Kịch bản chi tiết cách ly, điều trị và tiêm chủng vaccine
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 675 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 257 ca nhiễm trong cộng đồng. Các cơ sở y tế của thành phố đang điều trị cho 379 bệnh tại bốn bệnh viện.
Trong những ngày vừa qua, trung bình mỗi ngày Hà Nội phát hiện từ 50 đến 60 trường hợp mắc Covid-19. Dự báo, trong những ngày tới có thể tăng tiếp do chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, một số trường hợp nhiễm bệnh ngoài cộng đồng, không có triệu chứng, được phát hiện qua khám sàng lọc.
Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn dịch bệnh từ 5.000 đến 50.000 giường bệnh, Sở đã chuẩn bị và kích hoạt ba tầng điều trị.
Cụ thể, tầng 1 điều trị các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Thành phố sẽ kích hoạt bệnh viện dã chiến đặt tại các khu cách ly tập trung để thu dung điều trị.
Tầng 2 điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình có bệnh nền tại các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện, thị xã để điều trị.
Tầng 3 điều trị các bệnh nhân nặng và rất nặng, phải thở máy và lọc máu tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Ngoài hệ thống y tế công lập của Hà Nội, thành phố huy động các cơ sở y tế ngoài công lập, các bệnh viện của trung ương, bộ, ngành và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Sở Y tế xác định, việc phân luồng bệnh nhân vô cùng quan trọng để có cách điều trị các bệnh nhân. Thành phố quyết tâm hạ tỷ lệ số người tử vong do Covid-19 xuống thấp nhất.
Về công tác tiêm vacine, Sở Y tế cho biết, tính đến ngày 23/7, Hà Nội đã tiêm hơn 211 nghìn mũi vaccine cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng ưu tiên. Thành phố triển khai kế hoạch tiêm với chỉ tiêu từ 100 nghìn đến 200 nghìn mũi 1/ngày; bố trí từ 1.000 đến 1.200 dây truyền tiêm tại các trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Các bệnh nhân có bệnh nền, có tiền sử dị ứng sẽ được tiêm tại các bệnh viện-nơi có đủ trang thiết bị để sẵn sàng cấp cứu nếu có biến chứng xảy ra. Theo kế hoạch, đến tháng 3/2022, sẽ tiêm xong cho khoảng 70% số dân Thủ đô.
Tạm thời cấm "shipper" giao hàng
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết, Sở tổ chức lại giao thông vận tải trên địa bàn. Trong đó chỉ có ba đối tượng được ưu tiên đi lại trong thời gian giãn cách gồm:
Một là, xe chở hàng bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa trên “luồng xanh” quốc gia, có lộ trình đi qua thành phố Hà Nội. Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, các tuyến xe sẽ chạy theo đường vành đai 3 và đi các tỉnh, không chạy vào trung tâm thành phố.
Thứ hai là xe chở hàng hóa thiết yếu cho thành phố Hà Nội của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và phục vụ các công trình xây dựng…
Thứ ba là xe chở người và các phương tiện phục vụ, hoạt động công vụ cho các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công trình công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hiện nay thành phố đang tổ chức 22 chốt kiểm dịch tại các tuyến đường cửa ngõ. Sở Giao thông vận tải sẽ bố trí thêm 30 chốt của thành phố và 26 chốt quận, huyện, thị xã để bảo đảm kiểm soát hoạt động theo đúng quy định. Để giải quyết tình trạng ùn tắc ở một số chốt, Sở đang phối hợp để tổ chức chốt thành nhiều lớp.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Để bảo đảm an toàn cho nhân dân, thành phố tạm dừng hoạt động nhân viên giao hàng (shipper) bởi chưa kiểm soát được lực lượng này. Ngay sau đây Sở Giao thông vận tải sẽ có văn bản chính thức và gửi đến các đơn vị công nghệ kết nối loại hình dịch vụ này để triển khai nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của thành phố.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đang triển khai phương án 5 với mức hàng dự trữ tăng ba lần so với các tháng bình thường, với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu. Hiện nay nguồn cung hàng hóa đã được doanh nghiệp triển khai, thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo thành phố, lượng dự trữ tăng từ 30-50%.
Từ khi có Công điện 15 của thành phố, các đơn vị phân phối tiếp tục đưa hàng về với lượng hàng bày bán tại quầy kệ và kho hàng trung tâm tăng 30%; bố trí nhân lực triển khai bán hàng hoặc bán hàng trực tuyến.
Ngay sáng 24/7, thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, hàng hóa với giá bán giữ ổn định, sức mua tăng từ 15 đến 30% so với ngày thường. Các chợ dân sinh chấp hành nghiêm quy định của thành phố chỉ bán mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh; nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá.