Dự hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; các đồng chí Uỷ viên T.Ư Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong quý I-2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng rất lớn. Dù tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn duy trì, song các chỉ tiêu đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Do đó, lãnh đạo TP Hà Nội mong muốn thông qua đối thoại để nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp chỉ đạo xử lý kịp thời và ban hành những chính sách phù hợp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đã nhanh chóng, tích cực triển khai các giải pháp điều hành phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Trong đó, đã xây dựng ba kịch bản làm cơ sở ban hành và triển khai các giải pháp. Một là hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh và duy trì trật tự an toàn xã hội. Hai là triển khai thực hiện nghiêm túc 07 nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 bằng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 gồm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng Công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546 nghìn tỷ đồng)… Thành phố cũng triển khai các hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo…
Trao đổi tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu nhiều kiến nghị về hỗ trợ thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, triển khai cụ thể và kéo dài các gói, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, vì dịch Covid-19, các lĩnh vực du lịch, khách sạn, sân gôn... của Tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề. Đề nghị giảm mức thuế doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong năm 2020, không tính doanh thu khoản phí phục vụ, áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 0% hoặc giảm 50%, miễn thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong năm 2020. Đối với các công trình xây dựng trọng điểm, đề nghị cần đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho xe vận chuyển nguyên vật liệu, công nhân... để nhanh chóng hoàn thành. Với các dự án đầu tư xây dựng có tầm ảnh hưởng lớn, tác động mạnh đến kinh tế Thủ đô cần được hỗ trợ đẩy nhanh quá trình thủ tục hành chính, cho khởi công tạo động lực phát triển nhanh.
Chủ tịch Tập đoàn T&T, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội Đỗ Quang Hiển mong muốn sẽ có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về cách tiếp cận các chính sách, các gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố Hà Nội. Thành phố hiện có nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thực tế là doanh nghiệp rất khó tiếp cận, mong thành phố ưu tiên, sử dụng hiệu quả các quỹ này. Đồng thời hỗ trợ giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đại diện Tập đoàn FLC mong ngành thuế có hướng dẫn cụ thể về việc tính thuế. Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, nhưng ảnh hưởng của dịch Covid còn kéo dài, trong khi các hỗ trợ này chỉ trong thời gian ngắn nên mong sẽ được kéo dài hơn thời gian được gia hạn và các chính sách hỗ trợ mạnh hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tập đoàn Central Retail mong thành phố tạo điều kiện, đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bỏ bớt các giấy phép “con” để doanh nghiệp FDI có thể triển khai được các dự án đầu tư.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị các sở, ban, ngành, ngân hàng thương mại phối hợp chặt chẽ các hiệp hội doanh nghiệp triển khai, giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình thực thi tốt hơn. Đề nghị Hà Nội đẩy mạnh hoạt động đầu tư, cả với các dự án đầu tư công, đầu tư tư nhân và dự án đối tác công – tư..., huy động mọi nguồn lực để có thể tái khởi động nguồn kinh tế trong thời gian tới. Tiếp tục cải cách, loại bỏ các thủ tục chồng chéo, không cần thiết trong đầu tư kinh doanh sản xuất.
Sau khi nghe các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã thay mặt lãnh đạo thành phố tiếp thu, ghi nhận. Thành phố hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện cho các xe vận chuyển thực phẩm thiết yếu, máy móc, vật tư cho các công trường xây dựng,... Nhưng trước khi vào cần kiểm tra y tế, phun khử khuẩn tại các chốt giao thông. Cho phép các công trường bảo đảm an toàn lao động, trang thiết bị phòng hộ, số lượng công nhân, lịch sử dịch tễ... đáp ứng yêu cầu chống dịch được triển khai. Cam kết sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp, rà soát 1.818 thủ tục hành chính, 82% ở mức độ 3 và mức độ 4. Đặt mục tiêu trong tháng 4-2020 sẽ 100% mức độ 4. Một số dự án trên địa bàn mà doanh nghiệp kiến nghị sẽ triển khai trong thời gian tới. Các quỹ, gói hỗ trợ của thành phố sẽ được xem xét để triển khai hiệu quả nhất.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Phương án tối ưu nhất là từ khi công bố hết dịch vẫn cần cách ly thêm hai tuần để thực sự bảo đảm an toàn. Do đó, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp không quá sốt ruột bởi thực tế cho thấy, sau các đợt khủng hoảng thì kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại”.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, TP Hà Nội cam kết sẽ làm tốt hơn công tác phòng chống dịch, trên nguyên tắc đặt sức khoẻ của người dân lên hàng đầu, làm tiền đề cho việc phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới. Với các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng chỉ đạo một cách kịp thời, kiên quyết, đúng đối tượng, bảo đảm công khai minh bạch, tuyệt đối không được có tiêu cực nào trong bộ máy chính quyền trong triển khai chính sách hỗ trợ này. Sẽ xử phạt nghiêm những cán bộ, bộ phận nào vi phạm.
Với những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, thành phố sẽ xem xét, xử lý kịp thời, giao từng đơn vị, bộ phận cụ thể xem xét giải quyết. Với những kiến nghị vượt thẩm quyền, thành phố sẽ báo cáo chính phủ. Hà Nội cam kết tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với hoạt động cách ly xã hội, có thể sẽ nới lỏng một phần cho phù hợp tình hình. Trong đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đầu tư công, các dự án đầu tư tư nhân và đối tác công tư, làm việc với các bộ ngành liên quan để đẩy mạnh hoạt động có ưu thế trong điều kiện hiện nay như công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị y tế, thương mại trực tuyến... để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. “Doanh nghiệp khi gặp những khó khăn, vướng mắc hoặc bị gây phiền toái thì có thể gửi phản ánh về Thành uỷ, UBND thành phố. Mong cộng đồng doanh nghiệp chung tay, ủng hộ và đồng hành cùng thành phố vượt qua giai đoạn này” – Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.