay được khơi dậy và tiếp tục phát huy.

Song song tạo dựng môi trường văn hóa công sở đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nhân văn, tận tâm thực thi công vụ, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức quận Ba Đình luôn nêu gương trong giao tiếp, ứng xử, mẫu mực trong gia đình và cộng đồng, cùng người dân lan tỏa các giá trị người Hà Nội.

Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến

Theo đó, từ cấp ủy đến mỗi người dân Ba Đình cùng hướng tới nâng cao nhận thức về giá trị gia đình để cùng dung dưỡng, đắp bồi, làm nền tảng khôi phục, kế thừa, phát huy truyền thống Thăng Long-Hà Nội; xây dựng thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh, lễ phép, lịch sự, trọng tình nghĩa, đạo lý.

Học sinh, sinh viên được tiếp cận với môn “Hà Nội học” để cùng hoàn thiện các tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn. Mỗi công dân quận Ba Đình phấn đấu trở thành một đại sứ hình ảnh, với ứng xử tinh tế, thân thiện, hiếu khách, cùng bồi đắp giá trị người Hà Nội cao về trí tuệ, đẹp về nhân cách, xứng đáng là công dân Thủ đô.

Sẵn sàng “cất cánh”

Tập trung hoàn thành các tiêu chí đưa huyện Đông Anh trở thành quận, nhiều đề án, chương trình đã được triển khai thực hiện hiệu quả từ đầu nhiệm kỳ. Trong đó, năm 2022, Huyện ủy Đông Anh đã ban hành Nghị quyết về quyết tâm, phấn đấu hoàn thành “5 có, 3 không” tại các thôn làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện. 5 có bao gồm: nhà văn hóa; công viên mini, điểm sinh hoạt cộng đồng; sân bóng đá; điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh; điểm thu gom tập kết phế thải xây dựng. 3 không gồm: không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng; không ô nhiễm môi trường và không có hộ nghèo. Quá trình thực hiện, Huyện ủy Đông Anh đã bổ sung tiêu chí về hạ tầng giao thông.

Diện mạo vùng đất kinh đô cổ xưa bên bờ bắc sông Hồng đang từng ngày thay đổi. Những khu đô thị khang trang, sầm uất cùng những thôn làng có cảnh quan sạch đẹp, giữa những cánh đồng xanh hút tầm mắt. Các làng quê Đông Anh với đầy đủ thiết chế văn hóa, ao hồ, công viên, cây xanh, không khí sinh hoạt văn hóa, thể thao sôi động, khách tham quan cảm nhận không gian sinh hoạt của làng quê trong phố và nếp sống đô thị hiện hữu ngay trong làng.

Nhiều khu, cụm công nghiệp lớn hoạt động trên địa bàn, như Khu công nghiệp Thăng Long, đạt tỷ lệ lấp đầy 100% và là khu công nghiệp có tính ổn định, phát triển bền vững hàng đầu cả nước. Đông Anh đã quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung đối với một số sản phẩm chủ lực như lúa, rau an toàn, hoa cây cảnh… được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, được cấp mã vùng và ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20 triệu đồng/năm (năm 2010), lên 78,88 triệu đồng (năm 2023). UBND huyện Đông Anh đã hoàn thiện tiêu chí và đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn Huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Hiện tại, có 3 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống là Thăng Long, Nhật Tân, Đông Trù kết nối Đông Anh với đô thị lõi trung tâm Thủ đô. Nhiều dự án lớn mang tầm quốc gia và quốc tế đã được phê duyệt là hành động cụ thể hiện thực hóa tầm nhìn phát triển, góp phần hoàn thiện hạ tầng và các tiêu chí đô thị hiện đại sẵn sàng đưa Đông Anh trở thành quận của Thủ đô Hà Nội.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Cường, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới có sự đồng tình ủng hộ rất lớn từ doanh nghiệp, tổ chức, và người dân, đóng góp hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, nhân dân 6 xã thực hiện dồn điền, đổi thửa đã ủng hộ hơn 48 ha đất nông nghiệp để làm đường giao thông, thủy lợi; hiến 1.519 m2 đất thổ cư và ủng hộ hơn 302 nghìn ngày công...

Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội là chuyển nguyên trạng huyện thành quận, xã thành phường, không thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, không làm tăng thêm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bộ máy chính quyền quận, phường sẽ được tổ chức phù hợp để thực hiện chức năng quản lý đô thị đáp ứng yêu cầu đô thị hóa, phát triển kinh tế-xã hội tại quận Đông Anh trong tương lai.

Có sự đồng hành của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo không khí phấn khởi, lạc quan, là động lực để các tầng lớp nhân dân chung tay đưa huyện Đông Anh “cất cánh”. Đến thời điểm này, huyện Đông Anh đã hoàn thành các tiêu chí theo quy định, đồng thời phối hợp Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch-Kiến trúc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng xem xét, công nhận các tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, làm cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận.

Hà Nội hôm qua trong Hà Nội hôm nay, với tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới. Tại cuộc làm việc mới đây với Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh yếu tố năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trên 5 trụ cột: văn hóa và con người; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới xây dựng Thủ đô văn hiến, thanh bình và thịnh vượng, thành phố kết nối toàn cầu.