Hàng nghìn cây xanh đổ ngã, nhiều công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Sau cơn càn quét của bão số 3, Hà Nội chịu nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân tại nhiều địa bàn, nhiều cây cổ thụ, gắn liền với nhiều di tích lịch sử như Cây đa cổ thụ tại khu vực đền Bà Kiệu; khu vực vườn hoa Con Cóc và khu vực vườn hoa trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước, nhiều cây cổ thụ bị bão đánh bật gốc. Hàng cây xanh trên phố Phan Đình Phùng cũng hoang tàn sau cuồng phong của bão.
Nhiều cây cổ thụ bị bão đánh bật gốc. (Ảnh: DUY LINH) |
Tính đến sáng 8/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thành phố Hà Nội đã thống kê có 14.660 cây xanh bị đổ và gãy cành. Trong đó, cây bị đổ là 14.272 cây. Nhiều cây chắn ngang đường gây ách tắc giao thông.
Hiện nay, để giải tỏa cây xanh chắn đường, ngõ, đè lên nhà dân, ngoài lực lượng của Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, chính quyền các địa phương còn huy động lực lượng tại chỗ, gồm: công an, dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên… khẩn trương cưa, cắt cành, thu dọn để hạn chế ùn tắc. Một số địa bàn lực lượng quân đội cũng tham gia cùng nhân dân xử lý hậu quả của cây xanh đổ, gãy.
Khẩn trương khắc phục hậu quả, cứu người mắc kẹt, mất tích trong bão số 3
Hiện tại đường Nguyễn Chí Thanh bị nhiều cây lớn đổ sập chặn ngang đường, lực lượng chức năng đang điều phối giao thông nhập làn đường. |
Tại quận Hoàn Kiếm, theo thống kê, tính đến 6 giờ ngày 8/9, bão số 3 đã khiến 286 cây xanh trên địa bàn gãy đổ, 22 cây xanh bị gãy cành lớn, rải rác tại 18 phường... Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực vườn hoa Con Cóc và khu vực vườn hoa trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước, nhiều cây cổ thụ bị bão đánh bật gốc; công tác khắc phục hậu quả đang được các lực lượng khẩn trương triển khai.
Cây đa cổ thụ tại khu vực đền Bà Kiệu bị gãy đổ khiến nhiều người dân và du khách tiếc nuối. (Ảnh: DUY LINH) |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, sáng 8/9, trên địa bàn phường Phúc La, quận Hà Đông có hơn 200 cây xanh bị bão quật ngã, 3 cột điện bị đổ. Đặc biệt ở khu vực gần chung cư Xa La, nhiều cây xanh đổ ngã chắn ngang đường, gây cản trở giao thông, khiến các phương tiện di chuyển chậm, thậm chí phải chuyển sang làn đường đối diện.
100% quân số, gồm toàn bộ cán bộ công chức, lực lượng an ninh cơ sở, công an phường, dân quân tự vệ tại phường Phúc La, quận Hà Đông thu dọn cây đổ. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Ông Nguyễn Duy Mạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc La, quận Hà Đông cho biết, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão, ngày từ lúc 4 giờ 30 phút sáng 8/9 sau khi bão đi qua, phường đã huy động 100% quân số, gồm toàn bộ cán bộ công chức, lực lượng an ninh cơ sở, công an phường, dân quân tự vệ.
Cùng tham gia có các cán bộ, chiến sĩ, học viên của Học viện Quân y. Các lực lượng này được chia làm 5 tổ thực hiện công tác xử lý hậu quả bão số 3 gây ra, mục tiêu giảm thiểu thiệt hại tối đa cho người dân và thông các tuyến đường trên địa bàn để người dân thuận tiện đi lại.
Cây xanh đổ tại khu vực chung cư Thanh Hà (Cự Khê, Thanh Oai). (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Tại khu vực chung cư Thanh Hà (Cự Khê, Thanh Oai), hàng trăm cây xanh bị quật ngã, bật gốc, nằm chắn ngang đường, do các trận cuồng phong bão số 3. Ngay trước cửa một trường mầm non tư thục, một cây lớn bị bật gốc, đổ rạp làm gãy một cột điện chiếu sáng ven đường.
Trong khi chờ đợi lực lượng chức năng xử lý, cư dân tại đây cũng đã chủ động tham gia cắt tỉa cành cây, dọn dẹp, bước đầu khắc phục hậu quả.
Theo ghi nhận của phóng viên, cơn mưa kéo dài ngày qua đã khiến một số điểm bị ngập úng. Tại Khu đô thị Thanh Hà, khu vực bị ngập kéo dài khoảng 200-300m. Ngõ 230 Định Công, Thanh Xuân có hiện tượng ngập úng nhẹ.
