Hà Nội chú trọng cải thiện chỉ số PCI

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Hà Nội đạt 67,15 điểm, tuy có tăng 0,41 điểm so với năm 2022, nhưng đã giảm tám bậc, từ vị trí 20 xuống vị trí thứ 28 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thành phố đang nỗ lực triển khai những giải pháp để vực dậy chỉ số PCI, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện công nghệ cao của Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh TUỆ NGHI)
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện công nghệ cao của Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh TUỆ NGHI)

Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Hà Nội vẫn đạt điểm cao với những chỉ số được coi là thế mạnh. Nổi bật nhất là chỉ số thành phần “đào tạo lao động”, đạt 7,43 điểm, đứng cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố, tăng hai bậc so với năm 2022.

Nhiều chỉ số giảm điểm

Qua điều tra hơn 700 doanh nghiệp về đánh giá PCI, khi được hỏi về việc tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp đều nhận định, Hà Nội là địa phương có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp tuyển dụng cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giám sát. Đồng thời, Hà Nội cũng được doanh nghiệp đánh giá cao về các điểm thành phần “giáo dục dạy nghề” hay “giáo dục phổ thông” có chất lượng tốt.

“Nhìn chung, chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, nguồn lực là một thế mạnh của Thủ đô. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc thu hút FDI, nhà đầu tư có chất lượng cao”, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận định.

Trong bảng xếp hạng chỉ số PCI, Hà Nội có nhiều năm liền nằm trong nhóm có điểm cao về chỉ số “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, năm 2023 đạt 7,38 điểm, đứng thứ 6 cả nước (tăng ba bậc so với năm trước). Khi các doanh nghiệp được hỏi về các thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp như tiếp cận tín dụng, tư vấn pháp luật, thông tin thị trường, hoạt động đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp…, đều đánh giá Hà Nội đã có chuyển biến tích cực.

Chỉ số minh bạch thông tin, việc ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố cũng được đánh giá tương đối tốt. 52% số doanh nghiệp được hỏi cho biết thường xuyên truy cập website của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tỷ lệ xếp hạng thứ 14/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh những điểm mạnh mang tính “truyền thống” nêu trên, Hà Nội có nhiều chỉ số giảm điểm, giảm bậc. Trong đó, về chỉ số “gia nhập thị trường”, Hà Nội xếp thứ 54 trong số 63 tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân khách quan của điểm số này là do khối lượng công việc quá lớn.

Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Văn Tình cho biết, trung bình mỗi ngày làm việc, mỗi cán bộ của Phòng Đăng ký kinh doanh phải tiếp nhận, xử lý khoảng 37 hồ sơ, bình quân mỗi ngày Phòng Đăng ký kinh doanh phải tiếp nhận, xử lý tổng cộng khoảng 1.050 lượt hồ sơ, cao gấp 5 lần số lượng hồ sơ mà Phòng Đăng ký kinh doanh các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp nhận và xử lý.

Các doanh nghiệp cũng đánh giá, một số lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, quản lý thị trường, bảo hiểm xã hội… của Hà Nội còn nhiều vướng mắc, bất cập. Khảo sát của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp nhận định, thủ tục hành chính về đất đai tại Hà Nội ở cả cấp thành phố và cấp huyện, cấp xã, chưa được cải cách đáng kể.

Đại diện Công ty cổ phần HTC Toàn Cầu cho biết, trong quá trình triển khai dự án Cụm công nghiệp Vân Từ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan đất đai, nhưng chính quyền và các ngành chức năng xử lý kéo dài, khiến vốn đầu tư của doanh nghiệp bị tồn đọng, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, thái độ giao tiếp, ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức của thành phố chưa đúng mực, gây bức xúc đối với công dân. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải thừa nhận, những hạn chế này đã khiến thành phố giảm sức cạnh tranh so với các tỉnh, thành phố khác.

Phấn đấu quay trở lại tốp 20

Trước tình trạng chỉ số PCI năm 2023 bị tụt hạng sâu, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch nâng cao PCI nhằm cải thiện rõ nét môi trường đầu tư, kinh doanh; phấn đấu nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Cụ thể, Hà Nội yêu cầu các đơn vị duy trì thứ bậc chỉ số “đào tạo lao động”, tăng ba bậc trở lên đối với chỉ số “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, tăng năm bậc trở lên đối với chỉ số “tính minh bạch”, tăng 10 bậc trở lên đối với bảy chỉ số còn lại.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho rằng, thành phố cần tiếp tục tập trung đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ và đổi mới cách làm, mạnh dạn thí điểm những mô hình, cách làm mới, tạo đột phá về kết quả, hiệu quả trong từng nội dung, lĩnh vực.

Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ cơ bản những điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là thể chế liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Để quay trở lại tốp 20 về chỉ số PCI cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Hà Nội đã tăng cường chấn chỉnh thái độ, tác phong làm việc của cán bộ.

Thành phố đã ban hành hàng loạt kế hoạch, chỉ thị, văn bản chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc, các văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở và gần 1.200 văn bản đôn đốc; thành lập tổ công tác kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Qua đó, góp phần giảm 12% số lượng các nhiệm vụ quá hạn so với trước khi thành lập tổ công tác.

Cùng với yếu tố con người, Hà Nội cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, cải cách hành chính như đưa vào sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến; sử dụng tài khoản, chữ ký số và văn phòng điện tử để giải quyết công việc một cách nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, nâng cao số dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Mới đây, thành phố đã đưa vào sử dụng ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi), thiết lập kênh tương tác theo thời gian thực giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền để lắng nghe kịp thời và xử lý nhanh nhất mọi kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp.

Hằng tháng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công khai kết quả Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp để các đơn vị biết, qua đó, phát huy những kết quả đạt được và khẩn trương khắc phục những tiêu chí đạt tỷ lệ thấp.

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, đồng hành, trong năm 2024, Hà Nội lần lượt tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp; làng nghề; doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-xã hội; doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, môi trường nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Với những vướng mắc về chính sách mà các doanh nghiệp nêu, thành phố xem xét, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền. Những vấn đề quá thẩm quyền được thành phố báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết.

Đơn cử, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội phản ánh gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, gây chậm tiến độ. Để tháo gỡ khó khăn này, thành phố đã triển khai giao đất từng đợt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi công xây dựng phần diện tích đất đã có mặt bằng sạch. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan rút ngắn 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng cụm công nghiệp để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Nhờ những nỗ lực này, kinh tế Thủ đô duy trì mức tăng trưởng khá, Hà Nội vẫn là điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Trong đó, tám tháng năm 2024, thành phố đã thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023; 20.400 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 198,7 nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trên cơ sở kết quả đánh giá chỉ số PCI, các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, phân tích, đánh giá kỹ từng tiêu chí thành phần, xác định rõ những nội dung đã đạt được, nội dung nào chưa đạt, nguyên nhân gốc rễ là gì, trách nhiệm thuộc đơn vị hay cá nhân nào.

Từ đó, đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục, cải thiện điểm số, xây dựng hình ảnh của đơn vị mình và của thành phố trong “Xây dựng chính quyền phục vụ-Lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”.