Hà Nội đón giao thừa trong yên bình, ấm cúng

NDO -

Tối 31/1, tức đêm Giao thừa Tết Nhâm Dân, thời tiết tại Hà Nội rét buốt. Năm nay, để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thành phố không tổ chức điểm bắn pháo hoa và các điểm biểu diễn nghệ thuật công cộng.

Hồ Hoàn Kiếm vẫn là điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô mỗi khi Tết đến, xuân về. (Ảnh: Thành Đạt)
Hồ Hoàn Kiếm vẫn là điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô mỗi khi Tết đến, xuân về. (Ảnh: Thành Đạt)

Nhưng từ khoảng 20 giờ, nhiều người đã đổ ra các tuyến đường lớn, đến khu vực trung tâm để vui xuân. Hồ Hoàn Kiếm vẫn là điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô mỗi khi Tết đến, xuân về. Từ sau 21 giờ, dòng người đến khu vực hồ Hoàn Kiếm đông hơn, tuy nhiên vẫn vắng hơn các năm trước rất nhiều. Nhiều người đi bộ chung quanh hồ, chụp ảnh kỷ niệm tại những tiểu cảnh về linh vật hổ, về hoa xuân... do UBND quận Hoàn Kiếm trang trí.

Do thời tiết không thuận lợi, cộng với đề phòng dịch bệnh nên phần lớn người dân Thủ đô chọn cách đón Giao thừa tại nhà, quây quần bên gia đình; thưởng thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật qua truyền hình.

Trong dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật, nổi bật trong đó là các chương trình: “Tết đón xuân về” do Nhà hát Múa rối Thăng Long thực hiện được phát sóng từ 22 giờ đêm Giao thừa trên Truyền hình Nhân Dân; chương trình ca nhạc Chào mừng xuân Nhâm Dần do Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Hà Nội thực hiện và phát sóng trên Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội...

Mặc dù không có các hoạt động đón Giao thừa sôi nổi như mọi năm, nhưng người dân Thủ đô đón năm mới trong không khí ấm cúng, đậm chất truyền thống. Mọi người đều tràn đầy tin tưởng đất nước và Thủ đô sớm vượt qua dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, đạt và vượt những chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2022.

Tết sẻ chia