Hà Nội đề nghị có cơ chế đủ mạnh để thu hồi đất các dự án vi phạm

Ngày 23/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố và lấy ý kiến góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề.
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề.

Báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết: Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách hằng năm khoảng 20.000-28.000 tỷ đồng, chiếm 15-18% tổng nguồn thu ngân sách thành phố.

Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức 3.179 đoàn thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác quản lý đất đai. Qua thanh tra, thành phố đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỷ đồng và hơn 1.855 ha đất, kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời cần có quy định, chế tài đủ mạnh để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, vi phạm pháp luật về đất đai ...

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến (lần 1) tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm nay. Góp ý vào Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất là vấn đề đặc biệt quan trọng, vì vậy trong quá trình sửa đổi, các nhà hoạch định chính sách cần quy định cụ thể để hạn chế khiếu nại, tố cáo và tham nhũng, tiêu cực từ đất đai. Luật sửa đổi cần tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập hiện nay, có tầm nhìn chiến lược để phát huy được tiềm năng, nguồn lực từ đất đai.

Các nội dung liên quan đến công tác quản lý đất đai; hành vi cấm, xử phạt vi phạm; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư; hệ thống cơ sở dữ liệu, quyền tiếp cận thông tin về đất đai; sự đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật khác cũng được các cử tri quan tâm kiến nghị.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: Quốc hội rất thận trọng, kỹ lưỡng trong chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai. 11 ý kiến góp ý tại hội nghị hôm nay đều khẳng định tính chất đặc biệt quan trọng của Luật Đất đai trong cuộc sống. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý đất đai thời gian qua và đóng góp những ý kiến xác đáng để nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần giữ gìn và phát huy nguồn lực từ đất. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.