Hà Giang tập trung khắc phục tình trạng ngập úng

NDO -

NDĐT - Trận mưa lũ diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, TP Hà Giang có hơn 1.000 hộ dân và hàng trăm ha hoa màu, ao cá chìm sâu trong nước. Thời điểm xảy ra ngập úng, lượng mưa trên địa bàn thành phố và các khu vực lân cận dù lớn nhưng chưa phải đột biến, việc nước lũ lên nhanh, diện tích ngập úng rộng là điều bất thường. Do đó, tỉnh Hà Giang đã kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng này.

Các nhà máy thủy điện trên sông Lô, sông Miện đã ký quy chế phối hợp thông tin, vận hành đón, xả lũ an toàn.
Các nhà máy thủy điện trên sông Lô, sông Miện đã ký quy chế phối hợp thông tin, vận hành đón, xả lũ an toàn.

Quy chế phối hợp thông tin đối với các nhà máy thủy điện

Trên lưu vực sông Lô, sông Miện đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Hà Giang có hàng chục nhà mày thủy điện đang hoạt động. TP Hà Giang nằm trong khu vực ảnh hưởng của các nhà máy thủy điện trên hai lưu vực sông này. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tình trạng ngập úng ở TP Hà Giang diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua là do các thủy điện trên lưu vực sông Lô, sông Miện chưa có sự phối hợp trong việc xả lũ giữa các hồ chứa phía thượng lưu và hạ lưu. Các hồ chứa nước thủy điện phía thượng lưu đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn, phía hạ lưu không tiêu thoát kịp.

Theo quy định, các nhà máy thủy điện đều có quy trình vận hành hồ chứa do các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trên thực tế, các nhà máy cũng chấp hành quy trình vận hành hồ chứa, tuy nhiên, thời gian xả lũ của từng nhà máy lại chưa có sự thống nhất, phía thượng lưu xả lũ nhưng phía hạ lưu lại không nắm bắt được thông tin để thực hiện xả lũ, điều đó dẫn đến tình trạng nước không tiêu thoát kịp, gây ngập úng cho địa bàn TP Hà Giang.

Từ thực tế trên, tỉnh Hà Giang vừa ban hành “Quy chế phối hợp cung cấp thông tin và vận hành đón lũ, xả lũ đối với các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Lô, sông Miện”.

Theo quy chế này, trong thời kỳ mưa lũ, các nhà máy thủy điện phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác vận hành, điều tiết hồ chứa. Thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với nhau về chế độ vận hành xả nước, chủ động trong công tác vận hành nhằm bảo đảm chế độ vận hành tối ưu và điều tiết hồ chứa an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, khi có cảnh báo khả năng xuất hiện lũ lớn thì đơn vị vận hành nhà máy thủy điện quyết định việc vận hành hồ chứa, đồng thời báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cho biết: “Trước khi ban hành quy chế, tỉnh đã họp bàn với các nhà máy thủy điện. Tất cả đều thống nhất cao là cần ban hành quy chế và đã ký cam kết phối hợp thông tin với cơ quan chức năng của tỉnh. Nếu đơn vị nào không tuân thủ nghiêm túc quy chế phối hợp thì cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý theo quy định”.

Như vậy, sau khi có quy chế phối hợp, các nhà máy thủy điện sẽ có sự trao đổi thông tin, phối hợp nhịp nhàng hơn trong việc xả lũ, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng không chỉ đối với TP Hà Giang mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Xử lý các điểm lấn chiếm gây tắc nghẽn dòng chảy

Từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang nhiều lần kiểm tra và phát hiện hàng chục điểm lấn chiếm hành lang sông Lô, sống Miện, đoạn chảy qua TP Hà Giang và một số địa bàn giáp ranh. Hành động lấn chiếm hành lang sông là san đào, đổ thải đất đá, xây dựng các công trình lấn chiếm. Nhiều vị trí bị lấn chiếm diện tích lớn, khối lượng đất, đá đổ thải lên đến hàng chục nghìn m3.

Do đó, ngành chức năng của tỉnh Hà Giang cũng xác định một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng ngập úng ở TP Hà Giang là do một số khu vực bị lấn chiếm dòng chảy, ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Tỉnh Hà Giang đã thành lập đoàn kiểm tra do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tiến hành kiểm tra một số địa điểm được xác định là lấn chiếm dòng chảy, gây thu hẹp lòng sông Lô, ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Qua kiểm tra đã xác định được hai địa điểm đổ đất lấn chiếm dòng sông, tạo mặt bằng tại khu vực giáp ranh với TP Hà Giang.

Hà Giang tập trung khắc phục tình trạng ngập úng ảnh 1

Khu vực đổ đất lấn chiếm gây thu hẹp lòng sông Lô tại Trạm chiết nạp gas của Công ty Đông Tùng.

Cụ thể, tại khu vực phía sau trạm chiết nạp gas của Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ gas Đồng Tùng, thôn Tân Đức, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên có 1.900 m2 đất bị san lấp để tạo mặt bằng, lấn chiếm hành lang và dòng sông Lô. Sau khi đổ đất lấn chiếm dòng sông, công ty này còn tự ý xây bờ kè dài 50m để chống sạt lở. Tại vị trí xây dựng bờ kè, đoàn kiểm tra đã tiến hành tham chiếu với bản đồ địa chính và xác định lòng sông Lô khu vực này bị thu hẹp so với hiện trạng ban đầu khoảng 15m.

Tiếp tục kiểm tra tại thôn Tân Đức, xã Đạo Đức, đoàn công tác xác định tại trạm trộn bê-tông của Công ty cổ phần bê-tông và xây dựng Hưng Phụng cũng xảy ra tình trạng đổ đất, tạo mặt bằng lấn chiếm dòng sông Lô. Qua đo đạc thực địa, xác định đơn vị này đã đổ đất lấn chiếm dòng sông để tạo mặt bằng 1.575 m2. Theo số liệu đo đạc thực tế đối chiếu với bản đồ địa chính, công ty đổ đất gây thu hẹp lòng sông khoảng 20 m. Không chỉ lấn chiếm lòng sông, đơn vị này còn xây dựng cả một trạm điện hạ thế trên hành lang Quốc lộ 2.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn công tác đã có kiến nghị với UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ gas Đồng Tùng phá dỡ toàn bộ kè bê-tông và diện tích lấn chiếm dòng chảy sông Lô, tháo dỡ nhà xưởng xây dựng trái phép trên diện tích đất Nhà nước quản lý, khôi phục trả lại mặt bằng như tình trạng ban đầu.

Đối với Công ty cổ phần bê-tông và xây dựng Hưng Phụng, tháo dỡ trạm điện hạ thế xây dựng trái phép trên hành lang quốc lộ 2, đồng thời khắc phục xúc, vận chuyển khối lượng đất do công ty đổ lấp lấn chiếm dòng sông để hoàn trả lại nguyên trạng dòng chảy.

Việc khắc phục trên thể hiện sự tích cực của tỉnh trong phòng chống ngập úng cho địa bàn TP Hà Giang. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp ban đầu, về lâu dài, tỉnh Hà Giang đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu các đơn vị chuyên môn trực thuộc giúp tỉnh đánh giá khách quan nguyên nhân ngập úng trong mùa mưa trên địa bàn TP Hà Giang, từ đó đưa ra những giải pháp lâu dài, hiệu quả.