Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Ngay từ những tháng đầu năm 2024, Thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công cả năm đạt hơn 95%.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công tuyến đường song hành dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua quận Hà Ðông. (Ảnh Ðăng Anh)
Thi công tuyến đường song hành dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua quận Hà Ðông. (Ảnh Ðăng Anh)

Năm 2024, dự kiến, nhiều dự án đầu tư công quan trọng trên địa bàn thành phố sẽ về đích, trong đó có dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội-giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67.900 m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Ðông.

Quy mô dự án gồm một khối nhà cao sáu tầng có hai đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Ðến nay, dự án đã giải ngân 45,4% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý III.

Trong tháng 5/2024, dự kiến dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng sẽ hoàn thành và đưa vào bàn giao sử dụng. Dự án này được khởi công vào tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, đến hết quý I năm 2024 đã giải ngân được 73,2% kế hoạch vốn...

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa-xã hội Thành phố Hà Nội, công trình Cung Thiếu nhi mới được xây dựng theo thiết kế kiến trúc mang phong cách hiện đại, gần gũi với thiên nhiên. Các nhà thầu đang huy động tối đa máy móc, nhân lực tập trung hoàn thiện hạ tầng quanh công trình và lắp đặt thiết bị để đưa vào sử dụng.

Cùng với đó, các dự án trọng điểm khác cũng đang được các nhà đầu tư quyết liệt triển khai. Trên tuyến đường song hành dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, các đơn vị đang tổ chức 32 mũi thi công, gồm 23 mũi thi công đường và chín mũi thi công cầu. Ðến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12.600 tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,6%.

Năm 2024, Hà Nội được giao là 81.033 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng hơn 72,3% so với kế hoạch đầu năm 2023; khối lượng các công trình, dự án là rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, cấp thành phố được giao 47.410 tỷ đồng, cấp huyện được giao 33.102 tỷ đồng và chi đầu tư trở lại cho các quận, huyện, thị xã từ tiền thuê đất trả tiền một lần là 521 tỷ đồng. Với quy mô vốn đầu tư công được giao này, thành phố xác định cần nỗ lực triển khai ngay từ những ngày đầu năm để có thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, ước tính quý I/2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 9.800 tỷ đồng, đạt 12,6% kế hoạch năm, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân (HÐND) Thành phố Hà Nội khóa 16 đã quyết nghị điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

HÐND thành phố thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư 25 dự án thuộc lĩnh vực giao thông đô thị, văn hóa-xã hội, thủy lợi, đê điều... Ðây đều là những dự án cấp thiết, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai một số dự án vẫn còn nhiều vướng mắc. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều hạn chế; một số dự án sử dụng vốn ODA vướng mắc do gia hạn hiệp định vay, thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, năng lực một số nhà thầu hạn chế. Các dự án thuộc lĩnh vực di tích gặp nhiều khó khăn do nhiều thủ tục đầu tư. Nguồn thu từ đất của một số quận, huyện còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách của cấp huyện. Theo thống kê, hiện vốn đầu tư công cấp thành phố vẫn còn 18.792 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.

Năm 2024, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao, hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 kéo dài sang năm 2024.

Ðể có thể triển khai khối lượng công việc lớn này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng yêu cầu, cần khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong khâu tổ chức thực hiện dự án, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư. Trên cơ sở danh mục dự án trong giai đoạn 2024-2025 còn lại, thành phố tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm, rà soát, thống kê phân loại rõ số lượng dự án đã phê duyệt chủ trương, đã phê duyệt dự án; đánh giá tiến độ thực hiện của từng dự án; xác định cụ thể nguyên nhân chậm triển khai trong từng khâu và đề xuất giải pháp cụ thể.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu rà soát các dự án không có khả năng triển khai để cắt giảm và tập trung nguồn lực bố trí vốn cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, giải quyết dân sinh bức xúc như ùn tắc giao thông; xây dựng nông thôn mới; đường sắt đô thị; đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các chương trình cung cấp nước sạch, xử lý nước thải... Thành phố tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp của từng cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, coi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là một trong các tiêu chí quan trọng để xem xét đánh giá, xếp loại cuối năm.