Đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp

Với lợi thế về địa lý, trình độ dân trí cũng như nguồn lao động dồi dào, khu vực nam đồng bằng sông Hồng gồm Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình thời gian qua thu hút được mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư. Hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh đã đóng góp đáng kể cho ngân sách, đồng thời giải quyết việc làm của lao động tại chỗ. Nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề cao, làm việc tại các khu công nghiệp theo đó cũng tăng lên.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nghề may tại Trường trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật và Du lịch Ninh Bình. (Ảnh TRẦN TRUNG)
Đào tạo nghề may tại Trường trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật và Du lịch Ninh Bình. (Ảnh TRẦN TRUNG)

Đây được coi là vấn đề cấp thiết, tuy nhiên, trên thực tế, công tác này ở các địa phương vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, lực lượng lao động vừa thừa, vừa thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Gần đây, các tỉnh trong khu vực đã nhìn ra vấn đề và chú trọng đào tạo nghề hướng tới thực chất.

Khó khăn trong đào tạo nghề

Thời gian qua, chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cho doanh nghiệp luôn được các địa phương chú trọng. Đây được xem là “điểm cộng” trong thu hút đầu tư ở các địa phương trong vùng, song công tác đào tạo nghề của các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, số lượng lao động có tay nghề cao còn thiếu hụt.

Tại Ninh Bình, một số lĩnh vực cần nguồn lao động chất lượng cao chưa được đào tạo tại địa phương, như lập trình viên, kỹ sư công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI),... Bên cạnh đó, việc liên kết đào tạo còn hạn chế, các trường của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chưa có những ngành đào tạo chuyên sâu lao động chất lượng cao.

Nhiều lao động trẻ thiếu các kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng quản lý thời gian, quản lý công việc, một số người chưa có mục tiêu trong công việc, kỹ năng giao tiếp và ứng dụng, thao tác công nghệ còn hạn chế. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các công ty trong việc tuyển dụng lao động chất lượng cao, nhất là những công ty, tập đoàn ở thành phố lớn, ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển dụng lao động tại địa phương, khi điều kiện về môi trường sống, mức lương, một số cơ chế ưu đãi hỗ trợ khác tại Ninh Bình chưa đủ hấp dẫn, thu hút nhân tài.

Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình Bùi Duy Quang cho biết, trong các khu công nghiệp trên địa bàn hiện nay, số lượng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được gia hạn, cấp lại giấy phép lao động nhiều lần, thể hiện việc đào tạo nhân lực tại chỗ để thay thế cho những lao động này chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đặc biệt, chế biến, chế tạo là ngành sử dụng nhiều lao động, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt gần 18%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Đó là một trong những nguyên nhân mà ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, trình độ công nghệ sản xuất yếu so với thế giới, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp.

Mặc dù là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước trong danh sách được lựa chọn ngành nghề thế mạnh để đầu tư ngành nghề trọng điểm, tuy nhiên đến nay, nhiều ngành nghề ở Nam Định chưa được đầu tư hoặc chỉ được đầu tư nhỏ giọt. Cơ sở vật chất, thiết bị của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đầu tư hoặc đầu tư không đồng bộ; thiết bị đào tạo thực hành nhiều trường rất lạc hậu so với thực tiễn sản xuất, nhất là đối với khối ngành kỹ thuật. Trong khi việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp quá thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đề ra, nhất là ngân sách tỉnh. Tỷ trọng đầu tư cho dạy nghề so với tổng nguồn chi cho giáo dục đào tạo chỉ đạt khoảng 1,5%, trong khi mặt bằng chung của cả nước khoảng 19%.

Đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường

Trường cao đẳng nghề Thái Bình hiện có khoảng 2.000 học viên theo học các ngành công nghiệp như: điện công nghiệp, công nghệ ô-tô, cơ khí hàn, may thời trang, công nghệ thông tin,… Qua theo dõi, nhu cầu lao động của các ngành công nghiệp những năm gần đây có sự chuyển dịch khá rõ. Nếu như trước đây, ngành may cần số lượng lao động lớn, còn hiện nay, ngành điện và công nghệ ô-tô đang được thị trường rất quan tâm.

Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Thái Bình Đặng Nguyên Mạnh chia sẻ: Tất cả học viên đạt chuẩn đầu ra của nhà trường đều có việc làm bởi việc kết nối với doanh nghiệp được làm rất bài bản, quy củ. Hiện nay, nhà trường dành khoảng 70% thời gian đào tạo cho học viên thực hành tại hàng chục doanh nghiệp, vì vậy kỹ năng nghề được nâng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của thị trường.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình Phí Ngọc Thành cho biết, từ tháng 7/2022, tỉnh Thái Bình cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ký chương trình hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo cho doanh nghiệp trên địa bàn đến năm 2025. Đây là thông tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bởi lẽ lâu nay khó khăn lớn nhất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh là chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Để hoàn thành kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Nam đang tập trung đổi mới, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp về chương trình, giáo trình đào tạo, phát triển đội ngũ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Hà Nam Vũ Hữu Ý khẳng định: Trường đã xây dựng mạng lưới gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với hàng trăm doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp FDI.

Đặc biệt, trường coi trọng hoạt động hợp tác đưa sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, tiến tới xây dựng “học kỳ doanh nghiệp”, giúp học sinh, sinh viên nâng cao trình độ, rèn nghề, trải nghiệm công việc thực tế và được hỗ trợ tiền lương ngay trong quá trình thực tập (từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng). Trường cũng thực hiện tốt công tác khảo sát nhu cầu lao động, tư vấn và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt hơn 90%.

Nam Định cũng là địa phương sớm khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động; phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong các doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề tại chỗ để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, thực hiện đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động; tăng cường các hoạt động hợp tác với đa dạng mô hình và phương thức hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ở từng lĩnh vực, từng địa bàn.

Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định Trần Thái Tuệ cho biết, hoạt động đào tạo nghề đang từng bước hướng theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cao cho các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo vùng.

Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực, lao động tại chỗ là một trong những yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư có hiệu quả, đồng thời cũng là lợi thế cạnh tranh cho địa phương.

Cùng với đó, đào tạo nghề cho lao động sản xuất công nghiệp gắn với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động đang góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.