Để thu hút người dân học nghề, Hà Giang ưu tiên nguồn lực phát triển mạng lưới dạy nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hiện nay, tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp và 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề được nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ. Các cơ sở đào tạo nghề đã mở rộng lĩnh vực đào tạo, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của người dân, nhu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương và doanh nghiệp.
Với đặc thù tỉnh vùng cao khó khăn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác đào tạo linh hoạt. Hầu hết các lớp đào tạo nghề ngắn hạn được tổ chức ngay tại các cụm xã, tạo điều kiện cho người học nghề giảm chi phí đi lại, ăn nghỉ.
Tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân vùng cao về việc học nghề, tăng thu nhập, đưa hoạt động giáo dục hướng nghiệp vào các trường phổ thông.
Đoàn thanh niên là tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn mùa thi, định hướng nghề nghiệp, việc làm, diễn đàn thanh niên khởi nghiệp. Hằng năm tổ chức khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề để tham mưu với các đơn vị liên quan mở lớp đào tạo nghề phù hợp. Từ năm 2018 đến nay, đoàn các cấp đã tư vấn hướng nghiệp cho gần 20 nghìn đoàn viên, thanh niên.
Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác đào tạo nghề cho lao động đã thay đổi nhận thức của người dân về nghề nghiệp và việc làm, thu hút người lao động đến các cơ sở đào tạo nghề để học tập. Từ năm 2016 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thu hút hơn 57 nghìn người học nghề, cụ thể có hơn 1.120 người học cao đẳng nghề; hơn 4.200 người học trung cấp nghề; hơn 52 nghìn người học nghề sơ cấp và học nghề dưới ba tháng. Số lao động trong độ tuổi thanh niên được đào tạo nghề tại Hà Giang là hơn 75%, chủ yếu là đào tạo các nghề xây dựng cơ bản; trồng trọt, chăn nuôi; cơ khí; may mặc.
Học hết lớp 9, anh Vừ Mí Trống, thôn Lũng Hồ 3, xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh quanh quẩn ở nhà phụ giúp gia đình trồng ngô, trồng cỏ chăn nuôi. Sinh sống ở xã vùng cao thiếu đất, thiếu nước nên dù vất vả quanh năm gia đình cũng chỉ đủ lương thực, chứ không có tiền trang trải cuộc sống.
Năm 2017, anh Trống được chính quyền địa phương giới thiệu tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Minh đào tạo. Sau khi hoàn thành khóa học ngắn hạn về kỹ thuật xây dựng, anh Trống xin đi làm thợ xây ở các địa phương trong tỉnh.
Anh cho biết: “Học xong khóa học, mình cùng bạn bè đi làm các công trình xây dựng khắp nơi trong tỉnh. Đến năm 2020, do dịch Covid-19 nên mình xin về quê để làm ăn. Do có kinh nghiệm thực tế sau hơn 3 năm làm nghề, mình đã quy tụ một số bạn bè biết nghề xây dựng đi thi công các công trình nhà ở, xây trường học, xây trụ sở thôn trong xã và các xã lân cận”. Với nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh đã có tiền để xây nhà và nuôi con cái ăn học.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã xây dựng 143 mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong số đó tiêu biểu là các mô hình đào tạo nghề như: Nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò; nghề trồng đậu tương, lạc; trồng rau an toàn; trồng nấm; trồng cam VietGap. Các hộ gia đình có lao động tham gia học nghề có thu nhập tăng thêm từ 1,2 đến 1,6 triệu đồng/tháng so trước khi tham gia học nghề.
Gắn với công tác đào tạo nghề, tỉnh Hà Giang quan tâm đến công tác giải quyết việc làm. Hằng năm, thành lập các đoàn công tác đi khảo sát thị trường lao động, ký biên bản cung cấp lao động cho các khu, cụm công nghiệp trong nước, chủ yếu tại các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Tỉnh đã kết nối, mở rộng thị trường, đưa người lao động trong tỉnh ra nước ngoài làm việc. Từ năm 2016 đến nay, đã đưa hơn 40.300 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước; hơn 3.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: “Người dân có nhu cầu lập nghiệp ngay tại địa phương, tỉnh quan tâm, hỗ trợ các chính sách vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm hoặc nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trong giai đoạn 2016-2020, đã có gần 7.000 dự án giải quyết việc làm được vay vốn với số tiền hơn 242 tỷ đồng. Các dự án được đánh giá phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 8 nghìn người và dư nợ quá hạn thấp”.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác đào tạo nghề nhưng công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Nhận thức của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới”.
Bên cạnh đó, thiết bị đào tạo nghề ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh thiếu, lạc hậu, hỏng hóc do thường xuyên phải luân chuyển khi thực hiện công tác đào tạo lưu động tại cơ sở. Kinh phí cho công tác đào tạo còn thấp.
Chất lượng dạy nghề ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thấp, có những nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm còn thấp ở những ngành phi nông nghiệp.
Bản thân người lao động ở một số địa phương vùng cao cũng có mặt hạn chế như thể lực kém, thiếu tính kỷ luật và tác phong công nghiệp, thiếu năng lực khiến cho công tác giải quyết việc làm sau đào tạo gặp khó khăn. Điều này dẫn đến nhiều lao động nông thôn không mặn mà tham gia các lớp đào tạo nghề.
Để nâng cao công tác đào tạo nghề trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Hà Giang mong muốn Trung ương duy trì các dự án thuộc chương trình nghề nghiệp, việc làm. Đồng thời phân bố nguồn lực hằng năm, ưu tiên nhiều hơn cho các tỉnh nghèo, khó khăn như Hà Giang. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ nguồn lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng cao nhằm đáp ứng công tác đào tạo.