Hà Nam tập trung khắc phục hậu quả bão số 3

NDO - Ngày 8/9, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra tại huyện Thanh Liêm và huyện Bình Lục, kiểm tra công tác vận hành bơm tiêu úng tại Trạm bơm Võ Giang (huyện Thanh Liêm, Trạm bơm Triệu Xá (thành phố Phủ Lý).
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy kiểm tra lúa bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại thị trấn Bình Mỹ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy kiểm tra lúa bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại thị trấn Bình Mỹ.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại tỉnh Hà Nam có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9. Tính từ thời điểm bắt đầu cơn bão (7 giờ ngày 6/9 đến 7 giờ ngày 8/9) tổng lượng mưa trung bình trên địa bàn là 155mm.

Mưa to, gió lớn đã khiến 14 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 10.800ha lúa bị đổ, hơn 430ha hoa màu, rau màu bị dập nát, nhiều cột điện, đèn trang trí và chiếu sáng, biển quảng cáo bị hư hỏng, nhiều cây xanh bị gãy, đổ.

Trên địa bàn tỉnh đã tổ chức di dời 496 hộ bị ảnh hưởng đến khu vực an toàn. Các đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 122 máy bơm tiêu thoát nước.

Hà Nam tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 ảnh 1

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy chỉ đạo tiêu úng tại trạm bơm Võ Giang (Thanh Liêm).

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục những thiệt hại do bão gây ra.

Các địa phương có diện tích lúa và rau màu thiệt hại nặng khẩn trương tiêu rút nước đệm trong đồng; đồng thời, chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ dựng lúa gãy đổ, đề phòng mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản xuất lúa mùa và rau màu hè thu.

Các địa phương, đơn vị không được chủ quan với tình hình mưa lũ sau bão số 3.

Hà Nam tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 ảnh 2
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy chỉ đạo tiêu úng tại trạm bơm Võ Giang.

Các trạm bơm tiếp tục bơm tiêu úng và bơm tối đa nước đệm; đặc biệt là các khu vực có diện tích lúa bị ngập cần bơm tích cực, để bảo đảm an toàn cho diện tích lúa; bố trí các máy bơm hợp lý và có phương án đề phòng đối với trường hợp khi trời tiếp tục mưa, nước từ đầu nguồn xả về để chủ động xử lý tình huống, không để xảy ra tình trạng ngập úng, bảo vệ mùa màng cho nhân dân.