Tại Khu đô thị Thanh Hà, khu vực bị ngập kéo dài khoảng 200-300m. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Ngập tại ngõ 230 Định Công. (Ảnh: HÀ NAM) |
Trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Nhân Dân tại đường Nguyễn Chí Thanh, ông Lê Mạnh Hùng Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông tin: "Chúng tôi đã huy động 100% lực lượng để xử lý các sự cố về giao thông, hướng dẫn bảo đảm giao thông, phối hợp các đơn vị xử lý tình trạng ảnh hưởng đến di chuyển. Công tác này được triển khai từ 17 giờ chiều thứ 6 (6/9) đến khi tình hình ổn định với gần 200 chốt bảo đảm giao thông".
Cắt tỉa cành cây để giải tỏa giao thông cho nhiều tuyến đường. (Ảnh: TRUNG HIẾU) |
Bà Vũ Thị Thêu, Quận Ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Giảng Võ, Quận Ba Đình cho biết, từ đêm 7/9, lực lượng tại chỗ đã triển khai các hoạt động dọn dẹp cưa, cắt các cây đổ làm ảnh hưởng đến giao thông và người dân. "Trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng để giải tỏa giao thông trên các tuyến đường bị ảnh hưởng cho cây cối đổ gãy".
Nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão
Tối 7/9, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thực hiện Điện của Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố, các quận, huyện, thị ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kịp thời thực hiện tốt các biện pháp cấp bách để phòng, chống bão số 3.
Các quận, huyện, thị xã đã kịp thời di dời người dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhà yếu, nơi có nguy cơ đổ sập; bố trí nơi tránh trú an toàn; bố trí các lực lượng ứng trực kịp thời xử lý các sự cố, hỗ trợ người dân trong mưa bão; duy trì thông suốt các cơ sở hạ tầng thiết yếu; bảo đảm an ninh an toàn.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, thành phố Hà Nội đêm 7, rạng sáng 8/9 có mưa to, kèm dông lốc. Lượng mưa đo được cao từ 15 giờ 30 phút chiều 7/9 đến 5 giờ sáng ngày 8/9 tại các quận, huyện đều ở trên mức 100mm. Cao nhất là tại Hoàng Mai 208,6mm; Mỹ Đức 240,8mm; Quốc Oai 225,6mm, Hà Đông 220,4mm; Nam Từ Liêm và Hai Bà Trưng (đều trên 200mm).
Công nhân thoát nước làm nhiệm vụ tại đường Nguyễn Xiển sáng sớm 8/9. |
Tại thời điểm 5 giờ sáng nay, theo kiểm tra của Công ty thoát nước Hà Nội, địa bàn Hà Nội vẫn còn một số điểm ngập úng, cụ thể: Lưu vực sông Cầu Bây: Các điểm Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều có hiện tượng dềnh nước nhẹ do mực nước sông Cầu Bây cao ( mực nước tại Đập Trại lợn 4.05m)
Lưu vực sông Nhuệ: Chân cầu HH2 (đường Nguyễn Công Trác), Triều Khúc, Các hầm chui Đại lộ Thăng Long số 3, số 5, số 9+656 ngập 15-20cm. Hiện Công ty đang bố trí bơm di động, xe hút.
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công thương, ghi nhận thông tin nhanh sáng 8/9 cho thấy, tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau củ nhìn chung tăng nhẹ, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thủy sản vẫn giữ giá ổn định so với ngày thường. Nguồn cung tương đối bảo đảm nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.
Lực lượng chức năng phân luồng giao thông an toàn cho người dân. (Ảnh: TRUNG HIẾU) |
Tại các siêu thị tại các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão vẫn mở cửa liên tục, hàng hóa thực phẩm tương đối nhiều.
Tính đến 9 giờ sáng ngày hôm nay, hệ thống các siêu thị lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn các hàng hóa thiết yếu như rau củ quả, thịt lợn, thịt gà... đầy ắp trên các quầy kệ.
Theo báo cáo từ Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) và các đơn vị, do ảnh hưởng của bão số 3, đã xảy ra rất nhiều sự cố lưới điện, gây mất điện diện rộng tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng.
Công ty Điện lực Tây Hồ triển khai phương án khắc phục sự cố sau bão số 3. |
Tại Hà Nội, có 2 sự cố đường dây 110kV nhưng không gây mất điện cho phụ tải, 91 đường dây trung áp bị ảnh hưởng. Cùng với lực lượng chức năng, hơn 3.000 thợ điện của ngành điện Thủ đô sẵn sàng ứng trực, đồng thời tranh thủ, khẩn trương khắc phục các sự cố.
Ngay trong đêm sau khi mưa ngớt, nhân viên các công ty điện lực trực thuộc EVNHANOI đã túc trực, khẩn trương khắc phục các đường dây, cột điện gặp sự cố, bảo đảm cung ứng điện an toàn và ổn định cho người dân.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, từ ngày 8 đến 9/9, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía bắc, với lượng mưa trung bình 24 giờ có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm. Nguy cơ cao xảy lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương.
Cảnh báo nguy cơ úng ngập sau bão. (Ảnh: HÀ NAM) |
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, bão số 3 có thể suy yếu, nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các cấp, các ngành là phải bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước. Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ.
Các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì nhân dân; nhanh chóng khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra để bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...; duy trì lực lượng ứng trực 24/24 giờ hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố.