Hà Giang tạo sinh kế lâu dài cho người dân vùng cao

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung nguồn lực để triển khai nhiều mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất. Qua đó, đã có hàng chục nghìn hộ nghèo được hỗ trợ giống, vốn và được tiếp cận với tiến bộ khoa học-kỹ thuật để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Giàng Chứ Sình ở thôn Lẻo Chá Phìn B, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc chăm sóc bò từ dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản.
Ông Giàng Chứ Sình ở thôn Lẻo Chá Phìn B, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc chăm sóc bò từ dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản.

Tỉnh Hà Giang có hơn 81 nghìn hộ nghèo, chiếm 42% tổng số hộ trong toàn tỉnh. Hộ nghèo tập trung tại các huyện vùng cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là do trình độ dân trí không đồng đều, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi hạn chế; nhiều hộ dân thiếu vốn, chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; còn một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Những năm qua, tỉnh triển khai nhiều chương trình, chính sách để thực hiện các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn về khoa học-kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho người nông dân. Tỉnh cũng đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực để thực hiện các mô hình, dự án giảm nghèo, trong đó có nguồn lực rất lớn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tại huyện Vị Xuyên, việc thực hiện mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương bám sát định hướng phát triển kinh tế; trong đó chủ yếu hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo giống trâu, giống lợn sinh sản bởi đây là hướng phát triển kinh tế trọng tâm của nhiều xã, thị trấn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bài, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Vị Xuyên, các dự án hỗ trợ sản xuất, mô hình giảm nghèo được triển khai trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân, từ đó lựa chọn thực hiện các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất. Các thôn, tổ dân phố cũng thành lập các tổ quản lý cộng đồng để hỗ trợ người dân xây dựng mô hình, dự án. Sau khi các mô hình, dự án được phê duyệt, chính quyền địa phương nghiệm thu và giải ngân theo kết quả.

Cùng cách làm nêu trên, các huyện, thành phố tại tỉnh Hà Giang đang tích cực triển khai các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất để giúp người dân có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Năm 2023, tỉnh đã phân bổ hơn 105 tỷ đồng cho các huyện triển khai xây dựng 245 mô hình giảm nghèo do cộng đồng đề xuất, trong đó tập trung triển khai các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo, chăn nuôi lợn, dê với 9.117 hộ nghèo và cận nghèo thụ hưởng; phân bổ gần 47 tỷ đồng cho các huyện, thành phố triển khai 120 dự án hỗ trợ sản xuất do cộng đồng đề xuất và sáu dự án liên kết theo chuỗi giá trị với gần 4.500 hộ nghèo, cận nghèo hưởng lợi.

Các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát huy hiệu quả, hộ nghèo, cận nghèo có giống trâu, giống lợn để phát triển sản xuất, tăng cơ hội thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Vi Văn Minh, ở thôn Ngọc Hà, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên là một trong những hộ được người dân trong thôn bình chọn tham gia mô hình giảm nghèo. Đầu năm 2023, gia đình anh Bình mua một con trâu sinh sản đã trưởng thành với trị giá 16 triệu đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 15 triệu đồng. Có trâu sinh sản, gia đình anh chăm chút chu đáo, không thả rông trên đồi mà trồng cỏ quanh nhà để nuôi nhốt trong chuồng. Đến nay, trâu đã sinh một con nghé và tiếp tục có chửa lứa thứ hai.

Anh Minh cho biết: "Chỉ cần nuôi một năm nữa, con nghé hiện có cũng bán được hàng chục triệu đồng, đó là số tiền lớn để giúp gia đình đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế vườn rừng".

Xã biên giới Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc có gần 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để nâng cao đời sống của người dân, xã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia.

Gia đình ông Giàng Chứ Sình, ở thôn Lẻo Chá Phìn B là một trong 20 hộ đang được thụ hưởng dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Khi được thông báo nằm trong diện thụ hưởng, ông đã trồng thêm 0,5 ha cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn cho vật nuôi, chuồng trại cũng được tu sửa lại.

Ông Sình chia sẻ: "Từ khi được hỗ trợ bò sinh sản, gia đình tôi tập trung chăm sóc tốt để bò sinh trưởng, phát triển tốt, sớm sinh bê con. Tôi hy vọng đây sẽ là điều kiện giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo trong năm tới".

Các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động hỗ trợ, hướng dẫn người dân tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Thông qua các trung tâm đào tạo nghề, các địa phương đã liên kết, phối hợp để tổ chức đào tạo ngắn hạn tại cơ sở, hình thức đào tạo "cầm tay chỉ việc" cho người dân. Trong năm 2023, đã có hơn 20 nghìn lao động nông thôn được tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng, chủ yếu là các lớp đào tạo khuyến nông, chăn nuôi.

Việc nhiều hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận khoa học, được hỗ trợ giống, vốn đã giúp nhiều hộ dân tỉnh Hà Giang vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo kết quả điều tra, rà soát, trong năm 2023 đã có hơn 13 nghìn hộ thoát khỏi tình trạng nghèo, cận nghèo.