Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bão số 3 bắt đầu đổ bộ từ trưa 7/9, tâm bão ảnh hưởng trực tiếp bắt đầu từ 14 giờ đến 20 giờ 30 ngày 7/9.
Lượng mưa trung bình từ 19 giờ ngày 6/9 đến 7 giờ ngày 8/9 đạt 118,7mm. Hiện, hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh ổn định. Không có người chết do mưa bão.
Dù đã chuẩn bị ứng phó ở mức độ cao nhất, song do bão có cường độ mạnh đã khiến nhiều công trình, diện tích nông nghiệp, cây xanh trên địa bàn Bắc Ninh bị thiệt hại.
Hơn 8.000ha lúa bị úng ngập
Theo thống kê đến 7 giờ sáng 8/9, toàn tỉnh có 560 công trình nhà cấp 4, công trình phụ của nhân dân bị tốc mái; trường học, chợ dân sinh có 31 công trình bị hư hỏng, tốc mái.
Đáng chú ý, diện tích lúa mùa đang trong giai đoạn trổ bông đã bị bão làm đổ, gây úng ngập hơn 8.200ha. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là thị xã Thuận Thành 2.800ha; thị xã Quế Võ: 2.000ha. Diện tích cây rau màu, gồm phần lớn là cà rốt, dưa, chuối, măng trúc… bị thiệt hại hơn 555ha.
Nhiều biển báo, đèn quảng cáo trên các tuyến đường bị bão số làm đổ, gãy. |
Tổng số nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng trên toàn tỉnh là 80.000m2; gần 7.500 cây xanh, cây bóng mát bị đổ gẫy.
Bão số 3 với cường độ gió lớn, lượng mưa nhiều cũng đã khiến 42 lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các huyện Gia Bình và Thuận Thành bị hư hỏng.
Bà Nguyễn Thị Huyền, ở Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, cho biết: Sống hơn 30 năm tại Bắc Ninh, đây là cơn bão lớn nhất mà tôi từng chứng kiến đổ bộ vào tỉnh. Thời gian bão vào lâu, kèm gió mạnh làm nhiều cây xanh trong khu vực bật gốc.
Rất may nhờ chính quyền thường xuyên nhắc nhở, neo chống nhà phòng chống trước khi bão về và yêu cầu không đi ra khỏi nhà khi mưa bão nên gia đình tôi vẫn bình yên sau bão.
Mưa bão đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về vật chất. |
Hiện, mực nước các triền sông trong tỉnh đều đang ở mức thấp dưới báo động I. Toàn tỉnh có 93/521 máy bơm đang hoạt động bơm tiêu và tiêu nước đệm theo quy trình.
Nhanh chóng khắc phục sự cố, ổn định đời sống người dân
Do ảnh hưởng của mưa bão, từ 16 giờ 30 ngày 7/9 đến nay, nhiều khu vực trong toàn tỉnh Bắc Ninh bị mất điện và đến nay chưa có trở lại. Nguyên nhân do 7 đường dây 110KV bị sự cố không vận hành được; 1 trạm biến áp 110KV tại Khu công nghiệp Quế Võ 2 bị mất điện.
127/280 đường dây trung áp bị sự cố, trong đó có 23/130 đường dây cấp cho khu công nghiệp, 104/150 đường dây cấp cho dân sinh; 61 trạm bơm tiêu úng bị mất điện không vận hành được.
Lực lượng chức năng cùng người dân nhanh chóng cắt cây, tỉa cảnh bảo đảm giao thông. |
Tại các điểm sụt lún nứt gãy mặt đê trên bờ hữu Ngũ Huyện Khê (thuộc địa bàn xã Phú Lâm, huyện Tiên Du) và bờ tả thuộc địa bàn xã Long Châu, huyện Yên Phong bị lún, sụt và sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài 25m, các lực lượng chức năng đang khẩn trương gia cố, xử lý.
Bắc Ninh di dời khẩn cấp 40 hộ dân ở khu tập thể cũ xuống cấp tránh bão
Ngay sau khi phát hiện sự cố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với chính quyền các địa phương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Đuống trực tiếp kiểm tra và lên phương án xử lý tạm thời bằng giải pháp đắp bao tải đất chống sạt trượt, cắm biển cảnh báo, canh gác không cho người dân đi lại tại khu vực xảy ra sự cố.
Nhiều tuyến đường vẫn trong tình trạng ngập úng. |
Do hoàn lưu của bão, tại Bắc Ninh hiện vẫn có mưa lớn diễn ra trên diện rộng, gây ngập úng tại nhiều điểm. Tại thành phố Bắc Ninh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tuyến đường Huyền Quang, Kinh Dương Vương, Nguyễn Cao, Ngọc Hân Công Chúa hiện vẫn trong tình trạng ngập úng. Tại nhiều tuyến đường cây xanh bị đổ, biển quảng báo bị rơi chưa di dời.
Tỉnh Bắc Ninh đã và đang huy động các lực lượng khẩn trương khắc phục thiệt hại gây ra. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, bám sát cơ sở và chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt tốt và kịp thời tình hình sau bão để có biện pháp kịp thời và xử lý, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống của người dân.
Xuyên đêm cắt cây tỉa cành sau bão. |
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân có phương án khắc phục sự cố, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Công an tỉnh thành lập 9 Tổ công tác bao gồm: Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy; Cảnh sát Giao thông; Cảnh sát Cơ động; Công an các huyện, thị xã, thành phố… tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân tại các địa phương.
Bắc Ninh: Học sinh nghỉ học, hoãn hàng loạt sự kiện quan trọng, tập trung chống bão
Về sự cố điện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu Công ty Điện lực Bắc Ninh tiếp tục ứng trực toàn hệ thống điện với tinh thần cao nhất, tập trung khắc phục tối đa các sự cố do bão số 3 gây ra. Trong đó, tập trung đảm bảo điện cao nhất cho các bệnh viện, cơ sở sản xuất đặc biệt quan trọng, các trạm bơm, điểm mục tiêu thông tin truyền thông và an ninh quốc phòng. Đồng chí lưu ý, khi khắc phục được sự cố, đóng điện trở lại phải bảo đảm an toàn về kỹ thuật; bảo đảm an toàn điện.
Để kịp thời ứng phó với bão số 3, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 7 Đoàn kiểm tra công tác triển khai ứng phó tại các địa phương trên toàn tỉnh. Thành lập nhóm zalo gồm các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo và thông tin kịp thời diễn biến.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thành lập 4 Đoàn kiểm tra ứng phó và xử lý khắc phục hậu quả bão số 3; yêu cầu các đơn vị thuộc sở tổ chức trực 100% quân số để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai do bão gây ra.