Với tinh thần không để lớp học bị xáo trộn vì thiếu giáo viên, gây tâm lý hoang mang trong học sinh và phụ huynh, cùng với việc chờ nguồn biên chế sẽ được bổ sung, các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã chủ động triển khai phương án tổ chức sắp xếp để khắc phục những khó khăn do thiếu giáo viên cho năm học mới.
Ngay từ đầu năm học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Nam thực hiện phương châm sử dụng đội ngũ theo hướng tiết kiệm tối đa; bảo đảm đúng biên chế được giao.
Một số cơ sở giáo dục bố trí dồn lớp học sinh để khắc phục tạm thời tình trạng thiếu giáo viên; các Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường bố trí giáo viên dạy liên trường để bảo đảm cơ cấu giáo viên cho các nhà trường.
100% các trường tiểu học và trung học cơ sở bố trí 1 giáo viên phụ trách công tác Đội.
Giờ học của học sinh lớp 1 Trường tiểu học thị trấn Quế, huyện Kim Bảng. |
Cũng như các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh, huyện Kim Bảng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp phân công, bố trí, sắp xếp giáo viên để khắc phục những khó khăn về đội ngũ. Mặc dù vậy, năm học này, huyện vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên ở một số trường.
Ông Phạm Xuân Trực, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thị trấn Quế, huyện Kim Bảng cho biết: Năm học này, nhà trường thiếu một số giáo viên bộ môn, nhưng đến nay, trường đã cơ bản bố trí đủ số giáo viên dạy các môn chung và các môn chuyên biệt, môn ít giờ theo quy định của Bộ.
Thị xã Duy Tiên là địa bàn có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp hoạt động, thu hút hàng nghìn công nhân, lao động tới sinh sống và làm việc, dân số cơ học tăng nhanh, nhu cầu về chỗ học của học sinh các cấp học luôn đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục thị xã không ít áp lực cần giải quyết. Đến thời điểm này, thị xã Duy Tiên còn thiếu 553 giáo viên ở cả 3 cấp.
Ông Bùi Đình Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Duy Tiên cho biết: Với yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp, ngành giáo dục thị xã đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn linh hoạt sắp xếp lớp học trong điều kiện số giáo viên hiện có.
Trước mắt, để việc dạy và học của các khối lớp ổn định ngay từ đầu năm học, các trường đã thực hiện dồn lớp, phân công chuyên môn, trong đó giáo viên có thể sẽ phải tăng số giờ, số lớp. Lãnh đạo nhiều trường cũng phải tham gia đứng lớp để có thể bảo đảm thực hiện tốt các nội dung, chương trình năm học. Tuy nhiên, hiện các nhà trường đều phải đối diện với những khó khăn đặt ra khi sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định chung.
Cô và trò trường tiểu học Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý. |
Năm học này, ngành giáo dục Hà Nam có 12.038 người, trong đó có 888 cán bộ quản lý, 10.356 giáo viên và 794 nhân viên làm chuyên môn nghiệp vụ. Theo quy định, đến thời điểm này, tỉnh Hà Nam còn thiếu khoảng 1.500 giáo viên so với nhu cầu sử dụng giáo viên theo định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Để bảo đảm đội ngũ cho năm học, tỉnh Hà Nam đang tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục để bổ sung đủ giáo viên, nhân viên so với biên chế được giao năm 2023.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam cho biết: Để khắc phục tình trạng còn thiếu giáo viên trong năm học ở các cấp học trong tỉnh, Sở chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, trường Trung học phổ thông tiếp tục thực hiện rà soát, linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, ưu tiên bảo đảm số lượng giáo viên theo định mức quy định đối với những khối, lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; điều động hoặc bố trí dạy liên trường để bảo đảm cơ cấu giáo viên ở các đơn vị.
Đồng thời, ngành tiếp tục tham mưu, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tuyển dụng đối với giáo viên để bổ sung cho các nhà trường theo chỉ tiêu biên chế được giao, bảo đảm số lượng giáo viên cho các cấp học trong năm học 2023-2024 theo định mức biên chế quy định.