Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Quân khu 2; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang.
Đọc điếu văn trong Lễ truy điệu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: 41 năm trước, mảnh đất thiêng liêng, địa đầu Tổ Quốc - Hà Giang là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết tâm giữ từng mỏm đồi, vách đá, điểm cao với tinh thần quả cảm “sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” quân và dân ta đã chặn đứng quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn biên cương Tổ quốc. Đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và hơn 9.000 người bị thương. Chiến tranh đã lùi xa, địa hình, địa vật có nhiều thay đổi; các nhân chứng lịch sử người còn, người mất; hàng nghàn héc-ta đồi, núi vẫn còn sót lại bom, mìn…, việc xác định thông tin để khảo sát, tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ gặp nhiều khó khăn. Do đó, hiện vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ vẫn nằm lại trong khe đá, thung sâu chưa được tìm thấy, cất bốc và quy tập. Đây là nỗi đau, băn khoăn trăn trở lớn của Đảng, Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân ta. Vì vậy, những năm qua Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, bố trí nguồn lực để tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ, đưa các anh về với đất mẹ, đồng đội.
Truy điệu và an táng bốn hài cốt liệt sĩ mới được cất bốc tại thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tỏ lòng thành kính dâng những vòng hoa tươi, nén nhang thơm tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ, tiễn đưa các anh về nơi an nghỉ cùng gần 2.000 đồng đội đã được quy tập, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.