Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam được củng cố, sắp xếp theo hướng tập trung ngành, nghề trọng điểm. Điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang từng bước được nâng lên đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động
Năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Nam tổ chức thi tốt nghiệp cho 18.240 người trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề. Nhờ đó tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 73%, trong đó lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp đạt 57%.
Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh dưới các hình thức tọa đàm trực tiếp với các doanh nghiệp về tuyển dụng lao động và yêu cầu sử dụng lao động tại các nhà trường, thông qua bộ phận tuyển sinh và giới thiệu việc làm trên cơ sở thông báo tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp
Theo số liệu từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, hiện toàn tỉnh có hơn 85 nghìn lao động đã qua đào tạo, trong đó số lao động đạt chuyên môn bậc cao và bậc trung đạt hơn 15 nghìn người.
Thực hiện mục tiêu của tỉnh Hà Nam đến năm 2025 trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại, Kế hoạch phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 100.000 người.
Trong đó, trình độ cao đẳng 3.450 người, trung cấp 11.850 người, sơ cấp 28.200 người và đào tạo thường xuyên 56.500 người.
Những ngành nghề được tập trung chủ yếu là ngành, nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, logistic, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…; ít nhất có 90% có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 60%.
Giờ học thực hành của học sinh trường Cao đẳng nghề Hà Nam. |
Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam cho biết: Để hoàn thành kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, tỉnh đang tập trung đổi mới, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp về chương trình, giáo trình đào tạo, phát triển đội ngũ quản lý, nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Tỉnh Hà Nam đang tập trung đổi mới, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp về chương trình, giáo trình đào tạo, phát triển đội ngũ quản lý, nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam
Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông để thực hiện hiệu quả phân luồng học sinh phục vụ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; đào tạo nhân lực chất lượng cao; tăng ngành nghề đào tạo, tăng quy mô đào tạo hệ Cao đẳng, trung cấp, giảm trình độ sơ cấp. Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu và là xu hướng phát triển
Tỉnh Hà Nam xác định, đào tạo nghề gắn với nhu cầu và là xu hướng phát triển của xã hội, nên tỉnh đã có cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.
Xây dựng các mô hình ký kết, liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung-cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động.
Trường Cao đẳng nghề Hà Nam xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. |
Ông Vũ Hữu Ý Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam cho biết: Hiện Trường đang đào tạo đa ngành, đa nghề với 6 chương trình đào tạo cao đẳng, 9 chương trình đào tạo trung cấp, 12 chương trình đào tạo sơ cấp và thường xuyên với quy mô hơn 3.500 người/năm. Trong đó, tập trung vào các nghề trọng điểm như: Điện công nghiệp; công nghệ ô-tô; công nghệ kỹ thuật cơ khí/ hàn; công nghệ thông tin; quản trị mạng máy tính; kế toán; logistics…
Cùng với cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại, một trong những yếu tố tạo nên uy tín, thương hiệu của Trường chính là chất lượng đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Trường đạt trình độ chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Chương trình đào tạo được xây dựng, cập nhật bổ sung hằng năm theo định hướng tiếp cận năng lực người học, nhu cầu xã hội. Thời gian thực hành, thực tập lên tới 70% tổng thời gian thực học toàn khóa.
Việc Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp có thể coi là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp và thị trường.
Hiện, Trường đã xây dựng mạng lưới gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với hàng trăm doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp FDI. Trường coi trọng hoạt động hợp tác đưa sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, tiến tới xây dựng “học kỳ doanh nghiệp”.
Qua đó, giúp học sinh, sinh viên có cơ hội được nâng cao trình độ, rèn nghề, trải nghiệm công việc thực tế và được hỗ trợ tiền lương ngay trong quá trình thực tập, khi có sản phẩm bảo đảm yêu cầu của doanh nghiệp. Trường cũng thực hiện tốt công tác khảo sát nhu cầu lao động, tư vấn và giới thiệu việc làm cho học sinh sinh viên. Tỷ lệ học sinh sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 90%.
Trường cũng thực hiện tốt công tác khảo sát nhu cầu lao động, tư vấn và giới thiệu việc làm cho học sinh sinh viên. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt hơn 90%.
Ông Vũ Hữu Ý Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam
Mặc dù thực tế, nhiều gia đình đã thừa nhận, học nghề là con đường ngắn nhất để con em mình có việc làm, có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay, tâm lý của nhiều phụ huynh và học sinh đối với vấn đề cho con em mình đi học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp thay vì học ở các trường đại học còn nhiều băn khoăn, lưỡng lự vì chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp.
Công tác phân luồng, hướng nghiệp để thu hút học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Đội ngũ giáo viên một số nghề kỹ thuật cao còn thiếu. Nguồn nhân lực cho đào tạo nghề còn hạn chế. Tại một số đơn vị, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề còn thiếu, chưa tương xứng với quy mô và yêu cầu đào tạo hiện nay.
Thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề, về vai trò, vị trí của đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.