Hà Nam xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

NDO -

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng quá trình lưu thông hàng hóa, việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và tiêu thụ sản phẩm đã góp phần giúp các Hợp tác xã trao đổi, kết nối các nhà cung cấp, bán lẻ trên thị trường để tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.  

Các đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm. (Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG)
Các đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm. (Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG)

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các Hợp tác xã năm 2021 do Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam tổ chức ngày 21/12, đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng để quá trình sản xuất ngày càng phát triển là các bên cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung cầu hàng hóa.  

Đồng chí đề nghị Liên minh Hợp tác xã Hà Nam làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua các sàn giao dịch điện tử. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các kênh truyền thông trong nước.   

Các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình tiêu biểu trong tổ chức sản xuất và kết nối sản xuất-tiêu thụ sản phẩm của các Hợp tác xã, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để hoạt động kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng hiệu quả như: xây dựng hình ảnh, thương hiệu, mẫu mã, bao bì; các giải pháp chế biến sau bảo quản; những khó khăn trong việc quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm; xây dựng sàn thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho Hợp tác xã; nâng cao năng lực quản trị,  đổi mới công nghệ trong sản xuất, quản lý… 

Tuy nhiên, quá trình triển khai hoạt động kết nối giao thương giữa Hà Nam và các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do sản xuất các mặt hàng nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, việc quản lý chất lượng sản phẩm trong quá trình trồng trọt và lưu thông còn hạn chế; giá đầu vào một số loại vật tư thiết yếu phục vụ cho sản xuất tăng cao do tác động của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các Hợp tác xã, hộ thành viên.    

Tại hội nghị, có nhiều ý kiến trao đổi kinh nghiệm xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm giữa các Hợp tác xã với các địa phương nhất là các tỉnh, thành phố có nguồn cung hàng hóa đa dạng, dồi dào, hình thành chuỗi liên kết hàng hóa chặt chẽ, bảo đảm sự minh bạch về xuất xứ hàng hóa và an toàn thực phẩm, từng bước phát triển thương hiệu hàng hóa của Hà Nam với người tiêu dùng trong nước.  

Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam cho biết: Các hợp tác xã đang gặp rất nhiều khó khăn, giá sản phẩm vật tư đầu vào tăng, nhưng đầu ra cho các sản phẩm có xu hướng giảm. Để giúp các Hợp tác xã vượt qua khó khăn của đại dịch, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh tuyên truyền cho các cấp ủy đảng nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã, đồng thời xây dựng các mô hình theo chuỗi giữa các Hợp tác xã với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho Hợp tác xã.  

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề nghị các Hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất và quản lý, điều hành; từng bước tự động hóa các dây chuyển sản xuất, tận dụng các nền tảng mạng xã hội để đổi mới phương thức kinh doanh từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến.

Cùng với tập trung đẩy mạnh sản xuất, cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất hữu cơ, an toàn, tăng tính cạnh tranh sản phẩm, phù hợp với xu hướng thương mại toàn cầu.